Một số vấn đề lí thuyết về dạy học ngữ pháp ở bậc THPT 1 Vị trí, vai trò của phân môn ngữ pháp

Một phần của tài liệu VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM “TÍCH HỢP” VÀ “TÍCH CỰC” TRONG VIỆC DẠY HỌC NGỮ PHÁP Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (Trang 53 - 56)

VI. Cấu trúc của luận văn

Quá trình dạy học theo PP giao tiếp Các

1.2. Một số vấn đề lí thuyết về dạy học ngữ pháp ở bậc THPT 1 Vị trí, vai trò của phân môn ngữ pháp

1.2.1. Vị trí, vai trò của phân môn ngữ pháp

Các kiến thức ngữ pháp được dạy liên tục từ bậc tiểu học đến THPT. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của ngữ pháp trong hệ thống ngôn ngữ nói chung và trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ nói riêng. Dạy ngữ pháp phải giúp HS nắm được đặc điểm loại hình của tiếng Việt về mặt ngữ pháp, mới có sơ sở để viết câu đúng và hay, biết sử dụng câu linh hoạt, chính xác trong mọi phong cách văn bản.

Ngữ pháp được quan niệm là một trong ba bộ phận cấu thành của một ngôn ngữ, (hệ thống ngôn ngữ bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp).

Việc nghiên cứu ngữ pháp của một ngôn ngữ cụ thể bao gồm các phân ngành: - Từ pháp học: đối tượng nghiên cứu là các từ, với mục đích xác định các quy tắc cấu tạo từ, quy tắc biến đổi từ, đặc điểm ngữ pháp của các từ loại.

- Cú pháp học: nghiên cứu quy tắc cấu tạo cụm từ và câu (kết hợp các từ thành cụm từ, kết hợp các từ, cụm từ thành câu, tổ chức các thành phần câu và các kiểu câu).

Như vậy, so với ngữ âm và từ vựng thì ngữ pháp có tính khái quát cao hơn: những khái niệm ngữ pháp bao quát hàng loạt hiện tượng ngôn ngữ, những quy tắc ngữ pháp hoạt động trong rất nhiều đơn vị ngôn ngữ cụ thể.

Ví dụ, quy tắc kết hợp số từ ở trước danh từ để biểu hiện số lượng sự vật, còn ở sau danh từ để biểu hiện thứ tự sự vật là quy tắc chi phối toàn bộ sự kết hợp của số từ và danh từ tiếng Việt. So sánh ba tháng – tháng ba.

Tính khái quát của ngữ pháp là một điều kiện thuận lợi cơ bản để vận dụng hướng tích hợp trong việc dạy phân môn này. Cùng một bài học ngữ pháp, GV có thể tích hợp kiến thức của các phân môn Tiếng Việt, tích hợp dạy lý thuyết với thực hành, tích hợp việc dạy kiến thức và dạy văn hoá…

Trong chương trình phổ thông hiện nay, HS được học các kiến thức ngữ pháp theo quan điểm tích hợp dọc (cấu trúc đồng tâm). Từ tiểu học, HS đã làm quen và nhận diện các khái niệm ngữ pháp. Ở bậc THCS, HS tiếp tục tìm hiểu đầy đủ hơn, phân tích và thực hành các khái niệm, các quy tắc ngữ pháp.

Ví dụ:

Ở Tiểu học, HS được dạy nhận biết danh từ thông qua các bài tập “tìm từ chỉ sự vật” (lớp 2, 3), từ đó, tìm hiểu khái niệm danh từ và phân loại danh từ (lớp 4), các em nhận diện cụm danh từ qua các bài học về câu (có thể bằng câu hỏi Chủ ngữ của câu này do từ hay những từ ngữ nào thể hiện?). SGK không cung cấp khái niệm cụm danh từ và không yêu cầu HS phân tích cấu tạo của cụm từ như SGK trước đây.

Ở bậc THCS, lớp 6, HS được học một cách hệ thống hơn về danh từ, cụm danh từ (khái niệm, quy tắc kết hợp, chức năng cú pháp…)

Về câu, như ta đã biết, trong giới Việt ngữ học hiện nay, có những hướng xử lí khác nhau về cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt. Hướng được chọn đưa vào chương trình Tiếng Việt phổ thông vẫn là hướng phân tích câu theo cấu trúc chủ vị. Tuy nhiên, ở Tiểu học, HS không phải học phân loại câu theo cấu tạo và theo mục đích nói, mà được lần lượt học về cách đặt câu hỏi, câu kể, câu khiến, câu cảm. Các mô hình cấu trúc câu Ai (cái gì, con gì) làm gì? Ai (cái gì, con gì) thế nào? Ai (cái gì, con gì) là gì? được dạy như những câu kể cụ thể.

Cấu trúc cú pháp của câu đơn, câu ghép, phân loại câu ghép… HS được học kĩ hơn ở lớp 6 và lớp 8, các kĩ năng rút gọn câu, mở rộng câu, chuyển đổi câu… được thực hành ở lớp 7, mỗi lớp ở bậc THCS đều có các bài lí thuyết và thực hành về dấu câu.

Do vậy, ở bậc THPT, HS không tiếp tục tìm hiểu các khái niệm ngữ pháp cơ bản và các từ loại nữa mà chủ yếu đi vào thực hành việc sử dụng câu như thế nào cho đạt hiệu quả giao tiếp. Mặt khác, những bài học ngữ pháp ở chương trình THPT còn quan tâm nhiều đến bình diện nghĩa học và dụng học của câu. (Ví dụ:

Nghĩa của câu, Ngữ cảnh).

Sở dĩ chúng tôi xếp bài Ngữ cảnh vào loại bài học ngữ pháp vì muốn biết một câu nói, một câu văn nào đó đúng hay sai không thể không đặt nó trong ngữ cảnh. Những hiểu biết về ngữ cảnh giúp chúng ta xác định trong hoàn cảnh nào thì người nói được nói thế này mà không được nói thế kia. Vì thế mà ngữ cảnh luôn là một vấn đề được đề cập trong các sách viết về ngữ pháp.

So với bậc THCS, chương trình ngữ pháp ở THPT có những điểm sau: - Khá gọn nhẹ về các khái niệm ngữ pháp và quy tắc ngữ pháp.

- Các bài thực hành nhiều hơn các bài lí thuyết.

- Tập trung vào phần ngữ pháp ở bậc câu và trên câu (văn bản).

- Quan tâm đến các bình diện khác nhau của câu (ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng).

Như vậy, việc dạy học ngữ pháp ở trường THPT nhằm cung cấp các tri thức về các quy tắc hoạt động và tác dụng của một số kiểu câu trong văn bản, rèn luyện cho HS ý thức nói (viết) câu linh hoạt và sáng tạo (biết chuyển đổi kiểu

câu hoặc chuyển đổi trật tự các bộ phận trong câu để tạo sự liên kết với các câu khác trong văn bản; nói, viết phù hợp với ngữ cảnh, đạt hiệu quả giao tiếp).

Một phần của tài liệu VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM “TÍCH HỢP” VÀ “TÍCH CỰC” TRONG VIỆC DẠY HỌC NGỮ PHÁP Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (Trang 53 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)