Mục tiêu hoàn thiện pháp luật về trưng cầ uý dân ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân ở Việt Nam hiện nay doc (Trang 27 - 31)

Đồng thời, việc làm này cũng chính là những bước đầu trên con đường tìm tòi, mở rộng các thiết chế dân chủ trực tiếp, thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra: "Nhiệm vụ hàng đầu là phải tiếp tục hoàn thiện dân chủ đại diện đồng thời tìm tòi, mở rộng các thiết chế dân chủ trực tiếp một cách thiết thực, đúng hướng và có hiệu quả" [14].

1.3.2. Mục tiêu hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân ở Việt Nam hiện nay nay

Từ những phân tích nêu trên về bản chất, ý nghĩa của trưng cầu ý dân, về vai trò của pháp luật về trưng cầu ý dân, chúng tôi cho rằng để phát huy được những mặt tích cực của hình thức dân chủ trực tiếp này, đóng góp vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước thì việc hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân phải đạt được các mục tiêu cơ bản sau:

Thứ nhất, phải luật hóa được các quy định về trưng cầu ý dân.

Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nước ta, luật là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao chỉ đứng sau Hiến pháp.

Luật quy định các vấn đề cơ bản, quan trọng thuộc các lĩnh vực về đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân [45].

Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân phải nhằm đạt tiêu chí là luật hóa được các quy định về trưng cầu ý dân, có như vậy thì hình thức dân chủ trực tiếp này mới có thể được triển khai thực hiện một cách rộng rãi và thực chất. Tại Tờ trình ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân số 469/TTr-HLGVN ngày 03 tháng 10 năm 2006 của Hội luật gia Việt Nam cũng đã nêu rõ:

Cho đến nay, Đảng và Nhà nước dưới nhiều hình thức và biện pháp khác nhau đã ngày càng mở rộng dân chủ lấy ý kiến nhân dân trên nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ tổ chức trưng cầu ý dân và thể chế hóa bằng một luật riêng. Vì thế trưng cầu ý dân chưa trở thành một tập quán xã hội, một sinh hoạt chính trị lành mạnh trên con đường xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh [22, tr. 2].

Thứ hai, phải bảo đảm được cho người dân tham gia một cách thực chất vào việc trực tiếp quyết định công việc của Nhà nước.

Để có thể thực hiện được trưng cầu ý dân đem lại hiệu quả thiết thực thì cùng với việc ghi nhận quyền của người dân được tham gia biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân còn đòi hỏi phải có cơ chế để bảo đảm cho người dân được tham gia một cách thực chất hoạt động này. Bởi vì, nếu không có sự tham gia thực chất và đông đủ của người dân thì giá trị của cuộc trưng cầu ý dân không được đề cao, thậm chí có thể dẫn đến sự thất bại của cuộc trưng cầu ý dân. Một cuộc trưng cầu ý dân mà người tham gia bỏ phiếu trưng cầu ý dân không được tuyên truyền, thảo luận kỹ về vấn đề đưa ra trưng cầu, về những mặt tích cực và hạn chế của các phương án bỏ phiếu thì dễ dẫn đến bỏ phiếu ào ào cho xong chuyện và như vậy thì chứng tỏ kết quả của cuộc trưng cầu ý dân không có ý nghĩa nhiều đối với nhân dân. Một cuộc trưng cầu ý dân mà người dân vì các điều kiện tham gia bỏ phiếu, trình tự, thủ tục quá phức tạp sẽ khiến họ ngại không tham gia bỏ phiếu, điều này không những có thể dẫn đến sự thất bại của cuộc trưng cầu ý dân mà xét về bản chất phần

nào đã làm hạn chế quyền công dân. Do đó, một trong những mục tiêu đặt ra trong việc hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân là phải bảo đảm cho người dân tham gia một cách thuận lợi và thực chất vào việc trực tiếp quyết định công việc của Nhà nước.

