Những yêu cầu của cải cách tư pháp đối với công tác đào tạo thẩm phán

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đào tạo thẩm phán của Học viên Tư pháp theo yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 25 - 29)

Về số lượng: Theo quy chế của ngành tòa án:

Với số lượng án phải giải quyết như hiện nay một thẩm phán phải xét xử theo định mức năm vụ án trong một tháng, tức sáu mươi vụ án trong một năm, thì ngành tòa án phải bổ sung thêm một nghìn người trong một năm, trong đó cần bổ sung 450 thẩm phán, và 550 thư ký, cán bộ khác [26, tr.05].

Cũng theo phương hướng của Nghị quyết 49-NQ/ TW thì hệ thống tòa án nước ta sẽ được tổ chức bốn cấp (tối cao, thượng thẩm, phúc thẩm, sơ thẩm) khác hẳn so với hệ thống tòa án ba cấp hiện hành (tối cao, tỉnh, huyện). Đây là một mô hình mới, khác hoàn toàn với tổ chức của hệ thống tòa án hiện nay. Khi thực hiện mô hình này không đơn giản là việc chuyển đổi, hay thay đổi tên gọi, mà hàng loạt vấn đề liên quan sẽ đặt ra như: về nhiệm vụ, thẩm quyền, hình thức tổ chức bộ máy, về quản lý tổ chức và hoạt động của tòa án mỗi cấp; đặc biệt là quy mô về biên chế cán bộ, cơ sở vật chất... Việc thành lập và vận hành của hệ thống tòa án theo yêu cầu cải cách tư pháp sẽ tác động đến hoạt động đào tạo thẩm phán. Trong đó nhu cầu về số lượng được đào tạo để bổ sung nguồn bổ nhiệm thẩm phán cho ngành tòa án trong thời gian tới sẽ rất lớn. Đây là nhiệm vụ quan trọng phải được các cơ quan quản lý đào tạo khảo sát và xây dựng kế hoạch cụ thể để công tác đào tạo thẩm phán đảm bảo về mặt số lượng.

Trong tiến trình cải cách tư pháp, yếu tố con người vừa là mục đích, vừa là động lực có tính chất quyết định sự thành công hay thất bại. Ngoài việc đào tạo đáp ứng nhu cầu về số lượng thì đào tạo thẩm phán trong thời gian tới cần phải đặc biệt chú trọng đáp ứng những yêu cầu về chất lượng được thể hiện ở các mặt sau:

Về phẩm chất chính trị

Phẩm chất chính trị là quan điểm, tư tưởng, nhận thức và lập trường của một người về giai cấp, về Đảng, về lý tưởng Xã hội chủ nghĩa. Đối với mỗi chế độ nhà nước muốn tồn tại và phát triển phải có đội ngũ cán bộ công chức trung thành, tận tụy với nhà nước đó. Ý thức chính trị của người thẩm phán được biểu hiện là lòng trung thành với Đảng, với nhân dân, tinh thần yêu nước sâu sắc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân vô điều kiện, kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có lập trường chính trị vững vàng. Biết biến nhận thức chính trị của mình thành nhận thức của mọi người, tạo được lòng tin và lôi cuốn mọi người nghe theo…Để có được tư tưởng, quan điểm, lập trường và bản lĩnh chính trị, đòi hỏi thẩm phán

phải có trình độ lý luận nhất định thông qua quá trình giáo dục, đào tạo và rèn luyện. Đây là nhiệm vụ luôn được gắn liền trong suốt quá trình học tập tại nhà trường cũng như quá trình công tác của người thẩm phán.

Về phẩm chất đạo đức

Đạo đức là cái “gốc” của con người, là chuẩn mực về phẩm chất của con người, được xã hội chấp nhận. Quan niệm về đạo đức là những yêu cầu của xã hội đối với những hành vi của cá nhân trong xã hội, đòi hỏi mỗi cá nhân phải ý thức được trách nhiệm bổn phận của mình đối với người khác và xã hội. Với tính chất đặc thù của nghề nghiệp liên quan trực tiếp, gián tiếp đến sinh mạng pháp lý của công dân. Vì vậy đối với thẩm phán ngoài những chuẩn mực đạo đức chung của một công chức nhà nước: cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, có ý thức kỷ luật, trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Họ cần lĩnh hội đầy đủ các chuẩn mực đạo đức khác theo yêu cầu đặc thù nghề nghiệp: tính công bằng, khách quan, vô tư trong hoạt động công vụ, chuẩn mực ứng xử trong giao tiếp, lương tâm trách nhiệm nghề nghiệp.

