Thực trạng công tác quản lý nhà nước về luật sư

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận đổi mới quản lý luật sư ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 55 - 61)

Thực hiện nguyên tắc và mục tiêu quản lý đã được các nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước đề ra, kể từ ngày Pháp lệnh luật sư năm 2001 có hiệu lực, công tác quản lý nhà nước về luật sư đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần đổi mới nghề luật sư theo chiều hướng tích cực.

Thứ nhất, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh luật sư mới thay thế Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987, tạo ra một bước phát triển đúng hướng cho nghề luật sư ở nước ta. Điều đó được thể hiện ở những điểm cơ bản sau đây:

- Pháp lệnh luật sư khẳng định luật sư là một nghề trong xã hội và mang tính chuyên nghiệp cao. Điều 7 Pháp lệnh luật sư: "Người muốn được hành nghề luật sư phải gia nhập một Đoàn luật sư và có Chứng chỉ hành nghề luật sư" [43, tr. 10]. Về tiêu chuẩn chuyên môn, Pháp lệnh luật sư đưa ra một đòi hỏi cao hơn, quy định người muốn được công nhận là luật sư thì sau khi tốt nghiệp đại học luật còn phải qua một khóa đào tạo luật sư và một thời gian tập sự là 24 tháng (khoản 1 Điều 8 của Pháp lệnh luật sư), không chấp nhận những người có trình độ tương đương đại học luật như quy định của Pháp lệnh tổ chức luật sư 1987. Để chuyên nghiệp hóa đội ngũ luật sư, Pháp lệnh luật sư năm 2001 quy định cán bộ, công chức không được hành nghề luật sư. Quy định như vậy là phù hợp với tính chất của nghề luật sư, thông lệ quốc tế, đồng thời cũng phù hợp với Pháp lệnh về cán bộ, công chức.

- Pháp lệnh luật sư đã phân định rõ tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư và tổ chức hành nghề của luật sư. Việc phân định rõ tổ chức xã hội - nghề nghiệp với tổ chức hành nghề của luật sư là tạo điều kiện cho các luật sư thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hành nghề; tạo cơ sở pháp lý mở rộng mạng lưới dịch vụ của luật sư theo nhu cầu của xã hội; đồng thời đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý của Đoàn luật sư.

- Pháp lệnh luật sư quy định rõ các luật sư được tự do thành lập Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật hợp danh theo quy định của pháp luật, tự tổ chức và tự chịu trách nhiệm về việc hành nghề của mình trong Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật hợp danh do mình thành lập [43, tr. 18-19].

- Pháp lệnh luật sư đã mở rộng đáng kể quyền của luật sư. Luật sư được quyền đứng ra thành lập Văn phòng luật sư cá nhân của mình hoặc cùng với các luật sư khác thành lập Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật hợp danh; được hợp tác với tổ chức luật sư nước ngoài theo các hình thức do pháp luật quy định; được đặt cơ sở hành nghề ở nước ngoài. Pháp lệnh cũng quy định rộng và cụ thể hơn phạm vi và các lĩnh vực hành nghề của luật sư, trong đó, ngoài lĩnh vực tham gia tố tụng, đã chú trọng hơn đến lĩnh vực tư vấn pháp luật của luật sư, đặc biệt là tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh.

- Pháp lệnh luật sư đã thể chế hóa chủ trương của Đảng "kết hợp quản lý nhà nước với vai trò tự quản của các tổ chức nghề nghiệp". Việc kết hợp quản lý nhà nước với vai trò tự quản của tổ chức luật sư đã được thể hiện ngay từ quy định về điều kiện hành nghề luật sư; theo đó, một người muốn hành nghề luật sư thì phải gia nhập Đoàn luật sư và phải có chứng chỉ hành nghề do cơ quan nhà nước cấp. Người muốn được hành nghề luật sư trước hết phải gia nhập một Đoàn luật sư để tập sự hành nghề và sau khi đã đạt yêu cầu kỳ kiểm tra hết tập sự sẽ được Đoàn luật sư đề nghị Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư [43, tr. 9-13].

Thứ hai, theo quy định của Pháp lệnh luật sư 2001, thì quản lý nhà nước về luật sư có thể tóm tắt trong 4 nội dung, đó là: ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về hành nghề luật sư; đào tạo, bồi dưỡng luật sư; thực hiện các biện pháp hỗ trợ luật sư, tổ chức luật sư hoàn thành chức năng của họ và kiểm tra việc tuân theo pháp luật của các luật sư và tổ chức luật sư.

