Trong xây dựng pháp luật, việc tham khảo pháp luật của các nước là hết sức cần thiết. Vấn đề này lại đặc biệt quan trọng đối với chúng ta, bởi lẽ chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền về phát triển nền kinh tế thị trường sau các nước khác một thời gian
dài. Do đó, nhiều quan hệ xã hội phát sinh trong thời kỳ đầu của quá trình này đã được các nước đi trước trải nghiệm qua. Với việc tham khảo pháp luật của các nước, chúng ta có thể rút ra được những ưu điểm, những hạn chế trong việc điều chỉnh của pháp luật đề từ đó hạn chế được các tác động tiêu cực, phát huy yếu tố tích cực để áp dụng vào hoàn cảnh thực tiễn của nước ta.
Đối với trưng cầu ý dân thì đây là một vấn đề mà chúng ta chưa có thực tiễn để kiểm nghiệm. Vì vậy, trong hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân, việc tham khảo pháp luật của các nước về vấn đề này là hết sức cần thiết, giúp cho chúng ta có thể tránh được những bỡ ngỡ ban đầu trong tổ chức trưng cầu ý dân, hạn chế được những nhược điểm trong việc áp dụng hình thức dân chủ này và quan trọng hơn tất cả là thực sự phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, động viên khuyến khích nhân dân sôi nổi tham gia vào công việc của Nhà nước nói chung và trực tiếp quyết định đối với một số công việc của Nhà nước nói riêng. Từ kinh nghiệm của các nước, chúng ta có thể tham khảo cách thức xác định vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân, những vấn đề nào không đưa ra trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân, thể thức bỏ phiếu v.v… để áp dụng vào thực tiễn nước ta sao cho hợp lý, tránh được những kẽ hở, hạn chế được những sai sót xảy ra trong qua trình thực hiện trưng cầu ý dân.