Theo quy định của pháp luật thì chức năng, nhiệm vụ của VKSND là "Thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp…". Qua tinh thần của các văn bản pháp luật, có thể thấy rõ đây là hai chức năng hoàn toàn độc lập của VKS. Các vấn đề có liên quan đến chức năng thứ nhất (thực
hành quyền công tố) đã được làm rõ qua phần phân tích trên. Các vấn đề có
liên quan đến chức năng thứ hai kiểm sát các hoạt động tư pháp: Thế nào là hoạt động tư pháp và thế nào là kiểm sát các hoạt động tư pháp, mối liên hệ giữa chức năng này với chức năng thực hành quyền công tố cũng cần được làm sáng tỏ trước khi để cập đến hoạt động thực hiện chức năng này của VKS.
a) Hoạt động tư pháp
Các cơ quan tư pháp ở nước ta bao gồm Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án và Cơ quan thi hành án. Xuất phát từ nghĩa rộng của khái niệm về tư pháp ở nước ta như đã trình bày phần trên, có thể hiểu các hoạt động tư pháp là các hoạt động liên quan đến quá trình giải quyết các vụ án và các tranh chấp bao gồm các hoạt động điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ như khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành các quyết định của Tòa án trong cả lĩnh vực hình
sự, dân sự và hành chính, kinh tế... Vậy, hoạt động tư pháp là hoạt động trước hết phải được tiến hành bởi các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa tất cả mọi hoạt động do cơ quan tư pháp tiến hành đều là hoạt động tư pháp mà chỉ là hoạt động tư pháp nếu hoạt động đó gắn liền với việc giải quyết một vụ án, một tranh chấp cụ thể. Ví dụ như hoạt động điều tra thu thập chứng cứ… của các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng là hoạt động tư pháp bởi vì nó nhằm giải quyết vụ án, giải quyết tranh chấp cụ thể; trong quá trình tiến hành các hoạt động này, giữa các cán bộ, công chức trong các cơ quan tư pháp (người tiến hành tố tụng) và giữa các cơ quan tư pháp (cơ quan tố tụng) phát sinh các mối quan hệ và các mối quan hệ đó được điều chỉnh bằng pháp luật tố tụng. Ngoài các hoạt động đó, trong các cơ quan tư pháp còn có các hoạt động khác(ví dụ như hoạt động phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật của Tòa án…) nhưng không phải là hoạt động tư pháp vì nó không nhằm giải quyết vụ án hoặc giải quyết tranh chấp nào; mối quan hệ giữa các cơ quan và các cán bộ, nhân viên của các cơ quan tư pháp phát sinh trong quá trình này được điều chỉnh bằng pháp luật hành chính. Như vậy, hoạt động tư pháp phải hội tụ đủ hai yếu tố: Hoạt động đó phải do các cơ quan nhà nước thực hiện trong quá trình tố tụng, được điều chỉnh bằng pháp luật tố tụng; mục đích của hoạt động là nhằm đảm bảo việc giải quyết một vụ án hình sự, vụ tranh chấp cụ thể một cách có căn cứ, đúng pháp luật [31, tr. 10- 11].
Vậy, hoạt động tư pháp là hoạt động của các cơ quan tư pháp trong
quá trình tố tụng nhằm giải quyết các vụ án hình sự và các vụ tranh chấp một cách có căn cứ, đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Cũng từ phân tích trên, có thể thấy, hoạt động tư pháp hình sự là hoạt động của cơ quan tư pháp trong việc thực thi quyền lực Nhà nước trong tố tụng hình sự [46, tr. 82].
Theo quy định của BLTTHS thì chủ thể thực hiện hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra là Cơ quan điều tra (đó là Cơ quan điều tra của lực lượng Cảnh sát nhân dân, Cơ quan điều tra của lực lượng An ninh nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân…). Ngoài ra, do yêu cầu phát hiện nhanh chóng và xử lý kịp thời các hành vi phạm tội, BLTTHS còn quy định ngoài các cơ quan kể trên, có một số cơ quan không phải là Cơ quan điều tra nhưng được giao tiến hành một số hoạt động điều tra đó là Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm và một số cơ quan khác trong lực lượng Cảnh sát nhân dân, trong các lực lượng An ninh nhân dân…
b) Kiểm sát các hoạt động tư pháp:
Kiểm sát các hoạt động tư pháp là một trong hai chức năng hiến định
của VKSND. Theo quy định của pháp luật, VKSND thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp bằng các công tác khác nhau gắn liền với các lĩnh vực khác nhau bao gồm kiểm sát các hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự và tố tụng tư pháp khác trong lĩnh vực giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động… Gắn liền với TTHS là các công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của Cơ quan điều tra - Kiểm sát điều tra, kiểm sát việc tuân
theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự - Kiểm sát xét xử và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành các bản án và các quyết định của Tòa án nhân dân. Cả ba lĩnh vực công tác đó hợp thành kiểm sát các hoạt động tư pháp.
Mục đích của kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự
là nhằm đảm bảo các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, không để xảy ra việc oan, sai hay bỏ lọt tội phạm. Trong các lĩnh vực tố tụng khác, mục đích của kiểm sát các hoạt động tư pháp là nhằm đảm bảo việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình và các việc khác theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước,
quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Mục đích chung của hoạt động kiểm sát các hoạt động tư pháp của VKS là nhằm đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự và các tranh chấp khác.
