Kinh nghiệm của các nước có nghề luật sư lâu đời và phát triển cho thấy, nghề luật sư được quản lý rất chặt chẽ. Trước hết, nghề luật sư được điều chỉnh và kiểm soát bằng những quy định của pháp luật. Để công chúng, các nhà kinh doanh tuân thủ pháp luật và tin tưởng vào sự công bằng, bình đẳng của pháp luật thì những người hành nghề luật sư phải tự mình tôn trọng pháp luật. Đó là lý do vì sao nghề luật sư phải được pháp luật điều chỉnh chặt chẽ để duy trì lòng tin của xã hội và giới kinh doanh. Ngoài những quy định của pháp luật thì nghề luật sư còn có những quy tắc nghề nghiệp bổ sung cho các quy định của pháp luật. Những quy tắc nghề nghiệp này trong nhiều trường hợp đặt ra những yêu cầu còn cao hơn yêu cầu pháp luật. Những quy tắc này được đưa ra là nhằm bảo vệ công chúng, những người đặt các vụ việc của họ vào tay luật sư. Một luật sư có coi quyền lợi của khách hàng là tối cao đi chăng nữa thì anh ta cũng không được phép làm hoặc chấp nhận làm bất cứ việc gì không trung thực hoặc vô lương tâm. Những quy tắc này điều chỉnh tất cả các luật sư cả trong công việc và đời sống riêng của họ. Việc vi phạm quy tắc nghề nghiệp của luật sư có thể dẫn tới việc Hiệp hội luật sư thi hành kỷ luật và mức cao nhất là tước quyền hành nghề của luật sư. Như vậy, ở những nước này phương tiện chủ yếu để quản lý luật sư có hiệu quả là pháp luật do nhà nước ban hành và quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư do tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư ban hành.
Để phát triển nghề luật sư ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, chúng ta không thể "đứng ngoài" quy luật chung của nghề luật sư trên thế giới. Vị trí, vai trò quản lý về luật sư cần phải được tăng cường. Vấn đề này cần được thể hiện theo hướng bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, nhưng vẫn bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các luật sư trong hành nghề và khuyến khích hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Công tác quản lý về luật sư cần xuất phát từ đặc thù của nghề luật sư.
Pháp lệnh luật sư 2001 ra đời bước đầu tiếp cận thông lệ chung đối với nghề luật sư, là cơ sở pháp lý, là phương tiện để thực hiện việc quản lý luật sư, đáp ứng một phần yêu cầu khách quan trong bước đường tạo dựng nghề luật sư chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo quy định của Pháp lệnh luật sư 2001 thì nội dung quản lý nhà nước bao gồm những công việc như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hành nghề luật sư và hướng dẫn thi hành các văn bản đó, tổ chức đào tạo nghề luật sư, cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, đăng ký hoạt động của Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh; cho phép thành lập Đoàn luật sư, thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động của Văn phòng luật sư, Công ty luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về hành nghề luật sư theo thẩm quyền do pháp luật quy định, thực hiện các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển nghề luật sư.
Vai trò tự quản của các Đoàn luật sư đã được đẩy mạnh hơn nhiều so với Pháp lệnh tổ chức luật sư 1987, nhưng vẫn bảo đảm sự phù hợp với đặc thù của nghề luật sư. Các Đoàn luật sư thực hiện chức năng quản lý luật sư trong phạm vi những nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định bao gồm giám sát và đánh giá kết quả tập sự của luật sư tập sự, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư, luật sư tập sự trong hành nghề, giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư của luật sư, yêu cầu Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khi cần thiết đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý, hòa giải tranh chấp có liên quan đến hành nghề giữa luật sư, luật sư tập sự với Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh, giữa Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh với nhau, giữa khách hàng với Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh, tổng kết, trao
đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho luật sư, phản ánh ý kiến đóng góp, kiến nghị của luật sư về xây dựng chính sách, pháp luật của nhà nước, tổ chức để các luật sư tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo Bộ Tư pháp, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tổ chức, hoạt động và danh sách luật sư của Đoàn theo định kỳ hàng năm và gửi Bộ Tư pháp, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các nghị quyết, quyết định của Đoàn luật sư.
