I. Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 1.Những tiền đề của cách mạng
b) Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười năm
Sau Cách mạng Tháng Hai, nước Nga xuất hiện tình trạng 2 chính quyền song song tồn tại: chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và xô viết đại biểu công nhân và binh lính. Sau khi nắm được chính quyền, chính phủ lâm thời đã không giải quyết những vấn đề đã hứa trước đó như vấn đề ruộng đất của nông dân, việc làm cho công nhân, tình trạng thiếu lương thực và nhất là quyết theo đuổi chiến tranh đế quốc đến cùng.
Trong hoàn cảnh đó, lãnh tụ của đảng Bolshevik Vladimir Ilyich Lênin từ Thụy Sĩ trở về
nhà ga Phần Lan ngày 3 tháng 4 năm 1917 đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân Petrograd. Ngày 4 tháng 4 năm 1917, Lênin đọc một bài phát biểu quan trọng có nhan đề "Những nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng hiện nay". Bản báo cáo này đã đi vào lịch sử với tên gọi "Luận cương Tháng Tư" chỉ ra con đường chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lênin chỉ rõ rằng cần chấm dứt tình trạng 2 chính quyền song song tồn tại bằng cách chuyển giao chính quyền về tay các xô viết: "Điều độc đáo trong thời sự nước Nga chính là bước quá độ từ giai đoạn thứ nhất của cách mạng là giai đoạn đã đem lại chính quyền cho giai cấp tư sản tiến lên giai đoạn thứ hai của cách mạng là giai đoạn phải đem lại chính quyền cho giai cấp vô sản và cho những tầng lớp nghèo trong nông dân". Về phương pháp đấu tranh, Lênin viết: "Vũ khí ở trong tay nhân dân, không có sự cưỡng bức nào từ bên ngoài đối với nhân dân, đó là thực chất của sự vật. Điều đó cho phép và bảo đảm sự phát triển và hòa bình của cách mạng". Tuy nhiên,
Lênin cũng chỉ rõ phải sẵn sàng chuyển sang khởi nghĩa vũ trang một khi hoàn cảnh thay đổi.
Để bày tỏ sự ủng hộ đảng Bolshevik, ngày Quốc tế Lao động 18 tháng 4 (1 tháng 5) năm 1917, công nhân Nga biểu tình đòi hoà bình, dân chủ. Trong khi đó bộ trưởng ngoại giao của Chính phủ lâm thời gửi công hàm cho các nước phe Hiệp ước cam kết theo đuổi chiến tranh đến cùng gây sự phẫn nộ trong dân chúng. Dưới sự lãnh đạo của đảng Bolshevick, ngày 20 và 21 tháng 4, hàng chục vạn người dân Nga xuống đường biểu tình hòa bình, giơ cao khẩu hiệu "Tất cả chính quyền về tay Xô Viết", "Hòa bình, ruộng đất, bánh mỳ". Những cuộc biểu tình này làm cho chính phủ tư sản lâm thời khủng hoảng. Ngày 2 tháng 5 (15 tháng 5) trước áp lực của quần chúng, bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng chiến tranh phải từ chức. Ngày 5 tháng 5, Chính phủ lâm thời tiến hành cải tổ và thành lập chính phủ liên hiệp tăng thêm số ghế cho các đảng thỏa thiệp.
Ngày 18 tháng 6 (1 tháng 7), đảng Menshevik và xã hội cách mạng đã âm mưu tổ chức một cuộc biểu tình quân chúng để biểu dương lực lượng nhưng đảng Bolshevik đã tham gia cuộc biểu tình này và biến nó thành cuộc biểu tình ủng hộ đường lối đảng Bolshevick với các khẩu hiệu: "Đả đảo chiến tranh", "Tất cả chính quyền về tay các xô viết". Ngoài mặt trận, cuộc tấn công của quân Nga theo lệnh của chính phủ lâm thời vào liên quân Đức, Áo- Hung thất bại nặng nề với 60.000 binh lính Nga bị bắt và giết. Tin thất bại gây sự căm phẫn và bất bình rất lớn trong nhân dân Nga.
Ngày 3 tháng 7, hơn 500.000 nhân dân Petrograd xuống đường biểu tình đòi chuyển giao chính quyền về tay xô viết nhưng Chính phủ lâm thời đã từ chối và ra lệnh cho binh lính bắn vào đoàn biểu tình. Sau đó, Chính phủ lâm thời tiến hành đàn áp và bắt các đảng viên Bolshevik. Các nhà in phá hủy và báo bị cấm xuất bản. Chính phủ ra lệnh truy nã Lênin để đưa ra tòa, các đơn vị cách mạng bị tước khí giới hoặc bị đẩy ra mặt trận. Từ đó, trong tháng 7, tình trạng hai chính quyền song song tồn tại kết thúc với thắng lợi thuộc về giai cấp tư sản.
