Giai đoạn từ ngày tháng 9 năm 1945 đến Hiến pháp năm

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận đổi mới quản lý luật sư ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 32 - 34)

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, tổ chức và hoạt động luật sư ở Việt Nam hoàn toàn theo quy chế của Cộng hòa Pháp, người Pháp chiếm độc quyền về hoạt động luật sư. Ngày 25/5/1930, thực dân Pháp đã ban hành sắc lệnh về tổ chức, hoạt động luật sư, theo đó chính quyền thực dân đã tổ chức Hội đồng luật sư ở Hà Nội và Sài Gòn có người Việt Nam tham gia.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền về tay nhân dân, bộ máy tư pháp của chính quyền nhân dân được thiết lập. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo đã được ghi nhận ngay từ Sắc lệnh đầu tiên về Tòa án. Điều 5 Sắc lệnh số 33C/SL ngày 13/9/1945 thiết lập các Tòa án quân sự quy định: "Bị cáo có thể tự bào chữa hay nhờ một người khác bênh vực cho mình" [10]. Đồng thời, chỉ hơn một tháng sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 quy định về tổ chức đoàn thể luật sư. Việc ban hành Sắc lệnh số 46/SL là nhằm duy trì tổ chức luật sư trước năm 1945 với một số điểm sửa đổi cho thích hợp với chính quyền dân chủ nhân dân. Ngày 01/12/1945, Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị định số 37 về bộ máy của Bộ Tư pháp trong đó đã quy định (trực tiếp là Phòng Ba) có trách nhiệm quản lý luật sư.

Bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo là nguyên tắc dân chủ quan trọng trong tố tụng đã được thừa nhận và thể hiện trong Điều 67 Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 như sau: "Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư" [27, tr. 23]. Để thực hiện quyền bào chữa, quyền Hiến định của bị can, bị cáo, Hồ Chủ tịch tiếp tục ban hành Sắc lệnh số 217/SL ngày 22/11/1946 cho phép các thẩm phán đệ nhị cấp (tỉnh và khu) có bằng luật khoa được bổ nhiệm sau

19/8/1945, sau khi đã thực hành chức vụ tư pháp trong một thời hạn là ba năm trước các tòa án đệ nhị cấp, các tòa án quân sự, các tòa án binh hay tòa thượng thẩm có thể ra làm luật sư mà không phải tập sự tại một Văn phòng luật sư.

Do điều kiện lúc bấy giờ số lượng luật sư ở nước ta rất ít, mặt khác do hoàn cảnh kháng chiến một số luật sư đã tham gia cách mạng, còn một số luật sư thì chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực khác. Vì vậy, vào thời kỳ này hầu như các Văn phòng luật sư đều ngừng hoạt động. Để bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, trong khi số lượng luật sư còn ít, Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949 (về sau Sắc lệnh số 144/SL ngày 22/12/1949 đã sửa đổi Sắc lệnh này) đã được ban hành, cho phép nguyên cáo, bị cáo và bị can có thể nhờ một công dân không phải là luật sư bênh vực cho mình. Công dân đó phải được ông Chánh án thừa nhận. Người đứng ra bênh vực không được nhận tiền thù lao của bị can hoặc nhân thân bị can. Để cụ thể hóa Sắc lệnh 69/SL ngày 18/6/1949, Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị định số 1/NĐ-VY ngày 12/1/1950 ấn định điều kiện để làm bào chữa viên và phụ cấp của bào chữa viên.

Nhưng kể từ cuối năm 1946, đất nước ta bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Sắc lệnh số 46/SL và các quy định khác về luật sư không có điều kiện thi hành trên thực tế. Từ năm 1951, Đoàn thể luật sư tạm ngừng hoạt động. Sau 1954, ở miền Bắc, Đoàn thể luật sư mới tiếp tục hoạt động trở lại, ở Hà Nội có một Hội đồng luật sư.

Theo Hiến pháp 1959, đã thiết lập hệ thống Tòa án và Viện kiểm sát riêng. Trong Chính phủ lúc này không có Bộ Tư pháp. Một số lĩnh vực của công tác hành chính tư pháp được giao cho Tòa án tối cao đảm nhiệm, trong đó có công tác bào chữa. Để bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo đã được Hiến pháp năm 1959 quy định tại Điều 101, năm 1963 Văn phòng luật sư thí điểm được thành lập lấy tên Văn phòng luật sư Hà Nội.

Sau khi Văn phòng luật sư thí điểm được thành lập, tình hình yêu cầu bào chữa và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân trước tòa ngày càng tăng. Lúc đầu Văn phòng luật sư chỉ nhận bào chữa những vụ án do tòa án yêu cầu, về sau các bị cáo, đương sự mời luật sư thì trực tiếp đến Văn phòng luật sư.

Từ năm 1963 đến khi bản Hiến pháp năm 1980 ra đời, Nhà nước ta không ban hành một văn bản pháp luật riêng về công tác bào chữa.

Mặc dù Hiến pháp 1946, 1959 đều thể hiện nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo và Nhà nước đã ban hành một số Sắc lệnh về công tác bào chữa nhưng thực tế trong giai đoạn này ở nước ta nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo và các Sắc lệnh về công tác bào chữa ít được thực thi. Chế định bào chữa viên nhân dân lúc này cũng có áp dụng trong hoạt động xét xử nhưng tổ chức và hoạt động luật sư, một trong những cơ chế quan trọng bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo được Hiến pháp quy định chưa được hình thành. Công tác quản lý luật sư chưa được nhà nước coi trọng, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư được ban hành còn rất đơn giản, sơ sài. Nhà nước chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao tạo cơ sở cho việc hình thành lên tổ chức và hoạt động luật sư.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận đổi mới quản lý luật sư ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 32 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)