VI. Cấu trúc của luận văn
a) Tích hợp “ngang”
Tích hợp “ngang” là tích hợp kiến thức tiếng Việt với các mảng kiến thức, kĩ năng khác trong cùng bộ môn Ngữ văn hoặc với các kiến thức trong các môn khoa học khác theo nguyên tắc đồng quy.
Tích hợp dạy câu với chính tả, từ ngữ, văn bản và phong cách học
Câu được xem là đơn vị lời nói nhỏ nhất dùng để giao tiếp, các đơn vị thấp hơn chỉ có giá trị nhờ chức năng của chúng trong câu. Trong giao tiếp, con người dùng câu để biểu đạt thông tin, nhưng câu lại được tạo nên bởi từ ngữ và nhiều yếu tố khác. Vì thế, viết một câu hay tạo lập một văn bản cần có sự tích hợp của nhiều kiến thức và kĩ năng.
Thông thường, một câu được xem là đúng khi nó đáp ứng được các tiêu chuẩn sau: (1) đúng chính tả: tuân theo những quy định về chính tả hiện hành; (2) đúng lôgic: phù hợp với suy nghĩ thông thường của mọi người, với tư duy của người Việt, đồng thời cũng phù hợp với kiến thức khoa học, xã hội; (3) đúng
quy chiếu: có sự thống nhất trong cách hiểu giữa người đọc (người nghe) và người viết (người nói) về một chủ thể được nêu ra trong câu; (4) đúng về cách dùng từ ngữ: dùng từ chính xác về nghĩa và phù hợp với phong cách của văn bản, không dùng từ thừa, tránh lặp từ không cần thiết; (5) đúng về cách viết câu: câu cần được diễn đạt rõ ràng, đầy đủ ý nghĩa, tránh sự nhầm lẫn giữa thành phần chính và thành phần phụ, giữa ngữ với câu; (6) đúng phong cách chức năng: mỗi văn bản thuộc về một phong cách chức năng nhất định, mỗi phong cách có một yêu cầu riêng về cách trình bày, cách dùng từ ngữ, cách viết câu, vì thế, câu phải phù hợp với phong cách văn bản của nó.
Như vậy, để viết câu tốt, HS phải tích hợp những hiểu biết về chính tả, từ ngữ, ngữ pháp, văn bản, phong cách… và vận dụng chúng một cách nhuần nhuyễn trong khi viết câu.
Ngược lại, khi dạy HS về các quy tắc chính tả, cách sử dụng từ ngữ… thì việc đặt những kiến thức cần truyền đạt trong những câu cụ thể, trong thế so sánh để HS nhận diện là một trong những PP có tính trực quan, sinh động. Hơn nữa, nếu những câu làm ngữ liệu được lấy từ chính những bài văn của HS thì càng có khả năng tác động đến ý thức sử dụng ngôn ngữ của HS hơn.
Tích hợp dạy các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết
Trong giao tiếp hàng ngày, có hai hình thức giao tiếp phổ biến là giao tiếp bằng lời và bằng chữ viết. Tuy đều là những hoạt động trao đổi thông tin nhưng hai hình thức giao tiếp đó có những yêu cầu và cách thức khác nhau. Vì thế, trong dạy học tiếng, bên cạnh việc dạy kĩ năng đọc, viết cần lưu ý rèn luyện cho HS kĩ năng nghe, nói.
Với một ngữ liệu là văn bản văn học, HS thường được rèn luyện kĩ năng đọc, viết hơn là kĩ năng nghe, nói, mặc dù trong thực tế, mức độ sử dụng của kĩ năng nghe, nói là thường xuyên hơn. GV có thể hướng dẫn HS rèn luyện các kĩ năng này khi cùng thảo luận về nội dung bài học. Bên cạnh đó, cũng có thể thay thế một vài bài làm văn viết bằng hình thức làm văn nói tại lớp. Chẳng hạn như khi rèn luyện các thao tác lập luận bác bỏ, thao tác lập luận bình luận, GV có thể để HS thể hiện sự lập luận của mình bằng lời nói… Qua đó, GV và các HS khác cùng nhận xét, góp ý về cách lựa chọn từ ngữ, kiểu câu, về ngữ điệu, thái độ khi trình bày... Các HS khác, muốn nhận xét xác đáng, cũng phải biết cách lắng nghe và có thái độ lắng nghe ý kiến của người khác một cách nghiêm túc.
Như vậy, tích hợp các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết khi dạy tiếng Việt, GV có thể giúp HS có kĩ năng giao tiếp tốt hơn. Đó cũng là mục đích chính của môn Tiếng Việt trong nhà trường.
