Quan điểm toàn diện, đầy đủ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và vận dụng trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay pot (Trang 67 - 70)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ là hệ thống lý luận toàn diện và đầy đủ về vấn đề cán bộ và công tác cán bộ. Mặt khác là nhà cách mạng với tầm nhìn chiến lược thiên tài, Hồ Chí Minh luôn xem xét, đánh giá, giải quyết vấn đề một cách toàn diện trong mối quan hệ biện chứng với nhau, thể hiện tính toàn cục, tránh được những hấp tấp, chủ quan, võ đoán, phiến diện, cục bộ mà vẫn luôn cụ thể, rõ ràng. Vì vậy vấn đề cán bộ và công tác cán bộ cũng luôn được Người đặt ra, giải quyết trong mối quan hệ tổng thể ấy. Do đó, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức phải quán triệt quan điểm toàn diện, đầy đủ, gắn hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức với tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nói chung và phù hợp với các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội.

Muốn hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức phải xuất phát từ yêu cầu xây dựng, phát triển hệ thống pháp luật nói chung; đó là: "Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch…" như khẳng định trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Điều đó đòi hỏi phải đặt pháp luật về cán bộ, công chức trong tính đồng bộ toàn diện của hệ thống pháp luật nói chung. Việc hoàn thiện đó phải có lộ trình thích hợp bảo đảm từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực, thực sự là công bộc của nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam.

Muốn cho hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức sớm được hoàn thiện, cần phải đặt nó nằm trong tính tổng thể của hệ thống pháp luật nói chung, phải biết cách phát huy những thành tựu xây dựng pháp luật trước đây, đặc biệt là trong 20 năm đổi mới vừa qua; đồng thời phải biết khắc phục những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, trong đó có pháp luật về cán bộ, công chức.

Hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức phải được tiến hành đồng bộ với ngay chính các quy định của pháp luật cán bộ, công chức; đó là các quy định pháp

luật về công chức, pháp luật về cán bộ, pháp luật về viên chức để tạo thành hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức một cách đầy đủ, toàn diện, vừa thống nhất, vừa có sự phân biệt cụ thể; để từ đó xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng cán bộ, công chức cụ thể, đồng thời tránh được những giải pháp tình thế đã được áp dụng quá lâu, đã bộc lộ sự bất hợp lý mà không được thay đổi kịp thời, gây lúng túng kéo dài trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Phải:

Đổi mới căn bản công tác cán bộ phù hợp với chế độ mới.

Phân định rõ cán bộ dân cử hoạt động theo nhiệm kỳ và các loại công chức, viên chức chuyên nghiệp.

Xây dựng quy chế công chức, viên chức trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước, hoạt động sự nghiệp, sản xuất- kinh doanh, nhằm hình thành đội ngũ cán bộ chuyên môn có phẩm chất, có kiến thức, thành thạo nghề nghiệp, nắm vững pháp luật [16, tr.44].

Đặc biệt, hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức phải gắn liền với việc hoàn thiện pháp luật về công vụ, bảo đảm tính ổn định của hoạt động công vụ; vì cán bộ, công chức có liên quan mật thiết với hoạt động công vụ, trong điều kiện nước ta, hoạt động công vụ lại chưa có sự phân định rõ ràng với các dạng hoạt động lao động khác, cũng như hoạt động lao động trong các cơ quan, tổ chức của toàn hệ thống chính trị.

Hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức phải trên cơ sở những điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta cũng như xu thế của thời đại. Pháp luật về cán bộ, công chức nói riêng, cũng như toàn bộ hệ thống pháp luật nói chung luôn chịu sự chi phối, ràng buộc bởi các điều kiện lịch sử cụ thể về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội. Muốn tiến tới sự hoàn thiện, phát huy tính hiệu quả thông qua sự thúc đẩy của xã hội nói chung, pháp luật cán bộ, công chức phải được hình thành trên cơ sở giải quyết đúng yêu cầu của các điều kiện xã hội cụ thể.

Trong điều kiện ngày nay, hội nhập quốc tế trở thành nhân tố quan trọng chi phối sự phát triển của mỗi quốc gia, nên cần phải tham khảo, học tập những cái hay, cái tốt, cái tiến bộ trong kinh nghiệm của các nước trên thế giới, khi đó mới bảo đảm tính thời đại của hệ thống pháp luật nói chung.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và vận dụng trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay pot (Trang 67 - 70)