đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn
Theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, Cơ quan điều tra và VKS có quyền áp dụng một trong các biện pháp ngăn chặn: Bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú…(Điều 79 BLTTHS). Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn là để đảm bảo cho việc điều tra thu thập chứng cứ được thuận lợi đồng thời có thể hạn chế hoặc loại trừ khả năng bị can bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội. Cơ quan điều tra có quyền ban hành một số lệnh và quyết định như lệnh bắt khẩn cấp, lệnh tạm giữ, lệnh tạm giam, lệnh bắt tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú... song bởi đây là các biện pháp hạn chế hoặc tước bỏ một phần quyền tự do của cá nhân người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, động chạm đến các quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo hộ cho nên khi áp dụng chúng đòi hỏi phải hết sức thận trọng, phải dựa trên
các căn cứ được quy định cụ thể và phải tuân thủ theo một trình tự nghiêm ngặt mà pháp luật quy định để đảm bảo việc áp dụng các biện pháp đó đúng đối tượng, đúng với tính chất mức độ của hành vi mà bị can đã thực hiện. Đây là một đòi hỏi mà mỗi Cơ quan tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra đều phải quán triệt khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Điều 4 BLTTHS quy định:
Khi tiến hành các hoạt động tố tụng, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thường xuyên kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay thế những biện pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa.
Mặc dù theo các quy định của pháp luật thì cả Cơ quan điều tra và VKS cùng có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn song việc quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn nào lại là quyền thuộc chỉ riêng VKS. Thẩm quyền này thể hiện: VKS có thể tự mình quyết định việc áp dụng bất cứ biện pháp nào mà không cần có sự thông qua, phê chuẩn của bất cứ cơ quan nào, có quyền hủy bỏ bất cứ biện pháp ngăn chặn nào do Cơ quan điều tra áp dụng và thay thế bằng một biện pháp ngăn chặn khác, trong khi đó Cơ quan điều tra mặc dù cũng có quyền áp dụng nhưng lại không có quyền tự ý thay đổi các biện pháp ngăn chặn mà pháp luật quy định phải có sự phê chuẩn của VKS; các lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra dù đã ban hành nhưng nếu không được sự chấp thuận và phê chuẩn của VKS thì hiệu lực của nó ngay lập tức bị triệt tiêu: Các lệnh bắt khẩn cấp, lệnh tạm giữ, tạm giam - là các lệnh áp dụng các biện pháp nghiêm khắc nhất bởi tước đoạt quyền tự do của con người thì dù Cơ quan điều tra cũng có quyền ra lệnh nhưng các lệnh đó chỉ thực sự có hiệu lực sau khi đã được sự phê chuẩn của VKS, trong trường hợp VKS không phê chuẩn thì các lệnh đó đương nhiên bị mất hiệu lực, Cơ quan điều
tra phải ngay lập tức trả tự do cho những người bị bắt, tạm giữ, tạm giam. Sự chế ước này nhằm đảm bảo tính thận trọng của các lệnh, các quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn của Cơ quan điều tra, nhằm khắc phục tình trạng vi phạm bắt, tạm giữ, tạm giam… tràn lan. Ngoài ra, thẩm quyền của VKS còn thể hiện ở việc VKS có quyền ra lệnh bắt tạm giam, yêu cầu Cơ quan điều tra bắt tạm giam đối với bị can để phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm. Việc quy định thẩm quyền của VKS trong việc quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn điều tra cũng có ý nghĩa khẳng định trách nhiệm nặng nề của VKS trong trường hợp xảy ra các sai sót, đúng như tinh thần của Chỉ thị 53-CT/ TW: "Sai sót trong việc bắt, giam, giữ ở địa phương nào thì trước hết VKSND ở địa phương đó chịu trách nhiệm".