Đẩy mạnh nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ để tạo cơ sở lý luận cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và vận dụng trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay pot (Trang 73 - 78)

lý luận cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã có Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 27/3/2003 về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới. Trong Chỉ thị nêu quan điểm chỉ đạo:

Các cơ quan tư tưởng, lý luận, các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội, các bộ, ban, ngành, đoàn thể cần có chương trình nghiên cứu tư

tưởng Hồ Chí Minh, tổng kết thực tiễn, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề mới nảy sinh, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực của mình, từng bước làm rõ quy luật vận động của từng lĩnh vực, qua đó phát triển, làm phong phú tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường cách mạng nước ta trong giai đoạn mới [1, tr.4].

Từ quan điểm chỉ đạo đó, các cơ quan nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội và nhân văn triển khai các chương trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về từng lĩnh vực; trong đó có việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước, pháp luật, để từ đó rút ra những kết luận, làm luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức.

Trên thực tế, từ trước khi có Chỉ thị số 23 kể trên của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, công tác nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đã được chú trọng quan tâm, đặc biệt từ năm 1991 trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã khẳng định rõ: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động". Sau đó, một công trình nghiên cứu khoa học lớn cấp nhà nước mang mã số KX.02 nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh được thực hiện năm 1993, gồm nhiều đề tài nghiên cứu độc lập về từng lĩnh vực cụ thể trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có một số tác phẩm, các công trình nghiên cứu khác, như tác phẩm "Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ" của tác giả Bùi Đình Phong, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2003; Luận văn thạc sĩ Luật học "Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật và vận dụng trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam" của tác giả Trần Nghị năm 2003 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh…. Đó là các công trình, các tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu tư tưởng Hồ Chí Minh về từng lĩnh vực, nên thường có sự phân tách một cách độc lập về từng vấn đề nghiên cứu, mà chưa có sự gắn kết tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ để vận dụng trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay. Vì vậy, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ trong sự gắn kết với yêu cầu hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay là hết sức cần thiết, cụ thể như sau:

- Thứ nhất, việc xác định phương pháp luận trong nghiên cứu để tìm ra được ý nghĩa giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ một cách toàn diện cho việc vận dụng để hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức hiện nay. Đó phải là các phương pháp phân tích, tổng hợp và trừu tượng hóa để thấy được rằng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ trong bất kỳ giai đoạn nào, từ trước khi giành được chính quyền hay từ khi giành được chính quyền nhà nước cũng phải được đặt cạnh tư tưởng của Người về vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền, ở đó coi pháp luật làm công cụ đặc biệt quan trọng trong quản lý, điều hành đất nước. Có như vậy mới thấy hết được những giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh ở chỗ người cán bộ và công tác cán bộ rất quan trọng đối với cách mạng, và ở một cung bậc cao hơn là ở chỗ vấn đề cán bộ và công tác cán bộ phải được thể chế hóa thành pháp luật nhà nước. Khi ấy, vấn đề cán bộ không chỉ được xác định ở cơ sở vững chắc về mặt lý luận, mà còn là cả cơ sở pháp lý nữa.

Như vậy, phương pháp nghiên cứu để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức luôn là sự kết dính, gắn liền giữa tư tưởng về cán bộ với vấn đề pháp luật, pháp chế và đặt trong điều kiện nhà nước pháp quyền.

Đồng thời với việc xác định phương pháp nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, cũng cần phải quán triệt một số quan điểm nghiên cứu:

+ Quan điểm thực tiễn: Nghiên cứu lý luận phải đặt trong sự gắn kết, đối chiếu với thực tiễn, tổng kết thực tiễn, như chính Hồ Chí Minh đã viết: "Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc đấu tranh, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng, rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó so sánh với thực tế. Đó là lý luận chân chính" [43, tr.233];

+ Quan điểm toàn diện: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ là hệ thống tư tưởng nằm trong mối quan hệ mật thiết, gắn kết chặt chẽ với tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, nhất là trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền thì tư tưởng đó có quan hệ mật thiết với tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật. Nên khi nghiên cứu không được tách rời giữa tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ với tư tưởng

Hồ Chí Minh nói chung, mà phải nghiên cứu, xem xét trong các mối quan hệ tổng thể, toàn diện đó; cần "nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh" [54, tr.21].

+ Quan điểm phát triển: Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ không phải là sự cứng nhắc, giáo điều, mà phải luôn cần được bổ sung những vấn đề mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn của lịch sử;

- Thứ hai, nghiên cứu để làm sáng tỏ quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, các yếu tố lịch sử chi phối quá trình đó, qua đó thấy sự phát triển liên tục của tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, mà ở đó luôn có sự tiếp thu, kế thừa có chọn lọc, bổ sung và phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn của từng thời kỳ lịch sử, nhưng vẫn luôn là sự kiên định lý tưởng của chủ nghĩa Mác- Lênin và nổi bật lên cái cốt lõi tư tưởng về cán bộ, đó là người cán bộ thực sự biết tận tụy phục vụ nhân dân, là công bộc của nhân dân, có đầy đủ các phẩm chất đức và tài, trong đó đức là gốc. Từ đó có cơ sở quan trọng để hoàn thiện pháp luật về tiêu chuẩn cán bộ, công chức.

