Thực trạng quản lý luật sư của Đoàn luật sư

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận đổi mới quản lý luật sư ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 61 - 65)

Các Đoàn luật sư có vai trò quan trọng trong cơ chế kết hợp quản lý nhà nước về hành nghề luật sư với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Căn cứ Điều 33 Pháp lệnh luật sư thì nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư được tập trung và ba nhóm việc cơ bản, đó là: đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư; giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư của luật sư, giám sát hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các luật sư. Trong 5 năm chuyển sang hoạt động theo cơ chế mới, hoạt động quản lý của các Đoàn luật sư đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Đa số các Đoàn luật sư đã bước đầu thực hiện có kết quả vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư. Nhiều Đoàn luật sư đã quan tâm

đến việc nắm bắt và phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của các luật sư, đã mạnh dạn đề xuất, kiến nghị với cơ quan Đảng và Nhà nước về những vấn đề thuộc cơ chế, chính sách phát triển nghề luật sư, những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến tổ chức, hoạt động luật sư.

Đa số các Đoàn luật sư thực hiện tốt công tác giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư luật sư và Điều lệ Đoàn luật sư, kịp thời nhắc nhở, uốn nắn và có biện pháp xử lý nghiêm minh các trường hợp luật sư vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư luật sư và Điều lệ Đoàn luật sư. Một số Đoàn luật sư đã phân công một thành viên trong Ban chủ nhiệm phụ trách công tác giám sát này. Trong gần 5 năm, các Đoàn luật sư đã phát hiện và xử lý kỷ luật 43 trường hợp luật sư vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư hoặc Điều lệ Đoàn luật sư (trong đó có 26 luật sư và luật sư tập sự bị xử lý bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư, 08 luật sư bằng hình thức tạm chỉ đình hành nghề có thời hạn, 05 luật sư bằng hình thức cảnh cáo và 04 luật sư bằng hình thức khiển trách) [9]. Việc phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với luật sư vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư và Điều lệ Đoàn luật sư đã có tác dụng răn đe, giáo dục tốt đối với các luật sư, góp phần nâng cao vị trí và uy tín của tổ chức luật sư.

Nhiều Đoàn luật sư đã quan tâm tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về nghiệp vụ, tổ chức rút kinh nghiệm bào chữa trong các vụ án, nhất là những vụ án lớn, điển hình được dư luận đặc biệt quan tâm. Thông qua việc rút kinh nghiệm này luật sư đã thấy rõ những mặt được và chưa được, tích cực và hạn chế về quan điểm bào chữa, kiến thức pháp luật, kỹ năng tham gia tranh tụng, phong cách, văn hóa ứng xử của luật sư v.v... Nhiều Đoàn luật sư đã tổ chức cho các luật sư của Đoàn mình nghiên cứu, quán triệt, bàn biện pháp thực hiện nghị quyết 08 /NQ-TƯ ngày 02/ 01/ 2002 của Bộ Chính trị (khóa IX), tổ chức bồi dưỡng, hội thảo về Bộ luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và một số văn bản pháp luật quan trọng mới ban hành.

Các Đoàn luật sư tích cực tổ chức cho các luật sư tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Công

tác hợp tác quốc tế về tổ chức và hoạt động luật sư cũng được một số Đoàn luật sư quan tâm triển khai và đạt được những kết quả bước đầu như Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế v.v...

Trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ban chủ nhiệm nhiều Đoàn luật sư đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan quản lý nhà nước khác ở địa phương, đặc biệt trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hành nghề theo quy định của pháp luật và việc giám sát, kiểm tra hoạt động hành nghề của các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, kịp thời phát hiện và xử lý các biểu hiện vi phạm pháp luật và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư luật sư.

Những kết quả bước đầu nêu trên trong công tác quản lý luật sư của các Đoàn luật sư là đáng trân trọng, tạo tiền đề cho việc phát huy hơn nữa vai trò tự quản của tổ chức luật sư trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, trong việc thực hiện vai trò tự quản của mình, các Đoàn luật sư còn bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục.

Thứ nhất, các Đoàn luật sư chưa thể hiện thật rõ nét vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư. Việc nắm bắt, tập hợp và phản ánh những bức xúc, khó khăn, vướng mắc của luật sư đã được nhiều Đoàn luật sư thực hiện, tuy nhiên nhìn chung vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa được Ban chủ nhiệm của nhiều Đoàn luật sư xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mình. Hoạt động quản lý, điều hành của Ban Chủ nhiệm còn kém hiệu quả. Những quy chế quản lý nội bộ cần thiết cho việc quản lý, điều hành Đoàn luật sư như Quy chế làm việc của Ban Chủ nhiệm, Quy chế tập sự, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư v.v... chưa được quan tâm xây dựng hoặc đã được ban hành nhưng nội dung còn sơ sài, kém phát huy tác dụng trong thực tế. Một số Đoàn luật sư trong công tác giám sát, quản lý luật sư tập sự còn mang tính hình thức. Việc quản lý hành nghề của luật sư có lúc, có nơi còn biểu hiện sự buông lỏng hoặc vượt quá tầm kiểm soát của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.

