II. Các nước XHCN Châu Á, Cuba từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến giữa thập kỉ 70 của thế kỷ
b. Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên
Theo nghị quyết của Hội nghị Ianta (2-1945), Triều Tiên tạm thời chia làm 2 miền dọc theo vĩ tuyến 38, miền Bắc thuộc quyền cai quản của Liên Xô và miền Nam do quân Mĩ chiếm đóng. Hội nghị Mátxcơva (12-1945) giữa Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp và Trung Quốc đã đề xuất các nguyên tắc giải quyết vấn đề Triều Tiên: xây dựng một Triều Tiên độc lập, thành lập một chính phủ Triều Tiên, và Uỷ ban hỗn hợp Xô- Mĩ để thúc đẩy quá trình giải quyết vấn đề Triều Tiên. Ở miền Bắc quân đội Liên Xô tôn trọng những nghị quyết của Hội nghị Mátxcơva, giúp đỡ nhân dân Triều Tiên tự do quyết định vận mệnh của mình. Trái lại, từ 8-9-1945, quân đội Mĩ kéo vào Nam Triều Tiên tìm mọi cách duy trì các thế lực phản động và ngăn cản việc thống nhất Triều Tiên.
Ngày 10 thánh 5 năm 1948, Mĩ đã tổ chức bầu cử riêng ở Nam Triều Tiên, thành lập Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) do Lý Thừa Vãn đứng đầu. Trước tình hình đó dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao Động Triều Tiên, nhân dân đã tiến hành bầu cử quốc hội vào tháng 8 năm 1948. Ngày 9-9-1948, Quốc hội họp tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, đứng đầu là Kim Nhật Thành.
Cuối năm 1948, đáp lại đề nghị của Quốc hội Triều Tiên, quân đội Liên Xô rút khỏi Bắc Triều Tiên. Năm 1949, Mĩ cũng buộc phải tuyên bố rút quân khỏi Nam Triều Tiên.
Ngày 25 tháng 6 năm 1950, chiến tranh bùng nổ giữa hai miền Nam- Bắc Triều Tiên. Quân đội Hàn Quốc được quân đội Mĩ (núp dưới lá cờ Liên Hiệp Quốc) giúp đỡ. Quân đội Cộng hòa Dân chủ Nhân Dân Triều Tiên được quân chí nguyện Trung Quốc hỗ trợ.