Thứ ba, phải bảo đảm sự minh bạch và rõ ràng các vấn đề đưa ra trưng cầu ý

dân, tránh tổ chức trưng cầu ý dân một cách tràn lan, hình thức, gây tốn kém, lãng phí. Trưng cầu ý dân là một việc làm rất tốn kém và phải tiến hành trong một thời gian dài với một trình tự, thủ tục chặt chẽ nên cơ quan nhà nước thường có xu hướng

ngại không muốn tổ chức trưng cầu ý dân. Chính vì vậy, nếu pháp luật không quy định

một cách rõ ràng, minh bạch các vấn đề phải đưa ra trưng cầu ý dân thì khó có thể dẫn đến việc cơ quan nhà nước phát sinh nhu cầu tổ chức trưng cầu ý dân và khi đó các quy định của pháp luật về trưng cầu ý dân chỉ còn là những quy định về phát huy dân chủ mang tính trang trí không được triển khai thi hành trên thực tế. Ngược lại, cũng có khả năng vì các vấn đề phải đưa ra trưng cầu ý dân không được quy định rõ ràng, cụ thể nên dẫn đến việc cơ quan nhà nước đưa vấn đề không thực sự cần thiết ra trưng cầu ý dân, gây tốn kém, lãng phí không cần thiết. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân phải nhằm đạt được mục tiêu là bảo đảm sự minh bạch và rõ ràng các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân, tránh tổ chức trưng cầu ý dân một cách hình thức, gây tốn kém, lãng phí.

Thứ tư, bảo đảm cho kết quả cuộc trưng cầu ý dân phản ánh được đúng đắn, ý

chí nguyện vọng của nhân dân.

Nếu một cuộc trưng cầu ý dân mà kết quả của nó không phản ánh được đúng đắn ý chí của nhân dân thì có thể khẳng định rằng cuộc trưng cầu ý dân đó bị thất bại. Trong những trường hợp như vậy, kết quả của cuộc trưng cầu ý dân bị sai lệch và người dân cảm thấy như là mình bị lừa dối, bị áp đặt thực hiện theo phương án mà đa số không tán thành, do đó trong thực hiện họ có xu hướng coi thường và không tuân thủ kết quả trưng cầu ý dân. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, người dân có thể tập hợp lại để đấu tranh với cơ quan nhà nước đòi hỏi hủy bỏ kết quả trưng cầu ý dân, yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân lại. Vì vậy, trong hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân, mục

tiêu quan trọng nhất phải đạt được đó là bảo đảm cho kết quả cuộc trưng cầu ý dân phản ánh được đúng đắn, ý chí nguyện vọng của nhân dân.

Kết luận Chương 1

Trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, ở nước ta hình thức dân chủ trực tiếp này tuy được pháp luật ghi nhận từ rất sớm và đã trở thành một chế định pháp lý mang tính hiến định. Tuy nhiên, trong thực tiễn đời sống xã hội, pháp luật về trưng cầu ý dân chưa phát huy tác dụng; cho đến nay, trưng cầu ý dân chưa một lần được tổ chức ở nước ta. Dẫn đến tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do các quy định của pháp luật về trưng cầu ý dân chưa hoàn thiện, chưa đủ cơ sở để tiến hành tổ chức việc trưng cầu ý dân.

Mặt khác, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, phúc đáp yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì yêu cầu phát huy dân chủ trong đó có việc mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp, qua đó người dân được tham gia, trực tiếp quyết định đối với một số công việc quan trọng của Nhà nước. Với hình thức dân chủ trực tiếp này, giúp cho việc giải quyết các công việc quan trọng của Nhà nước phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân; tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xã hội, ý thức tự giác trong nhân dân khi triển khai khai thi hành các quyết sách quan trọng của Nhà nước.

Vì vậy, hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân là một việc làm cấp thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn, đòi hỏi chúng ta phải sớm có những giải pháp thiết thực, đưa ra được các mục tiêu cơ bản làm định hướng cho việc hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân.

Chương 2

sự hình thành và phát triển của pháp luật về trưng cầu ý dân ở Việt Nam

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân ở Việt Nam hiện nay doc (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)