Căn cứ Điều 37 Pháp lệnh luật sư quy định về nội dung quản lý nhà nước về luật sư, trong gần 5 năm thi hành Pháp lệnh luật sư các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhìn chung đã thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về luật sư. Để triển khai thi hành Pháp lệnh luật sư ngày 12/12/2001 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh luật sư và ngày 22/01/2002, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2002/TT-BTP hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh luật sư. Ngày 05 tháng

08 năm 2002 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 356b/2002/QĐ-BTP ban hành Quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư. Ngày 6/12/2001, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch "Hướng dẫn về thù lao và chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng". Về chế độ thuế đối với hoạt động của Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh, Bộ Tư pháp đã có ý kiến đề xuất bằng văn bản cho các đơn vị hữu quan của Bộ Tài chính để sớm có thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Ngoài những văn bản kể trên, Bộ Tư pháp đã có nhiều công văn hướng dẫn Sở Tư pháp, Đoàn luật sư kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh luật sư năm 2001.

Các cơ quan nhà nước đã chủ động phối hợp trong việc hướng dẫn những vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động luật sư như về việc chuyển đổi tổ chức, hoạt động của các Đoàn luật sư theo Pháp lệnh mới, việc khắc con dấu, chế độ thuế, thù lao và chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, về thủ tục tham gia tố tụng của luật sư v.v...

Công tác đào tạo nghề luật sư, bồi dưỡng nghiệp vụ cho luật sư đã được quan tâm và thực hiện có hiệu quả bước đầu nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng bậc nhất của Pháp lệnh luật sư năm 2001 là xây dựng một đội ngũ luật sư chuyên nghiệp có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn cao. Học viện Tư pháp đã được thành lập và được giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo nghề luật sư. Từ tháng 6/2002 đến nay, Học viện đã tổ chức được 5 khóa đào tạo nghề luật sư với gần 6000 học viên, trong đó đã có hơn 5000 học viên tốt nghiệp [9]. Bộ Tư pháp đã có chính sách ưu tiên đào tạo nghề luật sư miễn phí cho các tỉnh khó khăn như tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Bình, Quảng Trị, Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Bạc Liêu... Tính đến nay, Bộ Tư pháp đã đào tạo miễn phí cho gần 100 người ở các tỉnh này [9]. Từ cuối năm 2001 đến nay Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều khóa, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng trăm luật sư về kỹ năng hành nghề, về Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, về kỹ năng tranh tụng để thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự v.v...

Thực hiện quy định của Pháp lệnh luật sư, trong 5 năm qua Bộ Tư pháp đã cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho hơn 2400 luật sư theo đề nghị của các Đoàn luật sư [9]. Việc cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư đã được thực hiện nghiêm túc theo đúng điều kiện, thủ tục do pháp luật quy định.

Đăng ký hoạt động cho các tổ chức hành nghề luật sư là công tác mới mẻ, có những khó khăn, tuy vậy đã được các Sở Tư pháp thực hiện tốt. Việc đăng ký hoạt động cho các tổ chức hành nghề luật sư bảo đảm chặt chẽ nhưng thuận lợi cho các luật sư theo tinh thần đổi mới, đơn giản các thủ tục hành chính.

Công tác kiểm tra, thanh tra đối với tổ chức và hoạt động luật sư của cơ quan quản lý nhà nước cũng đã được quan tâm, do đó một số hiện tượng vi phạm pháp luật của tổ chức hành nghề luật sư, của Đoàn luật sư hoặc các luật sư đã được phát hiện và xử lý kịp thời.

