Dân trong tiến trình dựng nước, giữ nước ở Việt Nam

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân ở Việt Nam hiện nay doc (Trang 31 - 33)

Nhìn lại lịch sử của chúng ta có thể nhận thấy, nước ta vốn có một truyền thống

trọng dân, đây là một trong những truyền thống ưu việt của nhân dân ta, được tạo nên

trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước vĩ đại và ngày nay là cơ sở cho việc xây dựng chế độ làm chủ tập thể, xây dựng nền dân chủ mới - nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Cũng giống như nhiều quốc gia phong kiến phương Đông khác, trong lịch sử Việt Nam, vai trò của nhân dân thể hiện rõ nét trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, từ những công việc đời thường cho đến những việc lớn lao của đất nước, như đắp đê, trị thủy, ngăn lũ, chống giặc ngoại xâm v.v... Có thể nói rằng, nhân dân có một sức mạnh không gì phủ nhận được và sức mạnh ấy bao giờ cũng là sức mạnh tập thể, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Chính bởi lẽ đó mà tư tưởng trọng dân là một trong những tư tưởng xuyên suốt qua nhiều triều đại phong kiến nước ta.

- Dưới thời nhà Lý, sau khi lên ngôi năm 1010, Lý Công Uẩn quyết định rời đô về Thăng Long, trong Chiếu dời đô của ông ý dân được đặt ngang với mệnh trời: "Muốn mưu việc lớn, tính kế muôn đời cho con cháu thì trên phải vâng mệnh trời, dưới theo ý dân" [12, tr. 21].

- Tiếp đến thời nhà Trần, với việc thiết lập mô hình chính quyền thân dân, coi các già làng, bô lão là người có vai trò lớn đối với những quyết sách quan trọng của quốc gia. Một trong những minh chứng cho cho tư tưởng trọng dân của thời kỳ này là câu chuyện nổi tiếng đã đi vào lịch sử huy hoàng của dân tộc ta, đó là Hội nghị Diên Hồng.

Tháng 12 năm Giáp Thân, năm thứ sáu, dưới thời vua Trần Nhân Tông (niên hiệu Thiên Bảo - 1284), Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng (cung điện trong thành

Thăng Long) ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói "đánh" muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng [7, tr. 50].

Khi nhận định về Hội nghị này, trong Từ điển bách khoa Việt Nam (quyển 3, N - S) đã viết:

Các bô lão đã mang tới vua Trần ý chí và câu trả lời quyết chiến của nhân dân ở các lộ trong cả nước và cũng mang từ Thăng Long về khắp các địa phương trong nước không khí quyết tâm chống giặc giữ nước của Hội nghị Diên Hồng, của triều đình, cổ vũ mọi người tham gia kháng chiến [55, tr. 298].

Chính vì biết dựa vào sức mạnh của nhân dân nên trong thế kỷ XIII, quân dân nhà Trần đã ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông, đội quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ mà vó ngựa của chúng đã tung hoành khắp các châu lục từ á sang Âu. Trần Quốc Tuấn - một danh tướng nhà Trần, người đã trực tiếp chỉ huy quân đội và nhân dân đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông, khi tổng kết nguyên nhân thắng lợi của các cuộc kháng chiến này đã nói đó là do "vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, nước nhà chung sức" [34, tr. 80]; khi ông sắp qua đời, vua Trần hỏi ông về kế giữ nước ông nói "thần nghĩ ta thắng giặc dữ là do trên dưới đồng lòng… vì vậy, khoan thư sức dân làm kế gốc rễ lâu bền, ấy là thượng sách giữ nước" [34, tr. 80].

- Đến thời nhà hậu Lê, Nguyễn Trãi - linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh, người đã phò tá cho Lê Lợi đi đến thắng lợi cuối cùng là giành lại độc lập cho dân tộc đã tiếp tục nêu cao những tư tưởng sâu sắc về vai trò cũng như sức mạnh của nhân dân, ông khẳng định "chở thuyền là dân và lật thuyền cũng là dân" [54, tr. 198]. Khi đúc kết nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh, ông nói "nêu hiệu gậy làm cờ, tập hợp khắp bốn phương dân chúng. Thết quân rượu hòa nước, dưới trên đều một bụng cha con" [54, tr. 198] v.v…

- Tiếp nối tư tưởng trọng dân của các thời đại trước, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì điều kiện nước nhà đang xảy ra chiến tranh, từ ngày 28 tháng 3 đến ngày 30 tháng 3 năm 1964, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị chính trị đặc biệt, bao gồm đại biểu của các đảng phái, các đoàn thể, các dân

tộc, các tôn giáo, đồng bào miền Nam Việt Nam tập kết ra Bắc và Việt kiều. Tại Hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc báo cáo điểm lại những sự kiện lớn diễn ra trong 10 năm trước đó ở Việt Nam, nêu rõ đường lối đối nội, đối ngoại của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và nhiệm vụ trước mắt của nhân dân Việt Nam. Hội nghị đã nhất trí với báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và biểu thị ý chí đoàn kết chiến đấu của nhân dân miền Bắc, phát huy truyền thống cả nước một lòng quyết tâm bảo vệ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ra sức chi viện cho đồng bào miền Nam, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước [55, tr. 328].

Như vậy, có thể thấy rằng, với tư tưởng trọng dân xuyên suốt qua nhiều triều đại phong kiến cho đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này, thì dân chủ không phải là một vấn đề mới mẻ ở nước ta. Với điển hình về việc hỏi ý kiến nhân dân, đó là "Hội nghị Diên Hồng" cho thấy tư tưởng dân chủ đã được hình thành từ rất sớm trong lịch sử nước ta và phát triển cùng với thời gian, cùng với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc đã kết tinh lại để trở thành một giá trị dân chủ mang màu sắc đặc thù Việt Nam. Ngày nay, việc xây dựng một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đòi hỏi chúng ta phải quán triệt sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ; đồng thời, cũng đòi hỏi chúng ta phải biết kế thừa và phát huy những giá trị dân chủ, truyền thống trọng dân mà cha ông ta đã đạt được trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chính vì vậy, chúng ta có thể khẳng định đây chính là những nền tảng, tiền đề để hình thành và phát triển chế định pháp lý về dân chủ trực tiếp nói chung và chế định pháp lý về trưng cầu ý dân nói riêng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân ở Việt Nam hiện nay doc (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)