II. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠO CÔNG GIÁO TẠI TỈNH NINH BÌNH 1 Khái quát về đặc điểm, tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên
1.1. Đặc điểm tín ngưỡng của tỉnh Ninh Bình
Ở tỉnh Ninh Bình, tuyệt đại đa số nhân dân đều có truyền thống sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng lâu đời. Đó là các hình thức thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ cúng thần thánh, những người có công với đất nước, với làng xã, với cộng đồng; tôn vinh những người đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, tôn thờ những biểu tượng nhằm đề cao những giá trị văn hoá tinh thần của dân tộc như rồng, phượng, trống đồng… Đó thực sự là nhu cầu tinh thần, tình cảm không thể thiếu được của nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Do đời sống nhân dân ngày một phát triển nên các cơ sở tín ngưỡng ở tỉnh Ninh Bình tăng nhanh trong thời gian ngắn, nếu như năm 2000 ở tỉnh Ninh Bình mới có 969 cơ sở tín ngưỡng thì con số này năm 2006 là 1023 cơ sở (chưa kể nhà thờ họ, từ đường). Trong đó gồm: 242 ngôi đình, 308 đền, 209 miếu, 148 phủ, 20 am và 24 điện thờ. Sự khôi phục và phát triển của các cơ sở tín ngưỡng trong thời gian hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của nhân dân và tình hình an ninh - chính trị của địa phương. Các hoạt động tế lễ nhiều hơn, các hội tế được lập lại, trong đó đáng quan tâm là hoạt động đồng bóng tại các phủ hoạt động mạnh hơn, các hình thức lên đồng, sóc thẻ, bói toán cũng gia tăng. Vì vậy đòi hỏi chính quyền địa phương phải tăng cường quản lý đối với các cơ sở tín ngưỡng.
Thực hiện chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước, nhìn chung ở tỉnh Ninh Bình các hoạt động tín ngưỡng đã và đang diễn ra bình thường, tuân thủ quy định của pháp luật; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy truyền thống yêu nước, đóng góp công sức trong công cuộc xây dựng xã hội mới.