Đối tượng của kiểm sát các hoạt động tư pháp là việc tuân thủ pháp
luật của các cơ quan tư pháp và các đối tượng tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án và các tranh chấp khác.
Phạm vi của kiểm sát các hoạt động tư pháp: Phạm vi không gian của
kiểm sát các hoạt động tư pháp chỉ giới hạn trong phạm vi hoạt động của các cơ quan tư pháp; đó là việc chấp hành pháp luật trong suốt quá trình giải quyết các vụ án hình sự và giải quyết các tranh chấp khác.
Phạm vi về thời gian của kiểm sát các hoạt động tư pháp là từ khi cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án và đương sự khởi kiện cho đến khi thi hành xong bản án và các quyết định khác của Toà án.
c) Kiểm sát điều tra
Theo quy định của pháp luật, trong lĩnh vực hình sự, VKSND thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp bằng các công tác khác nhau gắn với các giai đoạn tố tụng khác nhau: Thực hành quyền công tố và kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của Cơ quan điều tra; thực hành quyền công tố và kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành các bản án hình sự và các quyết định của Tòa án nhân dân (Điều 3 Luật Tổ chức VKSND). Ứng với mỗi công tác này, Luật Tổ chức VKSND quy định một chương riêng biệt: Tại chương II (gồm các điều 12, 13, 14, 15) quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi thực hành quyền công tố và kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của Cơ quan điều tra (công tác thứ nhất) với tiêu đề "Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự". Như vậy,
kiểm sát điều tra là một bộ phận cấu thành của kiểm sát các hoạt động tư pháp - chức năng hiến định thứ hai của VKSND trong lĩnh vực TTHS ở giai đoạn đầu của TTHS - giai đoạn điều tra.
* Mục đích, đối tượng, phạm vi, nội dung của kiểm sát điều tra:
Sau khi vụ án được khởi tố, giữa các chủ thể tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng phát sinh những quan hệ tố tụng, các quan hệ này tồn tại trong suốt cả quá trình giải quyết vụ án hình sự. Trong giai đoạn điều tra thì đó là mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra và VKS, là các hoạt động của Cơ quan điều tra được thực hiện bởi các Điều tra viên, là các hành vi của các Điều tra viên, là các quyết định của Cơ quan điều tra, là hành vi của những người tham gia tố tụng... Đồng thời với sự xuất hiện của các hoạt động tố tụng cũng xuất hiện đòi hỏi có sự giám sát việc tuân theo pháp luật nhằm đảm bảo cho pháp luật được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh. Theo quy định của pháp luật thì trong giai đoạn điều tra chủ thể duy nhất của hoạt động kiểm sát điều tra là VKS. Mặc dù cùng có chung một mục đích là đảm bảo pháp chế trong giải quyết các vụ án hình sự nhưng mỗi công tác trên của VKS ứng với mỗi giai đoạn TTHS nhất định, có đối tượng, phạm vi, nội dung riêng. Kiểm sát điều tra cũng vậy, nó có mục đích, đối tượng và phạm vi của riêng nó.
+ Mục đích củakiểm sát điều tra là nhằm đảm bảo pháp luật được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh và thống nhất trong suốt cả quá trình điều tra vụ án hình sự.
+ Đối tượng của kiểm sát điều tra (tức là những cái mà hoạt động kiểm sát điều tra tác động vào nhằm đạt được mục đích nêu trên): Là việc chấp hành pháp luật của Cơ quan điều tra, là hành vi của các cán bộ, Điều tra viên được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động điều tra, là các quyết định của Cơ quan điều tra trong giai đoạn điều tra, là việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong suốt cả quá trình điều tra.
+ Phạm vi của kiểm sát điều tra: Về phạm vi không gian: Kiểm sát điều tra chỉ có trong lĩnh vực TTHS và chỉ ở giai đoạn đầu của TTHS - giai đoạn điều tra.
Về phạm vi thời gian: Kiểm sát điều tra bắt đầu từ khi khởi tố vụ án và kết thúc khi VKS có quyết định xử lý vụ án và bị can (quyết định truy tố hoặc đình chỉ điều tra vụ án, bị can).
+ Nội dung của kiểm sát điều tra: Theo Điều 14 Luật Tổ chức VKSND, Điều 113 BLTTHS, khi thực hiện công tác kiểm sát điều tra, VKS có những nhiệm vụ và quyền hạn: Kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành và tham gia tố tụng; giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền điều tra theo quy định của pháp luật; yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục các vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra; yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra xử lý nghiêm minh Điều tra viên có vi phạm kỷ luật khi tiến hành điều tra…
Tất cả những quyền hạn nêu trên được giao cho VKS thực hiện nhằm phát hiện kịp thời và loại trừ, khắc phục các vi phạm của Cơ quan điều tra mà cụ thể là các Điều tra viên - những người được giao trực tiếp điều tra vụ án với mục đích đảm bảo cho tất cả các hoạt động điều tra phải được tuân thủ theo những quy định của pháp luật tố tụng hình sự, để pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất, pháp chế được tăng cường...- Các quyền năng đó chính là nội dung của kiểm sát điều tra.