NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN GIẢI QUYẾT

Một phần của tài liệu Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện khu vực phi chính thức ở Việt Nam (Trang 76 - 79)

- Sự hỗ trợ của Nhà nước:

3.4. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN GIẢI QUYẾT

Bảo hiểm xã hội tự nguyện tuy đó được thể chế hóa trong luật BHXH, nhưng việc triển khai thực hiện là một quá trình và phải đối mặt với những khó khăn thách thức rất lớn, có thể khái quát như sau:

- BHXH tự nguyện có đối tượng điều chỉnh rất lớn, bao gồm người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, trước hết là lao động tự làm trong kinh tế hộ gia đình khu vực nông nghiệp (nông dân), lao động tự do (kể cả lao động nhập cư), lao động làm việc trong kinh tế hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp ở nông thôn và thành thị (bao gồm cả lao động trong gia đình và lao động làm thuê), trong các làng nghề… Để mở rộng độ bao phủ cho đối tượng này (giả sử họ có nhu cầu và có khả năng tham gia) cũng phải có một lộ trình và thời gian rất dài. Từ nay đến năm 2015, nếu tổ chức triển khai tốt cũng chỉ có khả năng thực hiện cho từ 5%-8% đối tượng (khoảng gần 3 triệu người) và như vậy, số chưa được tham gia BHXH tự nguyện trong một thời gian dài là rất lớn (trên 90%). Vấn đề đặt ra ở đây là phải có chiến lược từng bước mở rộng độ bao phủ với lộ trình, bước đi thích hợp và các giải pháp tổ chức mạnh, hiệu quả.

- Nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện khá cao nhưng khả năng tham gia hạn chế do phần lớn lao động khu vực này có thu nhập thấp, khả năng tiết kiệm không cao là một thách thức rất lớn. Trong khi mức đóng khá cao (thấp nhất là 16% mức lương tối thiểu), lại có xu hướng tăng lên (do mức lương tối thiểu sẽ tăng theo lộ trình cải cách tiền lương và tăng tỷ lệ đóng theo luật định để đạt 22%) thì có thể số người có khả năng tham gia sẽ giảm đi.

- BHXH tự nguyện là lưới an toàn xã hội quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội theo nguyên tắc đóng hưởng. Tuy nhiên, người nghèo, nhóm xã hội yếu thế, người dân tộc miền núi khó khăn… là những đối tượng sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi này trước tiên. Muốn mở rộng độ bao phủ cho nhóm đối

tượng này phải có chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Đây là một thách thức rất lớn đối với nước ta khi mà ngân sách nhà nước còn eo hẹp, khả năng xã hội hóa còn khó khăn.

- BHXH tự nguyện cho khu vực phi chính thức có đối tượng trải rộng trên địa bàn cả nước, chủ yếu là ở nông thôn, do đó việc thuyết phục, vận động và thu tiền đóng BHXH phải tiếp cận đến tận hộ gia đình, là một khó khăn rất lớn đối với cơ quan BHXH, nhất là biên chế cán bộ, mạng lưới cộng tác viên và chi phí hành chính sẽ rất cao.

Tuy nhiên, khả năng tham gia BHXH tự nguyện đối với lao động khu vực phi chính thức cũng gặp phải những khó khăn rất lớn, cụ thể là:

- Khu vực phi chính thức là khu vực kinh tế - xã hội phát triển chậm so với khu vực chính thức, trình độ xã hội hóa của sản xuất rất thấp, lao động thủ công là chính, trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh cũn lạc hậu, năng suất lao động xã hội chưa cao và thu nhập cũng còn thấp. Bởi vậy, điều kiện để họ tham gia BHXH tự nguyện là rất hạn chế, khả năng rủi ro của chính sách BHXH sẽ cao và do đó tính hiệu quả cũng sẽ hạn chế.

- Chủ thể tham gia BHXH xét về mặt quan hệ sản xuất và quan hệ lao động là Hộ gia đình. Họ vừa là chủ tư liệu sản xuất, vừa là chủ sức lao động. Hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu là quy mô Hộ gia đình (kinh tế hộ gia đình), hoặc làm nghề tự do, hoặc làm thuê ở khu vực phi chính thức. Họ tự hạch toán kinh doanh và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời tự quyết định phân phối, quyết định đầu tư và chi tiêu trong ngân sách thu- chi gia đình hoặc nhận tiền công, tiền lương ở mức thấp. Tóm lại, họ là chủ thể của một thực thể kinh tế - "kinh tế Hộ gia đình" hoặc tự làm và làm thuê không có hợp đồng lao động. Từ đó, việc tham gia BHXH là hoàn toàn mang tính cá nhân, tự nguyện. Về cơ bản, họ chưa có dịp tiếp cận và sống quen với đời sống, môi trường BHXH. Bởi vậy, chính sách BHXH đối với họ phải gắn liền với cuộc

