cấp huyện thành phố Hà Nội
VKSND ở nước ta ra đời trên cơ sở Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức VKSND 1960. Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, VKSND là một trong bốn hệ thống cấu thành nên bộ máy nhà nước. Là một cơ quan nhà nước nên trong tổ chức và hoạt động của VKS hội tụ đủ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động như tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước khác như nguyên tắc Đảng lãnh đạo, nguyên tắc tập trung dân chủ... Bên cạnh đó, xuất phát từ các chức năng, nhiệm vụ riêng có của mình, VKSND còn có những nguyên tắc tổ chức và hoạt động riêng như nguyên tắc tập trung thống nhất, nguyên tắc độc lập không lệ thuộc vào bất cứ một cơ quan nhà nước nào khác ở địa phương. Cơ quan VKSND được tổ chức từ trung ương đến đơn vị hành chính cấp huyện gồm VKSNDTC, các VKSND cấp tỉnh, các VKSND cấp huyện và các VKS quân sự.
Trong những năm vừa qua của công cuộc đổi mới, cùng với cả hệ thống chính trị, VKSND nói chung, các VKS cấp huyện nói riêng đã có những bước chuyển mình lớn. Quán triệt các chính sách pháp luật, các yêu cầu của Đảng và Nhà nước với công tác tư pháp nói chung, với công tác kiểm sát nói riêng, VKSND đã bám sát và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần đáng kể vào những thành tựu đổi mới của đất nước:
Đã khắc phục một bước trong việc lạm dụng bắt khẩn cấp, bắt oan, sai; tỷ lệ bắt, giam, giữ đưa ra truy tố đạt cao; công tác giải quyết án trọng điểm và đấu tranh chống tội phạm đã được đẩy nhanh tiến độ và đạt kết quả tốt, đã và đang giải quyết được nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng, xử lý nghiêm minh, không có "vùng cấm" nào... [5, tr. 5].
VKS cấp huyện là cấp cuối cùng trong hệ thống cơ quan VKSND, đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống VKSND bởi là cấp giải quyết phần lớn các vụ án mà VKS thụ lý và giải quyết. Hiện nay có 14 đơn vị VKS cấp huyện đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội trong đó có 9 quận (quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng, quận Tây Hồ, quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, quận Long Biên và quận Hoàng Mai) và 5 huyện (huyện Thanh Trì, huyện Đông Anh, huyện Sóc sơn, huyện Từ Liêm, huyện Gia Lâm) với tổng biên chế 294 cán bộ, Kiểm sát viên.
Trước yêu cầu đặt ra đối với công tác kiểm sát, trong những năm qua, VKS cấp huyện đã từng bước được củng cố, tăng cường và ngày càng hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Hiện nay, đa số các VKS cấp huyện có cơ cấu lãnh đạo là Viện trưởng và 3 Phó Viện trưởng. Việc phân công chỉ đạo điều hành công việc tại các VKS cấp huyện dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ kết hợp với nguyên tắc tập trung thống nhất trong sự lãnh đạo và điều hành của Viện trưởng. Viện trưởng phụ
trách chung, các Phó viện trưởng giúp Viện trưởng phụ trách, chỉ đạo các khâu công tác kiểm sát hình sự, dân sự - hôn nhân gia đình, khiếu tố, văn phòng và thi hành án nhằm thực hiện chức năng nhiệm vụ chung của ngành.
Tính đến nay, số lượng và trình độ của đội ngũ Kiểm sát viên và cán bộ đang công tác tại các quận, huyện như sau: Tổng biên chế của của 14 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội là 294/ 432 biên chế của VKS toàn thành phố trong đó có 114 đồng chí nữ. Số lượng Kiểm sát viên cấp huyện là 157 đồng chí chiếm 63,5% tổng số Kiểm sát viên của toàn VKS thành phố. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Tất cả lãnh đạo, Kiểm sát viên VKS cấp huyện đều đã có bằng cử nhân Luật; trong biên chế của VKS cấp huyện có 8 đồng chí có trình độ thạc sĩ Luật. Về trình độ lý luận chính trị: Tất cả các Kiểm sát viên cấp huyện đều có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Trong số cán bộ lãnh đạo VKS cấp huyện 100% các đồng chí có trình độ lý luận chính trị trung cấp, 12 đồng chí có trình độ lý luận chính trị cao cấp.
Theo con số thống kê tội phạm thì hàng năm, số lượng các vụ phạm pháp hình sự mà VKS cấp huyện thành phố Hà Nội trực tiếp thụ lý, giải quyết và xử lý chiếm gần tới 80% tổng số vụ mà VKSND thụ lý giải quyết trên địa bàn toàn thành phố. Đó là một khối lượng công việc khổng lồ với không ít những khó khăn, phức tạp nhưng các VKS cấp huyện với sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy, Đảng và chính quyền cùng với sự nỗ lực của tất cả các lãnh đạo, Kiểm sát viên và đội ngũ cán bộ đã hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của mình, đóng góp không nhỏ vào kết quả hoạt động của các cơ quan tư pháp và vào những thành tựu đổi mới của đất nước trong những năm qua.