Các chuẩn mực đạo đức của người thẩm phán được biểu lộ qua ý thức với xã hội; qua thái độ công tác; qua hành vi đối với lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể. Hoạt động xét xử là hoạt động công khai, mọi người dân đều có quyền và có thể giám sát hoạt động của thẩm phán. Thông qua cách hành xử và tư cách của người thẩm phán mà họ đặt niềm tin vào công lý và công bằng xã hội. Hồ Chủ tịch đã dạy: “Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch... phải hiểu dân gần dân, giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng” [15, tr.175]. Người thẩm phán, trước hết là người gương mẫu trong cuộc sống, phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, sự suy thoái về tư tưởng thực dụng, tham vọng cá nhân, lối sống vị kỉ, sa đọa. Mỗi thẩm phán không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, dân tộc ta đã lựa chọn, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, quán triệt sâu sắc và đấu tranh bảo vệ đường lối quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trong

lĩnh vực tư pháp. Vì vậy tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp không thể tách rời với quá trình đào tạo thẩm phán.

Về năng lực chuyên môn nghiệp vụ

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ là một trong những tiêu chí quan trọng nhất, là căn cứ hàng đầu để tuyển dụng, sắp xếp, bố trí vị trí công tác của công chức trong hệ thống cơ quan nhà nước. Thẩm phán là một chức danh tư pháp, gắn liền với các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Hoạt động xét xử của thẩm phán là hoạt động áp dụng pháp luật, có tính đa dạng phức tạp liên quan đến quyền con người, quyền công dân, bất kỳ một sơ suất nào cũng có thể gây thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Vì vậy thẩm phán không chỉ tinh thông về pháp luật mà còn phải nắm vững quan điểm đường lối của Đảng trong từng giai đoạn công tác, tích lũy kinh nghiệm thực tế. Từ các yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ phân tích trên đặt ra, trong quá trình đào tạo thẩm phán, ngoài những tri thức cơ bản, tri thức pháp luật chuyên ngành được đào tạo ở bậc đại học đã được tiêu chuẩn hóa, về tri thức và phương pháp cần phải được hệ thống lại. Đồng thời phải cập nhật, bổ sung tri thức mới về pháp luật nội dung chuyên sâu như: sỡ hữu trí tuệ, kiến thức cơ bản về thương mại và tranh chấp thương mại quốc tế, xung đột pháp luật. Chuyên đề liên quan đạo đức nghề nghiệp, tin học, ngoại ngữ. Đặc biệt chú trọng rèn luyện các kỹ năng nghiệp vụ xét xử như: kỹ năng áp dụng pháp luật, phát hiện vấn đề, đánh giá chứng cứ, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, kỹ năng điều khiển thẩm vấn phiên tòa, kỹ năng soạn thảo các quyết định tố tụng. Tăng cường hoạt động thực tập và ngoại khóa tại các cơ quan tòa án để bám sát các vấn đề đặt ra từ thực tiễn

Tóm lại: Chất lượng nguồn nhân lực là năng lực, trình độ chuyên môn, là phẩm chất

đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp..hợp thành nguồn nhân lực. Trong ba yếu tố phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực nghiệp vụ thì yếu tố năng lực nghiệp vụ chuyên môn là yếu tố động có sự vận động biến đổi theo yêu cầu khách quan. Xuất phát từ cơ sở đó và phương hướng thay đổi về hệ thống tổ chức tòa án, tiêu chuẩn hóa cụ thể đối với từng chức danh, từng loại cán bộ, Quan điểm của Đảng và nhà nước ta đòi hỏi công tác đào tạo thẩm phán trong thời gian tới phải có những thay đổi cho phù hợp. Cụ thể cần phải nghiên cứu đề ra định hướng, thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới cơ bản về nội dung chương trình,

hình thức và phương pháp đào tạo, bảo đảm đào tạo cung cấp cho ngành tòa án đội ngũ cán bộ đủ về số lượng đáp ứng yêu cầu về chất lượng phục vụ công cuộc cải cách tư pháp.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đào tạo thẩm phán của Học viên Tư pháp theo yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 25 - 29)