Pháp lệnh luật sư năm 2001 đã thể chế hóa chủ trương của Đảng "kết hợp quản lý nhà nước với vai trò tự quản của các tổ chức nghề nghiệp". Trong quá trình xây dựng Pháp lệnh luật sư, một vấn đề rất quan trọng được quán triệt và thể hiện đó là chủ trương của Đảng "kết hợp quản lý nhà nước với vai trò tự quản của các tổ chức nghề nghiệp". Vấn đề này đã được dư luận trao đổi rộng rãi, được cân nhắc kỹ càng, trên cơ sở nghiên cứu nghiêm túc các vấn đề lý luận và thực tiễn. Pháp lệnh đã bám sát mục tiêu một mặt khuyến khích và phát huy vai trò tự quản của tổ chức luật sư, mặt khác tăng cường và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước.
Theo Pháp lệnh, việc kết hợp quản lý nhà nước với vai trò tự quản của tổ chức luật sư đã được thể hiện ngay từ quy định về điều kiện hành nghề luật sư; theo đó, một người muốn hành nghề luật sư thì phải gia nhập Đoàn luật sư và phải có chứng chỉ hành nghề do cơ quan nhà nước cấp. Người muốn được hành nghề luật sư trước hết phải gia nhập một Đoàn luật sư để tập sự hành nghề và sau khi đã đạt yêu cầu kỳ kiểm tra hết tập sự sẽ được Đoàn luật sư đề nghị Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư [43, tr. 9- 13].
Để bảo đảm và nâng cao chất lượng công tác quản lý của Đoàn luật sư đối với các luật sư, Pháp lệnh đã tăng cường đáng kể quyền hạn và trách nhiệm của Đoàn luật sư. Ngoài việc đại diện, bảo vệ quyền lợi của các luật sư; Đoàn luật sư có vai trò rất lớn trong quản lý hoạt động nghề nghiệp của các luật sư. Theo quy định của Pháp lệnh thì Đoàn luật sư có trách nhiệm theo dõi, nắm tình hình hành nghề của các luật sư trong Đoàn. Các luật sư phải báo cáo Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư về việc thành lập Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật hợp danh của mình, báo cáo về hoạt động nghề
nghiệp và của Văn phòng luật sư hay Công ty luật hợp danh của mình. Đoàn luật sư ban hành và giám sát các luật sư trong việc tuân theo các quy tắc hành nghề, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức đối với việc luật sư vi phạm quy tắc hành nghề, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư; xem xét và xử lý kỷ luật đối với luật sư vi phạm. Đoàn luật sư còn có thẩm quyền hòa giải các tranh chấp có liên quan đến hành nghề giữa luật sư hoặc người tập sự hành nghề luật sư với Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh; giữa các Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh với nhau; giữa khách hàng với luật sư, Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh.
Một mảng công việc quan trọng nữa của Đoàn luật sư là tổ chức tổng kết, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho các luật sư; tổ chức lấy ý kiến và tập hợp ý kiến đóng góp, kiến nghị của luật sư trong việc xây dựng chính sách, pháp luật của nhà nước. Đoàn luật sư có thẩm quyền xem xét quyết định hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng đối với luật sư. Như vậy, việc trực tiếp giám sát, quản lý luật sư đã được pháp luật giao cho Đoàn luật sư.
Nhà nước đã được giao những nhiệm vụ, quyền hạn đúng với chức năng của quản lý nhà nước, không làm thay công việc của tổ chức luật sư, không can thiệp trực tiếp vào công việc hành nghề của các luật sư.
Theo như những phân tích ở trên có thể thấy rõ, Pháp lệnh đã thể hiện theo hướng bảo đảm sự quản lý có hiệu lực, hiệu quả của nhà nước, đồng thời coi trọng và phát huy tính tự quản và tự chịu trách nhiệm của các luật sư trong hành nghề. Điều 5 Pháp lệnh luật sư quy định: "Quản lý hành nghề luật sư được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước về hành nghề luật sư với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư của luật sư trong hành nghề" [43, tr. 9]. Trên nguyên tắc này, pháp luật đã quy định rõ nội dung quản lý nhà nước, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước, của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư.