Dân chủ là một phạm trù chính trị học có nguồn gốc từ thời kỳ Hy Lạp cổ đại.
Dân chủ, trong tiếng Hy Lạp là demokratia, được ghép bởi hai từ demos (người dân) và kratia (sức mạnh, quyền lực) nên có thể hiểu đó là quyền lực của nhân dân; trong tiếng Anh là democracy, trong tiếng Pháp là democratie cũng đều có nghĩa là quyền lực hay sự thống trị của người bình dân. Cùng với thời gian, nội hàm và ý nghĩa của thuật ngữ dân chủ ngày càng được mở rộng, với nghĩa như là quyền lực nhân dân, chính quyền nhân dân, chủ quyền nhân dân hay đơn giản là một chế độ đối lập với chế độ độc tài.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, dân chủ là một hiện tượng lịch sử, ra đời trong giai đoạn phát triển nhất định của loài người và được biến đổi dưới các hình thức khác nhau tùy thuộc vào điều kiện của từng hình thái kinh tế - xã hội. Trong hình thái kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa, với việc giai cấp công nhân giành được chính quyền đã làm xuất hiện một nền dân chủ mới, khác về chất so với các kiểu dân chủ cũ trong lịch sử, đó là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Khi đề cập đến vấn đề này Mác đã viết: "Thay cho xã hội cũ với những giai cấp và đối kháng giai cấp, là một liên hiệp trong đó, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người" [36, tr. 569]. Vậy
bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa là gì?. Theo Mác, thực chất đó là chế độ do nhân
dân tự quy định Nhà nước; biểu hiện ở việc nhân dân bầu cử để hình thành nên bộ máy
nhà nước, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước phải dựa trên nguyên tắc do nhân dân và vì nhân dân, nhân dân có quyền giám sát đối với hoạt động của bộ máy nhà nước (nhân dân trong quan niệm của Mác là quần chúng lao động, là đại đa số người dân).
Khi đề cập đến vai trò của dân chủ nói chung và dân chủ xã hội chủ nghĩa nói riêng, Lênin nhấn mạnh:
Không có chế độ dân chủ thì chủ nghĩa xã hội không thể thực hiện được theo hai nghĩa sau đây:
1. Giai cấp vô sản không thể hoàn thành được cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nếu họ không được chuẩn bị cho cuộc cách mạng đó, thông qua cuộc đấu tranh của chế độ dân chủ.
2. Chủ nghĩa xã hội chiến thắng sẽ không giành được thắng lợi về mình và sẽ không đưa nhân loại đi đến chỗ thủ tiêu Nhà nước, nếu không thực hiện đầy đủ chế độ dân chủ [26, tr. 167].
Vì vậy, để thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, Lênin đặc biệt nhấn mạnh đến quyền tham gia quản lý nhà nước của những người lao động, ông nói: "thu hút toàn thể những người lao động, không trừ một ai tham gia việc quản lý nhà nước" [32, tr. 68] và ông coi đó như là "mục đích của chính quyền Xô-viết", theo ông "việc thu hút được mọi người lao động tham gia quản lý là một trong những ưu thế quyết định của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa" [31, tr. 67-68]. Theo Lênin, thước đo trình độ thực hiện dân chủ ở một chế độ là ở mức độ và khả năng thu hút quần chúng tham gia vào công việc của Nhà nước và xã hội, vì vậy ông nói Xô-viết sở dĩ là:
Một hình thức và một kiểu chế độ dân chủ vô cùng cao hơn, chính là vì do chỗ nó tập hợp được quần chúng công nông và lôi cuốn họ tham gia sinh hoạt chính trị, nên nó là cơ quan gần "nhân dân" nhất..., là phong vũ biểu nhạy cảm nhất để đo sự phát triển của quần chúng và những tiến bộ trong sự trưởng thành của họ về mặt chính trị [33, tr. 383].
Từ đó Lênin cho rằng, để bảo đảm tự do dân chủ của nhân dân đòi hỏi Nhà nước phải thực hành một chế độ dân chủ đầy đủ hơn, ông viết: "Quần chúng phải có quyền được tự mình cử ra những người lãnh đạo có trách nhiệm. Quần chúng phải có quyền được thay đổi những người lãnh đạo của mình, phải có quyền được hiểu rõ và kiểm tra mỗi một bước nhỏ nhất trong hoạt động của những người đó" [32, tr. 192]. Đồng thời, Nhà nước cũng phải bảo đảm rằng "tất cả các đại biểu và tất cả các người được bầu ra, không trừ một ai, đều có thể bị bãi chức, bất cứ lúc nào, nếu đa số cử tri quyết định như thế" [28, tr. 195].
Không những quan tâm đến việc thu hút sự tham gia của nhân dân vào công việc của Nhà nước, Lê-nin còn chú trọng đến việc bảo đảm chất lượng sự tham gia của nhân dân qua việc ông yêu cầu quần chúng lao động "phải học quản lý nhà nước và phải học ngay không chậm trễ" [29, tr. 34]; đồng thời, ông cũng đòi hỏi Nhà nước "phải bắt tay ngay vào việc làm cho tất cả những người lao động, tất cả những công dân nghèo đều tham gia học quản lý nhà nước" [29, tr. 414].
Với cách đặt vấn đề như vậy, Lênin nhấn mạnh: "Chủ nghĩa xã hội không phải là kết quả của những sắc lệnh từ trên ban xuống... chủ nghĩa xã hội sinh động, sáng tạo là sự nghiệp của bản thân quần chúng" [30, tr. 64].