Trước tình hình đó, từ ngày 26 tháng 7 đến 3 tháng 8, đảng Bolshevik đã họp đại hội VI để đánh giá tình hình và vạch ra sách lược đấu tranh. Đại hội chỉ rõ phải chuẩn bị chuyển sang khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền. Đại hội cũng chủ trương tạm thời rút bỏ khẩu hiệu "Tất cả chính quyền về tay xô viết" còn Lênin rút về hoạt động bí mật. Về phái chính phủ lâm thời, chính phủ liên hiệp đưa Alexander Kerensky, lãnh tụ đảng Menshevik lên làm thủ tướng mặt khác âm mưu thiết lập chế độ độc tài quân sự bằng cách đưa Kornilov Affair, một viên tướng cũ của chế độ Nga hoàng, làm bạo loạn giành lấy chính quyền. Ngày 25 tháng 8, Kornilov tuyên bố thiết quân luật ở Petrograd, giải tán chính phủ Kerensky và lập chính phủ do mình cầm đầu. Trong hoàn cảnh đó, Lênin phát động quần chúng đánh tan cuộc nổi loạn đồng thời vạch mặt chính phủ Kerensky do đó sau khi cuộc nổi loạn bị dặp tắt, uy tín của đảng Bolshevik tiếp tục dâng cao. Nhân dân dần dần thay thế các đại biểu đảng Menshevik và xã hội cách mạng bằng các đại biểu Bolshevik trong các xô viết. Ngày 31 tháng 8, xô viết Petrograd và sau đó ngày 5 tháng 9, xô viết Moskva đã thông qua các nghị quyết của đảng Bolshevik và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành lại chính quyền.
Sang tháng 10, làn sóng cách mạng lan tràn khắp nước Nga. Ngày 7 tháng 10, V. I. Lênin từ Phần Lan trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc hành động. Ngày 10 tháng 10, ban chấp hành trung ương họp quyết định khởi nghĩa vũ trang. Tại hội nghị này ban chấp hành trung ương đã bầu ra bộ chính trị do Lênin đứng đầu để lãnh đạo cuộc tạo phản. Tuy nhiên, một số ủy viên không tán thành kế hoạch khởi nghĩa nên ngày 18 tháng 10 họ đã đăng ý kiến
của mình trên tờ báo Đời sống mới do đó chính phủ lâm thời biết được kế hoạch tạo phản
nên đã chuẩn bị đề phòng. Do đó Lênin đã quyết định tạo phản sớm 1 ngày tức là ngày 24 tháng 10 làm cho đối thủ bất ngờ.
Chiều ngày 24 tháng 10, Lênin cải trang đến điện Smolny để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Tại điện Smolny trên các cửa sổ đều có đốt lửa, phía ngoài là xe thiết giáp, trạm gác bố trí tại cửa ra vào. Binh sĩ vũ trang đi lại tấp nập. Tin Lênin trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa
nhanh chóng được báo tới khắp các trung đoàn và nhà máy. Trong khi đó, Chính phủ tư sản lâm thời đưa các đội canh gác đến đóng chung quanh những cơ quan quan trọng nhất bao gồm các học sinh sĩ quan, tiểu đoàn kị binh xung kích, tiểu đoàn lính phụ nữ và các đơn vị Cozak tập trung tại Cung điện Mùa Đông. Sáng ngày 25 tháng 10, với danh nghĩa bộ chỉ huy tối cao, Kerensky đến bộ tổng tham mưu ra lệnh cho các trung đoàn Cozak sông Đông số 1, 4, 14 đến tiếp ứng nhưng các đơn vị này lấy lí do là kị binh của họ không có bộ binh mang súng máy yểm trợ nên không thi hành mệnh lệnh. Các đơn vị ở Petrograd cũng từ chối tiếp viện. Kerensky nghe tin liền báo tin cho Chính phủ lâm thời biết lực lượng còn rất ít sau đó viện lí do đến gặp các đơn vị đã lợi dụng xe của đại sứ quán Hoa Kỳ trốn khỏi thành phố. Tất cả các sĩ quan cao cấp cũng bỏ về nhà riêng chỉ còn các bộ trưởng ở lại Cung điện Mùa Đông.
