I. Nhóm chính sách đối với cá nhân trong việc thực hiện mục tiêu giảm sinh
I.7.1. Khuyến khích người sử dụng các biện pháp tránh thai:
Chiến lược DS – KHHGĐ đến năm 2000 đã đưa ra các chế độ chính sách khuyến khích như sau: “Trong những năm đầu, khuyến khích lợi ích trực tiếp với những người trong tuổi sinh đẻ có đăng ký sử dụng biện pháp tránh thai bằng việc cung cấp đẩy đủ, thuận tiện và không phải tiền phương tiện tránh thai, phí dịch vụ và thuốc thiết yếu. Thực hiện chế độ ưu đãi đối với người sử dụng biện pháp đình sản về cấp thuốc, bảo hiểm xã hội và miễn nghĩa vụ lao động công ích. Tùy theo tình hình thực tế về sử dụng các biện pháp tránh thai, bồi dưỡng một lần bằng tiền hoặc hiện vật, tạo đòn bẩy tăng nhanh số người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại”.
Các định hướng về chính sách chế độ nêu trên đã được triển khai thực hiện trên thực tế thông qua các văn bản hướng dẫn cụ thể cho từng năm. Đến thời điểm hiện nay, các chính sách khuyến khích người sử dụng tránh thai dường như vẫn tập trung chủ yếu vào sự bao cấp của Nhà nước, chưa chuyển sang cho đối tượng tự chịu chi phí về dịch vụ KHHGĐ và do đó chưa đảm bảo được tính phát triển vững chắc và ổn định của chương trình DS – KHHGĐ.
- Phương tiện tránh thai
Các phương tiện tránh thai như vòng tránh thai, thuốc tiêm, thuốc cấy, thuốc uống tránh thai, màng ngăn âm đạo và bao cao su được cung ứng theo 3 kênh chủ yếu: 1) Cung ứng miễn phí cho số người có đăng ký sử dụng. 2) Bán rẻ với sự trợ giá của Nhà nước (TTXH) cho những người có nhu cầu sử dụng và 3) Bán tự do trên thị trường. Phương thức tiến hành việc cung ứng phương tiện tránh thai rất rõ ràng: Trong những năm đầu, mở rộng kênh cung ứng miễn phí và dần dần chuyển sang kênh tiếp thị xã hội với sự trợ giá của nhà nước từ cao tới thấp và sau đó chuyển sang thị trường tự do.
- Chi phí dịch vụ KHHGĐ
Mọi đối tượng đăng ký sử dụng biện pháp tránh thai thực hiện KHHGĐ tại các cơ sở y tế Nhà nước đều được miễn phí dịch vụ. Lý do là các cơ sở y tế Nhà nước được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, cán bộ y tế được đào tạo và được hưởng lương. Gần đây, chế độ thu một phần việc phí được ban hành, nên một số cơ sở y tế coi đối tượng làm dịch vụ KHHGĐ như là những bệnh nhân và đã thu một phần viện phí của các đối tượng này.
- Thuốc thiết yếu
Thuốc thiết yếu cho người thực hiện biện pháp tránh thai lâm sàng được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể đối với từng biện pháp tránh thai, nhằm bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và sức khoẻ cho đối tượng sử dụng. Ngân sách Nhà nước cấp kinh phí cho các cơ sở dịch vụ KHHGĐ, cơ sở dịch vụ KHHGĐ mua thuốc thiết yếu và cấp miễn phí cho đối tượng thực hiện biện pháp tránh thai và sử dụng khi làm dịch vụ theo tiêu chuẩn cụ thể (Theo Công văn 4379YT/BMTE ngày 2 tháng 7 năm 1998 của Bộ Y tế).
Chính sách cấp miễn phí các phương tiện tránh thai, miễn phí dịch vụ KHHGĐ và cấp cho không thuốc thiết yếu tuy có tác dụng khuyến khích người sử dụng và đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật trong bảo vệ sức khoẻ của người sử dụng biện pháp tránh thai, nhưng chính sách này có một số hạn chế là:
Do cấp miễn phí nên không đánh giá được người sử dụng thực sự vì họ cứ nhận phương tiện tránh thai mà không bị ảnh hưởng về kinh tế, lại được đánh giá là tuân theo sự tuyên truyền vận động của cơ quan, đơn vị và đoàn thể, còn việc sử dụng hay không là tùy thuộc vào chính bản thân họ, vừa làm sai lệch kết quả đánh giá số người sử dụng, vừa tạo nên một sự lãng phí về kinh phí của Nhà nước. Theo kết quả điều tra về việc sử dụng bao cao su cấp miễn phí, có khoảng từ 9 đến 15% số người trẻ dưới 50 tuổi cho rằng cấp 10 bao cao su/tháng là thừa, ngược lại chỉ có từ 5 đến 9% số người cho là thiếu, đa số 77 đến 86% số người cho là đủ. Nhưng người già trên 50 tuổi thì có ý kiến ngược lại: 40% cho là thừa, 60% cho là đủ và không có người nào cho là thiếu.
Mặt khác việc cấp thuốc thiết yếu theo lượt người sử dụng biện pháp tránh thai, nên cũng không khuyến khích người tiếp tục sử dụng tránh thai; và do cấp bằng hiện vật nên dễ làm cho người sử dụng tránh thai coi đó như là trách nhiệm của Nhà nước, coi biện pháp tránh thai không phải là một thứ hàng hoá mà họ là khách hàng.