Tích hợp dạy Tiếng Việt với các tác phẩm văn học ở phần Đọc văn và các kiểu văn bản đang rèn luyện tạo lập trong phần Làm văn.
Mục đích của việc tích hợp này là để HS thấy được mối quan hệ mật thiết của ba môn Đọc văn, Tiếng Việt và Làm văn, trong đó, kiến thức Tiếng Việt là nền tảng. Chẳng hạn, ở lớp 11, khi học bài Phong cách ngôn ngữ chính luận, GV cần chú ý cho HS liên hệ với các bài văn nghị luận xã hội đã học ở phần Đọc văn như Chiếu cầu hiền (Ngô Thì Nhậm), Đơn xin lập khoa luật (Nguyễn Trường Tộ), Về luân lí xã hội ở nước ta (Phan Châu Trinh), Tiếng mẹ đẻ- nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức (Nguyễn An Ninh). Các văn bản trên cũng có thể trở thành nguồn ngữ liệu thích hợp khi hướng dẫn HS tìm hiểu và rèn luyện thao tác lập luận bình luận trong văn nghị luận.
Tích hợp nội dung các môn học khác vào ngữ liệu tiếng Việt và tích hợp việc dạy Tiếng Việt khi dạy các môn học khác.
Dạy học tích hợp dựa trên sự kế thừa những kiến thức đã có để tìm hiểu một kiến thức mới và từ một kiến thức đã học có thể vận dụng vào nhiều môn học có liên quan. Trong nhà trường, thông qua tiếng Việt, HS tiếp nhận tri thức của các môn học. Đồng thời, từ các môn học, HS cũng tích luỹ thêm vốn từ vựng, có năng lực tư duy phân tích, tổng hợp, đánh giá sự việc, hiện tượng một cách lôgic hơn, toàn diện hơn.
Tuy nhiên, GV môn Ngữ văn chỉ có thể đảm bảo ở một mức độ nhất định việc tích hợpnội dung các môn học khác vào những ngữ liệu dạy tiếng Việt. Còn việc tích hợp việc dạy Tiếng Việt khi dạy các môn học khác lại cần sự tham gia của GV các bộ môn khác, nhất là các môn khoa học xã hội khác như: Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý…. Để HS luôn có ý thức rèn luyện khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ, mỗi GV phổ thông phải là một tấm gương cho HS trong việc nói, viết chuẩn mực và có những yêu cầu chặt chẽ với HS về việc sử dụng tiếng Việt.
Tích hợp dạy Tiếng Việt với việc cung cấp những kiến thức về văn hoá, xã hội, lịch sử
Nói hay viết đều là hoạt động giao tiếp, hoạt động của tư duy. Không thể giao tiếp tốt nếu không có kiến thức xã hội về văn hoá giao tiếp, về sự tôn trọng các mối quan hệ xã hội và về những yêu cầu của ứng xử ngôn ngữ. Hiểu biết về ngôn ngữ và văn hoá, HS sẽ có ý thức phân biệt ngôn ngữ có văn hoá và ngôn
ngữ thiếu văn hoá, ngôn ngữ được giáo dục trong nhà trường và ngôn ngữ xô bồ, mang tính chất tự nhiên.
Ở nước ta, chương trình dạy tiếng Việt chưa chú ý nhiều đến vấn đề này. Theo TS. Nguyễn Trí, “ở tiểu học nên dạy cho HS các hành vi bộc lộ (expressif: khen ngợi, chúc mừng, xin lỗi, cảm ơn, chào, phàn nàn…), cam kết (commissif: hứa hẹn, cho, tặng…), chỉ đạo (directif: hỏi, ra lệnh, yêu cầu, cho phép…), tuyên bố (dédaratif: tuyên bố, buộc tội…), thể hiện (représentaif: thông tin, xác tín)… Qua đó chỉ rõ các giá trị văn hoá của sự ứng xử của người Việt để các em học hỏi và luyện tập theo” [38, trg 45].
Ngoài ra, trong các bài học tiếng Việt, SGK thường cung cấp các ngữ liệu được trích từ các tác phẩm văn học mà HS đã hoặc chưa học. Khai thác các ngữ liệu đó, GV cần giúp HS nhận biết các giá trị văn hoá của dân tộc cũng như sự tinh tế của tiếng Việt trong giao tiếp. Tuy nhiên, kết quả của việc tích hợp này không thể thấy rõ ngay, cũng khó có thể bắt HS thể hiện sự tiếp thu được trong một vài bài kiểm tra.