Người cán bộ phải có tư cách đạo đức cách mạng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và vận dụng trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay pot (Trang 36 - 38)

Làm cách mạng với khát vọng giải phóng dân tộc, điều mà Hồ Chí Minh quan tâm trước hết ở người cán bộ cách mạng là vấn đề đạo đức. Người cho rằng, đạo đức chính là cái gốc quan trọng hàng đầu của người cách mạng "Người cách mạng phải có đức, không có đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"[43, tr.252]. Đối với người cán bộ, nếu thiếu hoặc yếu về đạo đức cách mạng thì không thể làm tốt những công việc được giao. Đạo đức là hết sức cần thiết cho tất cả mọi

người, và đặc biệt cần thiết cho người cán bộ. "Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang "[47, tr.283]. Người đòi hỏi cán bộ phải giữ được đạo đức cách mạng, đó mới là người cán bộ chân chính. Chỉ khi có đầy đủ đạo đức cách mạng thì cán bộ mới có đủ điều kiện làm cách mạng. "Muốn giải phóng dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì"[43, tr.253].

Nội dung đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện một cách dễ hiểu, thiết thực nhưng cũng đầy đủ và toàn diện. Tiêu chí đạo đức người cán bộ cách mạng được Hồ Chí Minh chỉ ra hết sức cụ thể, đó là nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm; mỗi người cán bộ phải hội đủ các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Hồ Chí Minh so sánh bốn đức cần, kiệm, liêm, chính của người cán bộ cách mạng như bốn mùa xuân, hạ, thu, đông của trời, như bốn phương đông, nam, tây, bắc của đất, mà thiếu một đức đó thì không thành người, cũng như thiếu một mùa không thành trời, thiếu một phương không thành đất. Người đòi hỏi người cán bộ phải giữ bốn đức đó để không trở nên hủ bại, không biến thành sâu mọt của nhân dân, mà phải là công bộc của nhân dân. Người cách mạng bước vào vị thế người cán bộ không phải để làm quan cách mạng hay cầu mong lợi lộc, mà phải hiểu rằng cán bộ trong các cơ quan từ trung ương đến địa phương đều là công bộc của dân, gánh vác công việc chung cho nhân dân, chứ không phải để đè đầu cưỡi cổ dân, phải là người lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ.

Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng đạo đức cách mạng đòi hỏi người cán bộ phải trung thành với Đảng, trung thành với Tổ quốc, đồng thời đặt mình trong mối quan hệ với chính mình, với đồng đội, với công việc, với nhân dân, với đoàn thể một cách hài hòa.

Bên cạnh việc chỉ ra những tiêu chí đạo đức người cán bộ cách mạng, Hồ Chí Minh còn chỉ ra những căn bệnh mà cán bộ phải phòng tránh, sửa chữa. Đó là óc địa phương chủ nghĩa, bè phái, quân phiệt, hẹp hòi, chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, lãng phí….

Về con đường hình thành đạo đức người cán bộ, Hồ Chí Minh cho rằng vấn đề là phải tự bản thân mỗi người cán bộ rèn luyện thường xuyên, hàng ngày. "Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong"[47, tr.293].

Như vậy, vấn đề đạo đức được Hồ Chí Minh coi là cái nền, cái gốc của người cán bộ cách mạng. Tư tưởng ấy của Hồ Chí Minh trước sau cơ bản là nhất quán, thể hiện ở mấy điểm: Trung với nước, hiếu với dân, người cán bộ phải là đầy tớ của nhân dân, dũng cảm hy sinh, không sợ khó khăn, gian khổ, gạt bỏ lợi ích cá nhân để phục tùng lợi ích tập thể, khiêm tốn học hỏi, không tự cao, tự đại, cần kiệm liêm chính và tinh thần đoàn kết hữu nghị.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và vận dụng trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay pot (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)