Thứ hai, công tác giáo dục, bồi dưỡng về chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho luật sư chưa được các Đoàn luật sư quan tâm. Nhiều Đoàn luật sư chậm ban hành bản Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư luật sư của Đoàn mình. Nội dung bản Quy

tắc nhìn chung còn chưa chi tiết, cụ thể; chưa xây dựng được cơ chế giám sát có hiệu quả việc tuân theo pháp luật và quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư của các luật sư. Việc phát hiện xử lý vi phạm có những trường hợp còn chưa kịp thời, chưa nghiêm minh, vẫn còn hiện tượng nể nang, e dè hoặc bao che làm cho dư luận xã hội không đồng tình.

Thứ ba, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các luật sư chưa được các Đoàn luật sư thực hiện thường xuyên, hình thức bồi dưỡng chưa phong phú tùy theo điều kiện của từng Đoàn luật sư.

Thứ tư, Ban chủ nhiệm một số Đoàn luật sư chưa quan niệm đúng đắn về vai trò tự quản của tổ chức hành nghề luật sư và về quản lý nhà nước đối với hành nghề luật sư, dẫn đến việc thiếu sự phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình. Nguyên nhân cơ bản là do họ có nhận thức không đúng về vai trò quản lý nhà nước, đề cao vai trò tự quản của Đoàn luật sư hoặc muốn thoát ly khỏi sự quản lý của nhà nước. Vì vậy, việc quản lý luật sư ở những địa phương này kém hiệu quả ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức và hoạt động luật sư ở địa phương.

Thứ năm, việc giám sát hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư chưa được Ban chủ nhiệm các Đoàn luật sư quan tâm đúng mức hoặc chưa quan tâm và nhìn chung chưa được thực hiện tốt. Sở dĩ có tình trạng này một phần do pháp luật quy định chưa rõ về mối quan hệ giữa Đoàn luật sư và tổ chức hành nghề luật sư; mặt khác Ban chủ nhiệm một số Đoàn luật sư chưa có quan niệm đúng về trách nhiệm của Đoàn luật sư trong việc quản lý các tổ chức hành nghề luật sư, chưa chủ động sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

Sở dĩ có những hạn chế trên đây là do năng lực quản lý, điều hành của một số thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư còn yếu, vượt quá khả năng của họ. Hơn nữa, chức năng tự quản với những nhiệm vụ, quyền hạn được nhà nước giao cho Đoàn luật sư đối với tổ chức luật sư và hành nghề luật sư là quá mới mẻ, trong khi chưa có cơ chế rõ ràng cũng như việc hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan nhà nước.

Việc quản lý luật sư của Đoàn luật sư theo quy định hiện hành còn có những bất cập. Một mặt, nhà nước giao cho Đoàn luật sư nhiều quyền hạn để phát huy vai trò tự

quản nhưng trong thực tế các Đoàn luật sư không thực hiện được hoặc thực hiện chưa tốt vai trò của mình. Mặt khác, với quy định hiện hành cơ quan quản lý nhà nước không thể làm thay hoặc can thiệp sâu vào công việc tự quản của Đoàn luật sư.

Trong gần 5 năm thi hành Pháp lệnh luật sư năm 2001, công tác quản lý luật sư đã có sự đổi mới, bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ. Một mặt, đã thực hiện tương đối tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước trong việc tăng cường quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, nhiều nội dung quản lý nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền lưu tâm và thực hiện trong thực tế. Mặt khác, đã bước đầu phát huy được vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư. Mặc dù những nội dung tự quản và việc thực hiện chức năng tự quản của Đoàn luật sư còn mới mẻ nhưng các Đoàn luật sư đã có nhiều cố gắng thực hiện tương đối tốt. Nếu so sánh với thực trạng quản lý luật sư trong giai đoạn từ Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987 đến Pháp lệnh luật sư năm 2001 thì quản lý luật sư hiện nay đã có sự tiến bộ vượt bậc. Từ chỗ "nhà nước nắm những cái không cần nắm, cái cần nắm thì không nắm được" thì đến nay nhà nước đã "nắm những cái cần nắm", đồng thời tạo ra cơ chế phát huy vai trò tự quản của Đoàn luật sư. Nghề luật sư với tư cách là nghề tự do có tính chuyên nghiệp đã được nhà nước và xã hội thừa nhận, vai trò, địa vị của luật sư ngày càng được khẳng định trong nhận thức của công dân, tổ chức.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, công tác quản lý luật sư ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế cần tiếp tục được khắc phục mới có thể đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận đổi mới quản lý luật sư ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 61 - 65)