Hoàn thiện tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư, tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận đổi mới quản lý luật sư ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 87 - 89)

động của các cơ quan tư pháp

Thứ nhất,hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư.

- Cần thiết phải thành lập sớm Tổ chức luật sư toàn quốc trên cơ sở quy định rõ cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Hiện nay, đội ngũ luật sư ngày càng phát triển, hoạt động luật sư cũng ngày càng mở rộng làm tăng thêm tính phức tạp của công tác quản lý luật sư. Do đó, yêu cầu về quản lý toàn diện đối với tổ chức, hoạt động luật sư được đặt ra trong điều kiện hiện nay, nhằm đảm bảo vai trò quản lý, hỗ trợ của

nhà nước, vừa phát huy hơn nữa vai trò quản lý của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Cùng với hệ thống các Đoàn luật sư ở địa phương, việc thành lập Tổ chức luật sư toàn quốc sẽ góp phần nâng cao vị thế của nghề luật sư và tạo điều kiện phát triển hơn nữa hoạt động hành nghề của luật sư ở nước ta. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế về luật sư và hành nghề luật sư.

Nội dung quản lý luật sư của tổ chức - xã hội nghề nghiệp của luật sư cần thực hiện trong giai đoạn hiện nay là xây dựng quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư để áp dụng thống nhất cho hành nghề luật sư, đồng thời giám sát việc tuân theo quy tắc đó. Như chúng ta đã biết, ngoài các điều cấm do pháp luật quy định, các luật sư còn phải tuân theo các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư của mình. Các quy tắc này vừa là các điều cụ thể hóa các điều cấm do pháp luật quy định, vừa là những điều tuy pháp luật không cấm, nhưng tự các luật sư thỏa thuận quy định để tuân theo và trong trường hợp vi phạm, có thể bị xử lý kỷ luật của Đoàn hoặc Hiệp hội luật sư. Hiện nay, vấn đề đạo đức nghề nghiệp của luật sư Việt Nam đang được xã hội và các cơ quan có thẩm quyền liên quan rất quan tâm. Chúng tôi muốn nói đến các quy tắc ứng xử trong quan hệ với khách hàng, với cơ quan tiến hành tố tụng, với đồng nghiệp v.v... Do đó, bên cạnh các quy định cấm của pháp luật, tổ chức luật sư toàn quốc cần sớm ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư của luật sư áp dụng chung cho tất cả luật sư trong cả nước để thay thế các quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư của các Đoàn luật sư theo hướng cụ thể hóa những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và các hình thức xử lý kỷ luật tương ứng.

- Củng cố các Đoàn luật sư ở địa phương và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức, hoạt động luật sư ở một số địa phương. Chính phủ cần hỗ trợ thường xuyên về kinh phí đào tạo nghề luật sư, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các luật sư ở những vùng, miền khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội; chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp tỉnh tạo điều kiện về trụ sở, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho Đoàn luật sư để Đoàn luật sư phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Đối với các địa phương đặc biệt khó khăn trong việc phát triển đội ngũ luật sư, nhà nước cần phải có những chính sách hỗ trợ hợp lý để duy trì và phát triển đội ngũ

luật sư của Đoàn luật sư các địa phương này nhằm đảm bảo có đủ số luật sư thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư. Trước mắt, nhà nước cần phải cho phép, hỗ trợ việc thành lập tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư ở trung ương, có chính sách hỗ trợ để củng cố các Đoàn luật sư. Đối với những địa phương chưa thành lập Đoàn luật sư và những địa phương đã có Đoàn luật sư nhưng số lượng luật sư còn ít thì nhà nước cần hỗ trợ kinh phí đào tạo luật sư, hỗ trợ về cơ sở vật chất để thành lập Đoàn, duy trì hoạt động của Đoàn luật sư và phát triển đội ngũ luật sư đáp ứng nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Xây dựng chính sách phát triển và sử dụng đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Nhà nước có thể tuyển chọn và hỗ trợ kinh phí cho những luật sư có đủ điều kiện để gửi đi đào tạo ở các nước phát triển, quy định về việc sử dụng luật sư trong các dự án, chương trình, đề án dùng ngân sách nhà nước và trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế.

Thứ hai, Điều 11 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: "Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này" [35]. Như vậy, thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo gắn liền với trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua việc tham gia của luật sư trong các vụ án hình sự còn bị hạn chế, chưa bảo đảm đúng yêu cầu của pháp luật. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 luật sư được tham gia từ giai đoạn khởi tố bị can, còn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì luật sư được tham gia từ khi người bị tạm giữ, nhưng trên thực tế việc luật sư được tham gia từ giai đoạn này rất ít hoặc có thì mang tính hình thức, không hiệu quả. Một trong những những nguyên nhân của tình trạng này là do pháp luật quy định chưa thật sự rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm sự tham gia của luật sư từ giai đoạn điều tra.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận đổi mới quản lý luật sư ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 87 - 89)