Chiều 24 tháng 10, cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Theo kế hoạch, các đơn vị cận vệ đỏ tập trung lực lượng đánh chiếm các khu vực đầu mối, trụ sở các bộ, tổng đài điện thoại, nhà ga, các cầu bắc qua sông Neva. Ngay trong đêm 24 tháng 10, quân khởi nghĩa đã chiếm được toàn bộ Petrograd, bao vây Cung điện Mùa Đông mà hầu như không tổn thất. Kế hoạch tấn công Cung điện Mùa Đông được ấn định vào rạng sáng ngày 25 tháng 10. Đến 7 giờ sáng, đợt tấn công thứ nhất bắt đầu. Các vòng đai dần khép lại nhưng các cuộc tấn công quá chậm và phải dùng xe hơi chuyển mệnh lệnh. 3 giờ chiều, đại bác được chĩa thẳng vào Cung điện Mùa Đông. Các chiến sĩ Cận vệ đỏ đứng sau những chướng ngại vật hoặc làm nhiệm vụ tuần tiễu chờ lệnh phát hỏa. Các đội tuần tra quan sát theo dõi mọi hoạt động của bọn phản cách mạng. Đến 6 giờ chiều, cung điện bị vây chặt, binh sĩ và thủy thủ tiến sát đến cung điện và chiếm lấy tất cả những góc đường và các mái nhà ở bến tàu cạnh bộ Hải quân và cung điện. Các sĩ quan dựng chướng ngại vật chặn cổng ra vào Cung điện Mùa Đông, nã súng trường và súng máy vào các mục tiêu di động.
18 giờ chiều, Đảng Bolshevik gửi tối hậu thư cho Bộ tham mưu quân sự Petrograd buộc đầu hàng nếu không sẽ cho chiến hạm Rạng Đông tấn công. Một tối hậu thư khác được gửi đến cho Chính phủ lâm thời buộc phải dọn sạch chướng ngại vật và đầu hàng vô điều kiện. Theo điều kiện đã quy định, sau 20 phút không nhận được câu trả lời sẽ cho chiến hạm
Rạng Đông tấn công. 9 giờ 45 phút, chiến hạm Rạng Đông nổ loạt súng lệnh báo hiệu tấn công. Hàng người bảo vệ cung điện rối loạn và lợi dụng điều đó, thủy thủ, chiến sĩ Cận vệ đỏ và binh sĩ cách mạng tràn vào cung điện. Cuộc chiến diễn ra tới 2 giờ 45 phút sáng thì kết thúc. Toàn bộ chính phủ tư sản lâm thời bị bắt (trừ Kerensky).
Ngay trong đêm 7 tháng 11 năm 1917 (25 tháng 10 theo lịch Nga), Đại hội Xô Viết toàn
Nga lần thứ hai tuyên bố khai mạc tại điện Smoniyvà tuyên bố thành lập chính quyền Xô
Viết do Lênin đứng đầu. Các sắc lệnh đầu tiên của chính quyền Xô Viết đã được thông qua là Sắc lệnh hòa bình và Sắc lệnh ruộng đất. Chính quyền Xô Viết còn thực hiện các biện pháp thủ tiêu các tàn tích của chế độ cũ như xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp, những đặc quyền của giáo hội, nam nữ bình đẳng. Đối với các dân tộc, chính phủ Xô Viết công bố bản Tuyên ngôn về quyền các dân tộc ở Nga khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc và cho phép các dân tộc có quyền tự quyết như công nhận nền độc lập của Ba Lan, Phần Lan. Các cơ quan trung ương và Xô Viết các địa phương được thành lập. Tháng 12 năm 1917, Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao được thành lập nhằm xây dựng nền kinh tế xã hội
chủ nghĩa. Ngày 3 tháng 3 năm 1918, nước Nga Xô Viết kí Hòa ước Brest-Litovsk với các
nước phe Liên minh Trung tâm chính thức rút khỏi Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Trong khi nước Nga đang xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa thì các phần tử bạch vệ với sự giúp sức của 14 nước đế quốc đã ra sức lật đổ chính quyền Xô Viết. Trước tình hình đó, nước Nga Xô Viết đã áp dụng chính sách cộng sản thời chiến, xây dựng Hồng quân công
nông. Cuộc nội chiến Nga đã diễn ra từ đầu năm 1918 đến tháng 11 năm 1920 khi Hồng
quân đã đánh tan ngoại xâm và nội phản. Cuộc nội chiến kết thúc với thắng lợi thuộc về chính quyền Xô Viết, nước Nga Xô Viết được giữ vững.