Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân chủ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân ở Việt Nam hiện nay doc (Trang 56 - 58)

Tư tưởng dân chủ đã hình thành từ rất sớm ở Hồ Chí Minh, ngay từ nhỏ khi còn đi học, người đã được nghe các thày giáo Pháp giảng dạy về tự do, bình đẳng, bác ái, công lý và về dân chủ v.v… nhưng Người đã sớm nhận thấy những điều đó trái ngược với thực tế đang diễn ra trên đất nước và đối với dân tộc của Người. Sau này, trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Người càng hiểu rõ hơn nữa mặt trái của nền dân chủ tư sản, đằng sau những ngôn từ mỹ miều đó là sự bóc lột, là sự đàn áp của giai cấp tư sản đối với nhân dân lao động. Cuối cùng Người đã tìm ra con đường đem đến một nền dân chủ thực sự cho đất nước, cho dân tộc mình, đó là nền dân chủ của nhân dân khi nước nhà giành được độc lập và chính quyền về tay nhân dân.

Chính vì vậy, mà ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, mặc dù vận mệnh đất nước đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc nhưng Người vẫn kiên quyết tổ chức

cuộc Tổng tuyển cử dân chủ bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày 6 tháng 1 năm 1946). Người đã động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình để tham gia bầu cử lựa chọn người có đủ đức, đủ tài để gánh vác trọng trách đối với quốc gia. Trong bài cổ động kêu gọi nhân dân đi bầu cử đăng trên báo Quốc hội, Người viết:

Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình v.v… Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước [38, tr. 145].

Việc thực hiện thành công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã cho thấy, đó là một chủ trương đúng đắn và sáng suốt của Người. Nhân dân Việt Nam, với khát vọng dân chủ sau những đêm dài nô lệ dưới ách thực dân - phong kiến đã nô nức hưởng ứng tham gia cuộc Tổng tuyển cử, lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho mình tham gia vào bộ máy nhà nước. Sau này trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, Người luôn nhắc nhở phải thực hành dân chủ, Người nói:

Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân [39, tr. 698].

Bên cạnh việc quan tâm đến thực hành quyền dân chủ đại diện, Người cũng luôn chú ý đến việc thực hành dân chủ trực tiếp, trong hành động cụ thể Người luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, Người căn dặn "Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến". Từ đó, Người kết luận: "Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân… làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia

quản lý công việc của Nhà nước" [39, tr. 563]. Trong xây dựng Hiến pháp năm 1946, với vai trò là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đứng đầu Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Người đã chỉ đạo đưa vào Hiến pháp những quy định cơ bản nhất về dân chủ trực tiếp, đó là về quyền phúc quyết của nhân dân đối với những điều thay đổi của Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân ở Việt Nam hiện nay doc (Trang 56 - 58)