vận động trong nhân dân, trên cơ sở họ suy nghĩ về " tính lợi ích" của mình khi tham gia BHXH. Đây là vấn đề rất mới và phức tạp. Mọi chính sách BHXH có tính áp đặt, cưỡng chế và bất lợi (cả trước mắt và lâu dài) cho họ đều không khả thi hoặc thất bại. Điều này đòi hỏi phải kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, làm từng bước, tạo cho họ quen dần với môi trường BHXH.

- Vấn đề lớn nhất hiện nay là đối tượng cần BHXH trong khu vực phi chính thức rất đông, song khả năng mở rộng đối tượng có thể rất hạn chế. Hiện nay trong xã hội đang diễn ra quá trình phân cực giàu nghèo, phân tầng xã hội rất nhanh chóng. Xét về lý thuyết kinh tế BHXH, để tham gia BHXH theo nguyên tắc đóng BHXH tự nguyện thì chỉ có nhóm hộ khá giả trở lên mới có khả năng này. Phần lớn số còn lại sẽ khó khăn trong việc đóng BHXH. Ở đây rõ ràng, việc thực hiện chính sách BHXH trên nguyên tắc công bằng và tiến bộ xã hội, đặc biệt cho nhóm người nghèo và yếu thế là vấn đề rất nan giải, nếu không có chính sách hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng xã hội.

- Điều kiện kinh tế thường là điều kiện tiên quyết và trực tiếp để người lao động ở khu vực này tham gia BHXH. Vấn đề quan trọng nhất để người lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH là hoạt động sản xuất kinh doanh (chủ yếu là kinh tế Hộ gia đình) phải có lãi và tích lũy để tái sản xuất mở rộng; Cân đối thu - chi ngân sách gia đình phải dương. Khả năng này cũng chỉ rơi vào số hộ làm ăn giỏi và giàu có. Thực tế cho thấy, số người khá giả ở nông thôn về thực chất cũng mới chỉ cân bằng thu - chi trong ngân sách gia đình. Tỷ lệ tích lũy (tiết kiệm) không đáng kể, nếu có dư dật chút ít thì chủ yếu là dành dụm để xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng sinh hoạt đắt tiền hơn (Tivi, xe máy, bàn, tủ...) hoặc mua vàng để cất trữ làm của để dành phòng khi lúc tuổi già. Trong trường hợp bị thiên tai, mất mùa thì cân đối thu- chi ngân sách bị thâm hụt ngay. Có nghĩa là tính ổn định về kinh tế rất bấp bênh. Trong khi đó, phát sinh nhiều nhu cầu chi tiêu mới rất lớn như: ma chay, cưới xin,

thăm hỏi, giỗ tết và các khoản đóng góp xã hội khác (riêng các khoản đóng góp và chi phí xã hội lên tới 35% tổng nguồn thu chưa trừ chi phí sản xuất). Đây là vấn đề cốt lõi nhất mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời xác đáng làm cơ sở cho chính sách BHXH đối với lao động khu vực này.

- Những năm vừa qua ở một số địa phương như Hà Tây, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh... đã tiến hành việc tổ chức BHXH cho một bộ phận lao động nông thôn. Song qua nghiên cứu cho thấy các mô hình đó vẫn chưa thấy rõ tính xã hội, tính hiệu quả và bền vững, về cơ bản các thí điểm này là thất bại, trừ BHXH nông dân Nghệ An tồn tại đến ngày nay, song nguy cơ vỡ quỹ trong dài hạn rất cao và Chính phủ cũng đã có quyết định nhập vào hệ thống BHXH tự nguyện chung.

- Người hưởng BHXH với mức rất thấp, không đủ sống khi về hưu. - Doanh nghiệp, hộ gia đình, làm ăn thua lỗ nhiều, đặc biệt tỷ lệ hộ gia đình khu vực phi chính thức làm ăn khá giả, giàu có còn ít, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khả năng tham gia BHXH còn hạn chế.

- Ngân sách Nhà nước còn khó khăn trong việc hỗ trợ Quỹ BHXH tự nguyện khi cần thiết.

Một phần của tài liệu Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện khu vực phi chính thức ở Việt Nam (Trang 76 - 79)