Nghề luật sư ở nước ta đang trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng và phát triển, còn gặp rất nhiều khó khăn. Để tổ chức và hoạt động luật sư có thể được củng cố và tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới kinh tế, xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì ngoài việc phát huy khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của luật sư và tổ chức luật sư, nhà nước cần có chính sách và những biện pháp hỗ trợ thiết thực. Trong các nội dung quản lý nhà nước được quy định tại Điều 37 của Pháp lệnh luật sư có nội dung "thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư". Thực hiện quy định này, trong gần 5 năm, các cơ quan quản lý nhà nước về hành nghề luật sư đã tiến hành một số biện pháp hỗ trợ có hiệu quả cho việc củng cố, phát triển Đoàn luật sư, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các luật sư. Ngoài việc xây dựng và từng bước hoàn thiện khung pháp luật thông thoáng cho hoạt động của luật sư và tổ chức luật sư, đã thực hiện những hoạt động quảng bá vị trí, vai trò quan trọng của luật sư trong xã hội, như tổ chức hội nghị, hội thảo, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng giới thiệu về nghề luật sư, về tổ chức luật sư và luật sư v.v... Nhà nước tổ chức đào tạo nghề luật sư, có chính sách ưu đãi về vật chất để đào tạo luật sư cho những địa phương có khó khăn, tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho luật sư, có chính sách

ưu đãi về thuế đối với luật sư v.v... Chính quyền nhiều địa phương đã thực hiện việc hỗ trợ cho Đoàn luật sư về trụ sở, một phần kinh phí hoạt động.

Có thể nói, trong gần 5 năm thi hành Pháp lệnh luật sư, các cơ quan quản lý nhà nước đã quan tâm và có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực quản lý luật sư theo quy định của pháp luật.

Công tác quản lý nhà nước về luật sư trong giai đoạn này vẫn tiếp tục bộc lộ một số nhược điểm sau đây:

Thứ nhất, cũng như giai đoạn từ 1987 đến Pháp lệnh luật sư năm 2001, giai đoạn này nhà nước cũng chưa hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất về luật sư và hành nghề luật sư. Tổ chức và hoạt động luật sư vẫn chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Tổ chức và hoạt động luật sư Việt Nam điều chỉnh bởi Pháp lệnh luật sư trong khi hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam thì được điều chỉnh bởi văn bản pháp luật của Chính phủ. Đồng thời, hành nghề của luật sư Việt Nam còn chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.

Thứ hai, mục tiêu của giai đoạn này mà cụ thể là mục tiêu của Pháp lệnh luật sư năm 2001 là xây dựng đội ngũ luật sư theo hướng chính quy, chuyên nghiệp nhưng thực tế cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa xây dựng được kế hoạch, quy hoạch, chiến lược tổng thể phát triển luật sư hàng năm và dài hạn.

Thứ ba, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật về hành nghề luật sư và một số lĩnh vực có liên quan đến hành nghề luật sư còn chậm, do đó một mặt chưa tháo gỡ kịp thời vướng mắc, khó khăn trong hoạt động của tổ chức luật sư, mặt khác làm giảm hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước. Đó là việc chậm hướng dẫn thống nhất một số quy định của pháp luật về tổ chức luật sư, về thủ tục tham gia tố tụng đối với luật sư có vướng mắc trong thực tế; chậm ban hành văn bản quy định chi tiết về xử lý vi phạm hành chính trong hành nghề luật sư, vấn đề chế độ thuế phù hợp áp dụng cho tổ chức hành nghề luật sư v.v...

Thứ tư, công tác kiểm tra, thanh tra đối với luật sư và hành nghề luật sư chưa được cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương quan tâm đúng mức; việc kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời và hiệu quả chưa cao. Đặc biệt

việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực luật sư và hành nghề luật sư, một trong những biện pháp hữu hiệu quản lý luật sư còn đang bỏ ngỏ.

Thứ năm, ủy ban nhân dân một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý luật sư. Nhiều Sở Tư pháp còn lúng túng, chưa chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động luật sư ở địa phương. Lãnh đạo một số Sở Tư pháp chưa có quan niệm đúng về trách nhiệm quản lý đối với luật sư và hành nghề luật sư dẫn đến hiện tượng buông lỏng quản lý hoặc can thiệp không đúng thẩm quyền vào tổ chức và hoạt động của luật sư tại địa phương.

Thứ sáu, sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý nhà nước về luật sư còn hạn chế do chưa xây dựng được một cơ chế phối hợp và phân cấp hợp lý giữa cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

Thứ bảy, Pháp lệnh luật sư năm 2001 đã có quy định tại Điều 36 về việc thành tổ chức luật sư toàn quốc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, tổ chức luật sư toàn quốc vẫn chưa được thành lập. Đây là một trong những bất cập, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý luật sư mà nhà nước cần sớm khắc phục.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận đổi mới quản lý luật sư ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 55 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)