Hồ Chí Minh sớm ý thức được rằng "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", và "dốt thì dại, dại thì hèn". Do đó, người yêu cầu mọi người phải luôn cố gắng phấn đấu học tập, nhất là đối với đội ngũ cán bộ. Vì vậy, trong công tác cán bộ, Hồ Chí Minh rất coi trọng việc huấn luyện cán bộ. Người coi: "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng" [43, tr.269]; đây là khâu có ý nghĩa quyết định đến trình độ và chất lượng của cán bộ; vì vậy, trong di sản Người để lại, tư tưởng về huấn luyện cán bộ giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Với công tác này, Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở những bài nói, bài viết hay những chỉ thị, mà Người còn trực tiếp mở các lớp huấn luyện cán bộ, và đích thân Người cũng tham gia giảng dạy, chỉ dẫn công việc về giảng dạy ở nhiều trường, lớp huấn luyện cán bộ.
Trước hết, theo Hồ Chí Minh, huấn luyện cán bộ là một khái niệm rộng, có nội dung vừa giảng dạy, vừa hướng dẫn luyện tập; vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ là hết sức phong phú: từ mục đích đến yêu cầu huấn luyện, từ nội dung đến phương pháp huấn luyện, từ chủ thể đến đối tượng huấn luyện…
- Về chủ thể huấn luyện: Hồ Chí Minh cho rằng không phải ai cũng tiến hành huấn luyện được. Trước hết cần xác định đó là một nghề, nên cần phải có sự thông thạo nghề, đòi hỏi người huấn luyện phải nắm rõ phương pháp, đối tượng, nội dung và tài liệu huấn luyện; đồng thời phải đạt được những tiêu chuẩn cơ bản nhất định:
+ Về tư tưởng phải thông suốt, kiên định, nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
+ Về đạo đức phải là một tấm gương sáng với những đức tính tốt của người cán bộ cách mạng;
+ Có lề lối làm việc nghiêm túc, khoa học, biết sắp xếp thời gian cho từng bài học một cách thích hợp với từng loại đối tượng.
- Về đối tượng huấn luyện: Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi người học phải tự trả lời cho được câu hỏi "học để làm gì", phải có tinh thần lấy tự học làm cốt, và tự động học tập. Trong học tập phải chú trọng tu dưỡng đạo đức cách mạng, coi đó vừa là biện pháp, vừa là mục đích của học tập "Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng: có đạo đức cách mạng thì mới hy sinh tận tụy với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng, đưa cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn" [44, tr.50].
- Về mục đích: Huấn luyện cán bộ là nhằm tạo ra mẫu người mà xã hội và thời đại cần; đó là những con người phải biết đặt lợi ích chung của cả nước lên trên lợi ích của cá nhân mình, những con người biết trung với nước, hiếu với dân, biết yêu thương con người, có nghĩa tình, biết cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, vừa có đức, vừa có tài, có niềm tin vào lý tưởng. Mục đích của học tập không phải chỉ lấy bằng cấp, mà phải theo đúng nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn: "Các ngành công tác như là người tiêu thụ hàng. Ban huấn luyện như là người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với yêu cầu của người tiêu thụ. Nếu người ta cần nhiều xe mà mình làm ra nhiều bình thì hàng ế" [44, tr.48].
- Về yêu cầu của huấn luyện: Do là công việc rất khó, nên đòi hỏi phải có sự nỗ lực của cả người huấn luyện và người học, để huấn luyện sao có hiệu quả cao và thiết thực: "Mở lớp nào cho ra lớp ấy. Lựa chọn người dạy và người đến học cho cẩn thận. Đừng mở lớp lung tung" [44, tr.52]. Đòi hỏi học phải đi đôi với hành, lý luận phải gắn liền với thực tiễn, vì: "Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thì hay bị mù quáng" [43, tr.417], và: "Thực tiễn không có lý
luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông" [46, tr.496].
- Về phương pháp huấn luyện: Theo Hồ Chí Minh cần phải kết hợp giữa chính quy với không chính quy, giữa học tập trung với tự học. Cần phải xác định học tập là công việc suốt đời, học bằng nhiều cách và học ở nhiều nơi: "Học trong sách báo, học trong công tác, học với anh em, học hỏi quần chúng" [45, tr.83].
- Về nội dung huấn luyện phải mang tính toàn diện, phong phú:
+ Huấn luyện lý luận chính trị là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài và phải được tiến hành thường xuyên. Huấn luyện lý luận phải liên hệ với thực tế, tránh huấn luyện lý luận suông; phải chú trọng cả thời sự và văn hóa.
+ Huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ sao cho mỗi cán bộ phải biết một nghề, làm việc gì thì học việc ấy, làm nghề gì phải thạo nghề ấy, và nhất là phải đáp ứng được đúng nhu cầu của xã hội: "Huấn luyện cán bộ là cốt để cung cấp cán bộ cho các ngành công tác" [44, tr.48].
+ Huấn luyện văn hóa với nội dung là những kiến thức văn hóa thông thường, nhưng cần phải phong phú, và phải luôn lưu ý: "Theo trình độ văn hóa cao hay thấp mà đặt lớp chứ không theo cấp bậc cao hay thấp" [43, tr.271].
- Về tài liệu huấn luyện: Đây là vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng quyết định tới chất lượng huấn luyện. Những tài liệu đó phải được xem xét, lựa chọn một cách kỹ càng; phải chú ý tới mức độ phù hợp của tài liệu với trình độ của đối tượng. Phải chú trọng những tài liệu về chủ nghĩa Mác-Lênin làm gốc; ngoài ra còn là các văn bản của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể; phải đưa vào những tài liệu cần thiết khác: "Đó là những kinh nghiệm do những người đi học mang đến, kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại. Những kinh nghiệm đó đem trao đổi, gom góp lại tức là những bài học quý, không phải cứ chờ đồng chí cấp trên đến nói chuyện thì mới là bài, là học" [44, tr.49].
Tài liệu là yếu tố không thể thiếu trong huấn luyện cán bộ. Nhưng sử dụng tài liệu đến mức nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian, đối tượng, địa bàn, … và tài liệu chỉ là một yếu tố, trong quá trình huấn luyện phải kết hợp tài liệu với các yếu tố khác như tổ chức, phương pháp…