Như trên đã trình bày, các quy định về trưng cầu ý dân trong Hiến pháp hiện hành còn nhiều hạn chế, chưa hoàn toàn giải quyết được những vướng mắc về cả mặt lý luận lẫn cơ sở pháp lý để có thể tổ chức được trưng cầu ý dân trên thực tế.
Trong khi Hiến pháp có quy định về trưng cầu ý dân, nhưng lại quy định trao thẩm quyền quyết định đối với mọi công việc của Nhà nước cho các cơ quan nhà nước như Quốc hội, ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ v.v...; cộng với việc không quy định rõ hiệu lực pháp lý của kết quả trưng cầu ý dân, tất cả những điểm này đã dẫn đến cách hiểu không thống nhất về trưng cầu ý dân. Cách hiểu thứ nhất cho rằng, tất cả các công việc của Nhà nước đã được Hiến pháp quy định giao cho các cơ quan nhà nước giải quyết nay nếu tổ chức trưng cầu ý dân để nhân dân trực tiếp quyết định thì sẽ không phù hợp với quy định này của Hiến pháp. Việc cơ quan nhà nước đưa
vấn đề thuộc trách nhiệm giải quyết của mình ra trưng cầu ý dân để nhân dân trực tiếp quyết định đồng nghĩa với việc các cơ quan nhà nước không làm tròn trách nhiệm của mình và như vậy là trái pháp luật. Cách hiểu thứ hai cho rằng, song song với quy định về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước thì trong Hiến pháp cóquy định giao thẩm quyền quyết định việc trưng cầu ý dân cho Quốc hội. Như vậy, có thể hiểu là Quốc hội có toàn quyền quyết định đưa bất kỳ một vấn đề nào đó ra trưng cầu ý dân mà không có sự giới hạn nào cả. Mặc dù tất cả các công việc đều đã được giao cho các cơ quan nhà nước giải quyết, tuy nhiên khi Quốc hội thấy rằng có vấn đề quan trọng phải đưa ra trưng cầu ý dân thì việc này đồng nghĩa với việc các cơ quan nhà nước trao trả lại quyền lực mà mình đã được ủy nhiệm cho chính chủ thể thực sự của quyền lực, đó chính là nhân dân, trong trường hợp này quyết định của nhân dân là quyết định cuối cùng. Việc làm này của cơ quan nhà nước không phải là sự chối bỏ trách nhiệm mà là khi ý nghĩa của vấn đề vượt quá vai trò của các thiết chế đại diện thì các thiết chế này có nghĩa vụ phải trao trả lại cho chủ thể đã ủy nhiệm quyền lực cho mình để chủ thể này trực tiếp quyết định, chủ thế đó không ngoài ai khác chính là nhân dân. Vì vậy, chúng tôi cho rằng trong hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân việc đầu tiên là phải hoàn thiện các quy định về trưng cầu ý dân trong Hiến pháp, có như vậy thì mới tạo cơ sở Hiến định vững chắc cho việc luật hóa các quy định về trưng cầu ý dân.
Bên cạnh đó, Hiến pháp mới chỉ quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định việc trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, việc quy định thẩm quyền này của Quốc hội chỉ phù hợp với các cuộc trưng cầu ý dân trên phạm vi toàn quốc, liên tỉnh hoặc ở một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Còn đối với các cuộc trưng cầu ý dân dưới cấp tỉnh, nhất là ở cấp cơ sở thì Quốc hội không có đủ khả năng và cũng không cần thiết phải xem xét, quyết định. Chính vì vậy, việc hoàn thiện các quy định của Hiến pháp về trưng cầu ý dân cũng cần phải tính đến các cuộc trưng cầu ý dân dưới cấp tỉnh và để làm được việc này cần mở rộng thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân, không chỉ giới hạn Quốc hội mới có thẩm quyền này.