Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987 và sự hình thành các Đoàn luật sư và phát triển đội ngũ luật sư

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận đổi mới quản lý luật sư ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 36 - 39)

sư và phát triển đội ngũ luật sư

Thi hành Điều 133 của Hiến pháp năm 1980, đồng thời cũng góp phần thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) khởi xướng, sau gần 7 năm thực hiện Thông tư 691/QLTPK ngày 30/10/1983 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về công tác bào chữa và trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của công tác luật sư, bào chữa viên, ngày 18/12/1987 Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nay là ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã ban hành Pháp lệnh tổ chức luật sư. Ngày 21/02/1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 15/HĐBT kèm theo Quy chế Đoàn luật sư. Ngày 15/4/1989, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 313/TT-LS hướng dẫn thực hiện Quy chế Đoàn luật sư. Cũng trong giai đoạn này, ngày 24/12/1987, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 1119/ QLTPK quy định về hoạt động dịch vụ pháp lý.

Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987 có vai trò rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành và phát triển tổ chức luật sư, luật sư ở nước ta.

Pháp lệnh tổ chức luật sư được ban hành, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn điều kiện và giới thiệu người có đủ tiêu chuẩn gia nhập Đoàn luật sư, giúp ủy ban nhân dân cấp tỉnh chuẩn bị hồ sơ thành lập Đoàn luật sư.

Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh tổ chức luật sư, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ra quyết định cho phép thành lập Đoàn luật sư. Tính đến hết năm 1999, đã có 61/61 Đoàn luật sư được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các Đoàn luật sư được thành lập đã từng bước kiện toàn, ổn định và phát triển về tổ chức. Hoạt động của các Đoàn luật sư đã đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu giúp đỡ pháp lý của công dân và tổ chức, đóng góp đáng kể trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Xuất phát từ tình hình thực tế của nước ta ở thời điểm ban hành Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987, Pháp lệnh quy định về trình độ pháp lý đối với người muốn gia nhập Đoàn luật sư ở mức độ thấp. Người có bằng cử nhân luật hoặc có trình độ tương đương đại học pháp lý đều có thể gia nhập Đoàn luật sư. Tính đến ngày 30/9/2001 khi Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987 không còn hiệu lực, số luật sư trong cả nước đạt được là 2.100 luật sư. Trong số đó có 1.632 luật sư chính thức và 468 luật sư tập sự, 1.877 luật sư có bằng cử nhân luật, 223 luật sư có trình độ tương đương đại học pháp lý, 1.274 luật sư chuyên trách và 826 luật sư kiêm nhiệm. Số luật sư nữ chiếm gần 30% tổng số luật sư [6].

Hơn 10 năm thi hành Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987, nhìn chung số lượng luật sư trong cả nước tăng chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội ngày càng phát triển. Sở dĩ có tình trạng này, một mặt là do đội ngũ những người có đủ điều kiện gia nhập Đoàn luật sư còn ít, các quy định của Pháp lệnh tổ chức luật sư, Quy chế Đoàn luật

sư và bản thân hoạt động của các Đoàn luật sư chưa tạo thuận lợi và chưa thực sự hấp dẫn nên chưa thu hút được đông đủ những người có đủ điều kiện gia nhập Đoàn luật sư, mặt khác một số Đoàn luật sư chưa quan tâm thích đáng đến công tác phát triển luật sư.

Ngoài hoạt động tại các Đoàn luật sư, một số luật sư đã hoạt động trong "Công ty luật trách nhiệm hữu hạn". Tính đến ngày 30/9/2001 đã có 20 công ty luật trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở vận dụng các quy định của Luật công ty năm 1990 mặc dù Luật công ty năm 1990 không quy định về loại hình "Công ty luật trách nhiệm hữu hạn". Tổng số luật sư, luật gia làm việc cho các công ty luật trách nhiệm hữu hạn là 112 người, trong đó có 27 người là luật sư thuộc các Đoàn luật sư [6]. Trên thực tế, các công ty luật trách nhiệm hữu hạn nằm ngoài sự quản lý thống nhất của nhà nước đối với hành nghề tư vấn pháp luật. Theo quy định của Luật Công ty thì công ty luật chỉ phải báo cáo về nghĩa vụ thuế, không có cơ chế buộc phải báo cáo về tổ chức và hoạt động cho bất kỳ cơ quan, tổ chức nào hoặc cũng không có chế tài về trách nhiệm nghề nghiệp của công ty trong trường hợp gây thiệt hại về lợi ích vật chất hay uy tín đối với khách hàng. Trên thực tế các công ty luật trách nhiệm hữu hạn, các luật sư, luật gia về cơ bản là thực hiện tư vấn pháp luật một cách tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ.

Đồng thời, các luật sư cũng hoạt động trong các trung tâm tư vấn pháp luật được thành lập và hoạt động theo Thông tư số 1119/QLTPK ngày 24 tháng 12 năm 1987 của Bộ Tư pháp về hoạt động tư vấn pháp luật. Hội luật gia Trung ương có 2 Văn phòng, Hội luật gia Thành phố Hồ Chí Minh có 28 Văn phòng và Hội luật gia thành phố Hà nội có 6 Văn phòng và Trung tâm tư vấn pháp luật [6]. Hoạt động tại các Văn phòng tư vấn pháp luật của Hội luật gia thực chất là hành nghề tư vấn pháp luật có thu, vì mục đích lợi nhuận chứ không phải phục vụ miễn phí như các Văn phòng tư vấn pháp luật của các tổ chức đoàn thể khác như Công đoàn hay Hội phụ nữ.

Kể từ khi được thành lập, mặc dù còn có khó khăn về nhiều mặt nhưng các Đoàn luật sư đã triển khai nhanh chóng hoạt động nghề nghiệp. Các Đoàn luật sư đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chức năng giúp đỡ pháp lý cho công dân, tổ chức, bảo đảm cử luật sư tham gia các vụ án theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Các

cơ quan tiến hành tố tụng đã tạo điều kiện để luật sư thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tuy nhiên cũng có lúc, có nơi vai trò của luật sư còn chưa được coi trọng đúng mức, cá biệt có cán bộ điều tra, kiểm sát viên, thẩm phán coi thường, phủ nhận vai trò của luật sư, gây khó khăn cho luật sư thực hiện chức năng của mình.

Sự tham gia tích cực của luật sư đã giúp đỡ cơ quan tiến hành tố tụng sửa chữa sai lầm, thiếu sót, kịp thời quyết định đình chỉ điều tra hoặc trả hồ sơ về điều tra bổ sung. Nhiều vụ án, nhờ có sự đóng góp tích cực và có chất lượng của luật sư mà sự thật khách quan đã được làm sáng tỏ, nhiều bị cáo đã được Tòa án tuyên bố vô tội hoặc giảm nhẹ tội, giảm nhẹ hình phạt. Thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ nghề nghiệp của mình, luật sư đã kiên trì đấu tranh bảo vệ công lý, tìm đầy đủ bằng chứng giúp tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm có cơ sở xem xét, đánh giá lại bản án của tòa án cấp dưới, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận đổi mới quản lý luật sư ở Việt Nam hiện nay docx (Trang 36 - 39)