4. Tạo lập môi trường điều kiện để phát triển thị trường xuất khẩu
4.1. Trong ngắn hạn
a. Đề nghị Chính phủ:
Giao Bộ Công Thương xây dựng Chương trình xúc tiến thương mại năm 2009 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I/2009 theo hướng vừa phát huy biện pháp xúc tiến thương mại truyền thống, vừa áp dụng xúc tiến thương mại theo từng ngành hàng, từng hợp đồng xuất khẩu lớn; thu hút các tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam. Dự kiến nguồn vốn dành cho chương trình khoảng 200 tỷ đồng.
b. Ngân hàng Nhà nước:
Tiếp tục xem xét điều chỉnh lãi suất cơ bản phù hợp với diễn biến thị trường trong năm 2009 có tính đến lãi suất các nước trong khu vực và thế giới. Đây là biện pháp hữu hiệu để kích cầu và thúc đẩy sản xuất. Đồng thời, đảm bảo duy trì tỷ giá ổn định theo hướng có lợi cho xuất khẩu.
Nghiên cứu cơ chế khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay xuất khẩu với lãi suất ưu đãi thông qua việc giảm lãi suất tái cấp vốn, hỗ trợ lãi suất và các hình thức hỗ trợ khác… Ưu tiên cấp tín dụng và đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nông dân và các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu.
c. Bộ Tài chính
Tăng cường sử dụng công cụ Ngân hàng Phát triển để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu:
Xem xét tiếp tục giảm mức lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu phù hợp với tình hình thực tế và thực sự có tác dụng hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn (điều chỉnh giảm từ mức 10,8%/năm hiện nay xuống khoảng 5-6%/năm, tương đương lãi suất được bù theo gói Kích cầu 17.500 tỷ đồng).
Bổ sung, sửa đổi Nghị định 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu theo hướng tập trung ưu tiên cho tín dụng xuất khẩu và tín dụng đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu. Bổ sung danh mục mặt hàng và lĩnh vực được vay vốn đầu tư sản xuất gồm: gạo, dệt may, giày dép, sản phẩm nhựa, xe đạp và phụ tùng, cao su, nhóm hàng cơ khí, sắt thép, các sản phẩm từ gang thép, vật liệu xây dựng và túi xách va ly ô dù. Triển khai nghiệp vụ cấp tín dụng nhập khẩu cho nhà nhập khẩu nước ngoài nhằm đẩy mạnh xuất khẩu đối với một số mặt hàng xuất khẩu như gạo, nông sản…
Mở rộng định mức vay và giãn thời gian trả nợ vay ngân hàng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản, công nghiệp, chế biến (gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, dệt may, giầy dép, nhựa) và các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp đã nhập khẩu thép. Kịp
thời giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp về thủ tục hành chính, hải quan liên quan đến hoạt động xuất khẩu.
d. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu các hình thức hỗ trợ nông dân theo cam kết của Việt Nam với WTO về hỗ trợ nông nghiệp (10% trị giá sản phẩm nông nghiệp), hỗ trợ thiết bị và kinh phí kiểm tra dư lượng kháng sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ bảo quản hàng nông sản (gạo, cà phê) sau thu hoạch như đầu tư sân phơi, lò sấy, kho chứa…
Chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất các biện pháp từng bước hoàn chỉnh các cơ chế đảm bảo sản xuất và tiêu thụ ổn định các nông sản, thủy sản chính như gạo, cá tra, tôm và cà phê. Triển khai xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu để nâng cao chất lượng, hiệu quả xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu mua nông lâm thủy sản, trước mắt, như tôm, cá xuất khẩu.
đ. Bộ Công Thương
Nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ các hình thức hỗ trợ tài chính cho các hợp đồng xuất khẩu giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.Tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương vụ tập trung tìm đầu ra để tiêu thụ gạo, thủy sản và các nông sản khác.
Theo dõi sát, có biện pháp đề phòng tích cực trước tình hình khủng hoảng tài chính của Mỹ và thế giới. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin dự báo, phát hiện kịp thời và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật do các
nước đưa ra để hạn chế hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tập trung đầu tư nâng công tác dự báo về thị trường, về hàng hàng hóa và các điều kiện thương mại… làm cơ sở cho việc chỉ đạo phát triển sản xuất, xuất khẩu vào những thời điểm có hiệu quả nhất.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tìm hiểu thông tin, có chiến lược vận động Chính phủ, Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại và các cơ quan có liên quan của Mỹ nhằm hạn chế việc Dự luật nông nghiệp 2008 gây khó khăn cho xuất khẩu cá tra.Tập trung thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại theo phương thức tập trung hỗ trợ trực tiếp cho các mặt hàng và các hợp đồng xuất khẩu lớn, quan tâm đến các thị trường lớn, truyền thống lẫn các thị trường tiềm năng như Bắc Phi, Trung Đông, Mỹ La Tinh ở cả cấp Chính phủ và doanh nghiệp. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi và thu hút các tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam.
Phối hợp với các Bộ ngành liên quan phân tích và đánh giá hiệu quả của việc tham gia các FTA và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đào tạo về lĩnh vực hội nhập khu vực nói chung và về các Quy tắc xuất xứ (trong các FTA) nói riêng để giúp các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những quy định mới, áp dụng hiệu quả các cam kết cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường các nước nhập khẩu do các Hiệp định FTA mang lại.
Chủ trì cùng Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua hình thức thuê kho ngoại quan ở nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam gửi hàng và bán trực tiếp cho doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối của các thị trường ở Châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ và một số nước khác nhằm giúp hàng hoá của Việt Nam có có hội thâm nhập trực tiếp vào các thị trường này và giảm thiểu các rủi ro về thanh toán. Quản lý
chặt chẽ thị trường nội địa, bảo đảm nhu cầu lành mạnh, hợp lý, đi đôi với việc xử lý nghiêm vi phạm đối với các hành vi đầu cơ gây biến động giá cả, cung cầu.
e.Các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp:
Cần có cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành quản lý và các Hiệp hội ngành hàng để tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành. Nhà nước cần có sự hỗ trợ nhất về tài chính cho hoạt động của Hiệp hội. Các Bộ, ngành và Hiệp hội cần phối hợp tổ chức mạng lưới thông tin dự báo tình hình thị trường, giá cả, cung cầu hàng hoá ở thị trường trong nước và nước ngoài cung cấp cho các hội viên và doanh nghiệp.
Phối hợp với các Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài trong việc thông tin về tình trạng pháp lý và khả năng thanh toán của đối tác, nhằm giảm thiểu rủi ro trong giao kết hợp đồng xuất khẩu, nhất là ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang chịu tác động ảnh hưởng mạnh của khủng hoảng tài chính. Khuyến cáo doanh nghiệp trong việc rà soát các hợp đồng xuất khẩu đã ký, nhất là các hợp đồng dài hạn, hợp đồng kỳ hạn. Đặc biệt chú ý vấn đề khả năng thanh toán của đối tác. Cẩn trọng trong việc sử dụng các công cụ thanh toán, điều kiện thanh toán trong các giao dịch có khả năng tiềm ẩn rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán của đối tác.