Về tổ chức và hoạt động của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận đổi mới quản lý luật sư ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 65 - 69)

ngoài tại Việt Nam

Hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư nước ngoài có mối liên hệ mật thiết và hỗ trợ cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, kinh doanh thương mại. Trong những năm đầu của thập kỷ 90, hoạt động đầu tư nước ngoài, kinh doanh, thương mại tại Việt Nam diễn ra khá sôi động, đó là thời điểm thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Kể từ năm 1995, với mục đích góp phần thiết lập môi

trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện để luật sư Việt Nam hợp tác nghề nghiệp với luật sư nước ngoài, qua đó góp phần phát triển nghề luật sư ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/CP kèm theo quy chế về hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Trong vòng 10 năm qua, hoạt động hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam đã hình thành và không ngừng được củng cố, phát triển dựa trên cơ sở các quy định pháp luật ngày càng thuận lợi và thông thoáng của Nghị định số 92/1998/NĐ- CP ngày 10/11/1998 của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam và hiện nay là Nghị định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22/7/2003 của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Tháng 2/1996, 14 Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài đầu tiên đã được Bộ Tư pháp cấp Giấy phép. Từ năm 1996 đến nay, Bộ Tư pháp đã xem xét và cấp Giấy phép thành lập 56 Chi nhánh và công ty luật nước ngoài, cho phép trên 120 luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện nay, trong cả nước có 27 Chi nhánh và 7 công ty luật nước ngoài với 90 luật sư nước ngoài đăng ký hành nghề [9].

Hoạt động của các tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian đã có những đóng góp tích cực trong việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư, thương mại.

Trong hoạt động hành nghề, các Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài hợp tác chặt chẽ với Đoàn luật sư, Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh của Việt Nam, qua đó, giúp các luật sư Việt Nam có thêm cơ hội tiếp nhận, nâng cao trình độ tổ chức, kiến thức và kỹ năng hành nghề tư vấn pháp luật mang tính chất quốc tế.

Các Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài đã tiếp nhận và đào tạo một số cử nhân luật Việt Nam tập sự hành nghề luật sư trong Chi nhánh, công ty. Các cử nhân luật này sẽ là một nguồn quý giá để phát triển đội ngũ luật

sư Việt Nam thông thạo ngoại ngữ, nắm vững kiến thức và kỹ năng hành nghề luật quốc tế.

Về công tác quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài. Nhìn chung, trong thời gian qua, hoạt động quản lý nhà nước đối với các Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó có vai trò của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội và Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, đó là:

Thứ nhất, hướng dẫn và nhắc nhở nhằm bảo đảm việc các tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật; góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các Chi nhánh, công ty luật nước ngoài trong hoạt động. Việc sửa đổi, bổ sung và xây dựng để ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh về hoạt động hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam đã góp phần tạo thêm cơ hội, mở rộng khả năng hoạt động và nâng cao hiệu quả hành nghề của các Chi nhánh, công ty luật nước ngoài và luật sư nước ngoài.

Thứ hai, chủ động phối hợp, trao đổi với các cơ quan hữu quan để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách cho phù hợp với thực tế, qua đó, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam: giảm mức lệ phí, chế độ thuế, tài chính, lao động áp dụng cho Chi nhánh, công ty, một số thủ tục hành chính liên quan, cơ chế hợp tác hành nghề với tổ chức hành nghề tư vấn pháp luật của Việt Nam v.v...

Thứ ba, tạo điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các luật sư trong nước với luật sư nước ngoài để nâng cao hiệu quả hành nghề: thông qua các hội thảo, hội nghị tổng kết, tọa đàm, các buổi gặp mặt v.v.

Thứ tư, khen thưởng và biểu dương đóng góp trong hoạt động hợp tác với ngành Tư pháp đối với 04 luật sư nước ngoài hành nghề tại 4 chi nhánh (năm 2003) với hình thức Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; khuyến khích các luật sư nước ngoài làm cộng tác viên hoặc viết tin, bài cho các tạp chí khoa học pháp lý, tạp chí về luật sư; đưa thông tin về các tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam vào Niên giám luật sư Việt Nam.

Bên cạnh một số kết quả đã đạt được, hoạt động quản lý vẫn còn có một số hạn chế ở một số mặt. Công tác ban hành văn bản pháp luật tuy được quan tâm, thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhưng hình thức văn bản mới chỉ dừng lại ở nghị định của Chính phủ. Cùng trong lĩnh vực hành nghề luật sư nhưng hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam được điều chỉnh bởi văn bản của Chính phủ, trong khi luật sư Việt Nam chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh luật sư đã tạo sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ trong công tác quản lý luật sư nói chung và luật sư nước ngoài nói riêng. Pháp luật hiện hành ảnh hưởng đến hoạt động hành nghề của tổ chức chức luật sư nước ngoài còn có một số quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp và chưa theo kịp với sự phát triển của tình hình và nhu cầu thực tiễn. Công tác kiểm tra, thanh tra tổ chức và hoạt động, xử lý vi phạm hành chính đối với các Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, luật sư nước ngoài còn chưa thực hiện thường xuyên; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, giữa cấp trung ương và địa phương chưa được chặt chẽ và thường xuyên trong công tác quản lý về tổ chức, hoạt động của các Chi nhánh, công ty. Mặt khác, các tổ chức luật sư nước ngoài chưa phát huy tính chủ động trong việc hợp tác với các cơ quan của Chính phủ, hoặc một số Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài chưa thực sự đề cao ý thức tôn trọng các quy định về quản lý của Chính phủ Việt Nam.

Trước yêu cầu về cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, và đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế, quản lý luật sư ở nước ta từ ngày 02/9/1945 đến nay vẫn còn bất cập và hạn chế như đã phân tích ở trên, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý luật sư chưa cao. Qua thực trạng công tác quản lý luật sư trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay có thể khẳng định rằng, pháp luật luôn là phương tiện chủ yếu để quản lý luật sư. Ngoài ra, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư do tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư cũng có vai trò to lớn để phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Vì vậy, nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho công tác quản lý luật sư trong suốt giai đoạn dài ở nước ta còn nhiều hạn chế và vướng mắc một mặt là ở khâu ban hành văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, những quy định của pháp luật về quản lý luật sư và quy tắc

đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư. Mặt khác, khâu tổ chức và thực hiện những nội dung quản lý luật sư được pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Đoàn luật sư chưa được kiểm tra, tổng kết và đánh giá một cách khách quan. Hiện nay, thời cơ và vận hội đang mở rộng cho sự phát triển nghề luật sư ở nước ta nhưng đồng thời thách thức mới cũng không nhỏ cản trở sự tồn tại và phát triển nghề luật sư đặt ra yêu cầu chúng ta cần phải tiếp tục đổi mới sâu sắc, toàn diện hơn nữa công tác quản lý luật sư.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận đổi mới quản lý luật sư ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 65 - 69)