Nghiên cứu quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ còn là điều kiện để chỉ ra được sự gắn kết giữa vấn đề cán bộ với thể chế pháp luật về cán bộ, công chức. Đó là với giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám 1945, khi chưa có chính quyền nhà nước thì tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ tập trung vào việc tạo nguồn hình thành đội ngũ cán bộ cho cách mạng, còn sau đó, khi đã giành được chính quyền nhà nước, Hồ Chí Minh nghĩ ngay tới việc phải hình thành hệ thống thể chế pháp luật về cán bộ, công chức, coi đó là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vững mạnh. Đó chính là sự toàn diện trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề cán bộ và công tác cán bộ.

- Thứ ba, đồng thời phải nghiên cứu, tổng kết thực tiễn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ trong quá trình Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam cũng như kể từ khi Người qua đời để thấy được sự phát triển, vận động liên tục trong tư tưởng của Người, từ những vấn đề của lý luận thành thực tiễn. Qua thực tiễn

đó cũng thấy được nhiều nội dung trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ do hoàn cảnh khó khăn của đất nước trong điều kiện chiến tranh kéo dài cũng như trong cơ chế quản lý tập trung, bao cấp quá lâu đã không có điều kiện vận dụng, thực thi, hoặc vận dụng một cách chưa đầy đủ, chưa đúng, nay cần xem xét, đánh giá lại để việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh một cách có hiệu quả hơn.

- Thứ tư, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ cần ưu tiên cho hướng vận dụng một cách trực tiếp, sáng tạo vào sự nghiệp đổi mới hiện nay, hướng tới việc hình thành một thể chế pháp luật cán bộ, công chức hoàn thiện, làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vững mạnh gắn với nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Muốn được như vậy cần phải tiến hành một số bước nghiên cứu sau đây:

+ Mở rộng phạm vi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ trong mối gắn kết với tư tưởng Hồ Chí Minh về các vấn đề khác, nhất là tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, làm cho khoa học nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh phát triển một cách đồng bộ và toàn diện ở tầm vĩ mô, mang tính tổng thể. Đó cũng chính là tạo cơ sở để nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh ở từng lĩnh vực chuyên sâu;

+ Huy động sự tham gia của nhiều lực lượng nghiên cứu khác nhau, ở nhiều bình diện khác nhau để tạo ra sự phong phú, đa dạng trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh; từ đó từng bước hình thành đội ngũ các nhà khoa học chuyên nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, trong đó có lĩnh vực chuyên sâu về cán bộ gắn kết với hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật cán bộ, công chức;

+ Có định hướng chung cho sự nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, và nhất là có sự tổng kết một cách đầy đủ, thường xuyên các kết quả nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh dưới một sự chỉ đạo chung thống nhất, rút ra những kết luận khoa học xác đáng về tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ nói riêng, để từ đó có bước và hướng vận dụng trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức.

- Thứ năm, trong quá trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ hướng tới hoàn thiện thể chế pháp luật cán bộ, công chức cần thiết phải dựa trên cơ sở các tài liệu gốc thể hiện đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, "Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh trên tinh thần khoa học, bằng phương pháp khoa học trước tiên phải xuất phát từ văn kiện, tác phẩm (của Hồ Chí Minh)…, nếu không muốn rơi vào thêu dệt, gán ghép cho Hồ Chí Minh những tư tưởng không phải của Người" [70, tr.5]. Đồng thời phải căn cứ vào thực tiễn cuộc sống và hành động của Hồ Chí Minh, bởi bản thân Hồ Chí Minh là con người cách mạng của hành động và luôn có sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn. Vì vậy, phải tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm những tư liệu về Hồ Chí Minh để phục vụ cho công tác nghiên cứu tư tưởng của Người. Bên cạnh các tập tài liệu, các công trình lớn do Đảng và Nhà nước ta trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm, biên soạn như bộ Hồ Chí Minh- biên niên tiểu sử 10 tập do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành từ 1993 đến 1996 và bộ Hồ Chí Minh, Toàn tập, 12 tập cũng do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành vào các năm 1995-1996, 2000 và 2002, còn có nhiều công trình khác do một số cơ quan, tổ chức, cá nhân tìm kiếm, tập hợp, biên soạn cùng rất nhiều bài viết khác phân tích, nghiên cứu những nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh hoặc cung cấp những thông tin, tư liệu về Người. Mặc dù vậy, nguồn tư liệu về Hồ Chí Minh chưa hoàn toàn là đầy đủ. Đến nay, nhiều giai đoạn hoạt động của Hồ Chí Minh ở nước ngoài vẫn chưa có đủ tư liệu làm rõ, hoặc nhiều tư liệu khác về Người chưa được nghiên cứu, chứng minh tính xác thực. Về hướng này cần tiếp tục tìm kiếm, xác định nguồn tư liệu về Hồ Chí Minh ở các kho tư liệu trong cũng như ngoài nước và các nguồn khác. Nếu cần thiết có thể thành lập một cơ quan quốc gia có thẩm quyền chịu trách nhiệm trong thu thập, thẩm định, chứng minh các nguồn tư liệu về Hồ Chí Minh một cách trung thực, chính xác, khách quan.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và vận dụng trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay pot (Trang 73 - 78)