Cháy bỏng khát vọng độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, khâm phục các cuộc khởi nghĩa và các phong trào yêu nước do các bậc tiền bối lãnh đạo nhưng không nhất trí với phương pháp và các cách đi đó, Hồ Chí Minh đã tìm cách ra nước ngoài với cuộc hành trình qua nhiều quốc gia với nhiều gian nan, thử thách. Trên hành trình ấy, Người luôn tìm tòi, miệt mài vừa học vừa làm. Trước các vấn đề của cuộc sống, Người "luôn đặt câu hỏi "tại sao?", và cố gắng tìm lời giải đáp từ trong chính thực tiễn cuộc sống" [52, tr.26]. Từ đó, Người phân biệt được bạn, thù, cơ sở quan trọng cho tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục cán bộ sau này.
Năm 1919, tại Pháp, Hồ Chí Minh gia nhập Đảng Xã hội Pháp để rèn luyện cách hoạt động theo con đường của tổ chức. Người thành lập Hội Người Việt Nam yêu nước nhằm biến cộng đồng người Việt Nam tại Pháp thành một lực lượng hữu ích chống lại chế độ thuộc địa của Pháp tại Việt Nam. Đồng thời, Người còn liên hệ với các thành viên của các nhóm ngoại kiều khác tại Pa-ri. Có thể coi đây là một sự thể nghiệm đầu tiên của Hồ Chí Minh về vấn đề tổ chức con người, để từ đó tạo cơ sở cho việc hình thành tư tưởng về cán bộ sau này của Người. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh còn tham gia nhiều hoạt động báo chí, văn chương, dự các cuộc mít tinh, tham gia nhiều hội, mà theo lời Trần Dân Tiên thì qua đó, Hồ Chí Minh "muốn biết những nước ấy tổ chức và cai trị như thế nào. Ông Nguyễn bắt đầu tổ chức, hoặc đúng hơn là bắt đầu học tổ chức" [52, tr.29].
Mốc quan trọng đánh dấu quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ là từ năm 1920, khi bắt đầu tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin. Những quan điểm về cán bộ và công tác cán bộ của chủ nghĩa Mác-Lênin có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ; đó là những quan điểm về vị trí, vai trò của cán bộ, về tiêu chuẩn cán bộ, về huấn luyện, sử dụng, kiểm soát cán bộ,… Thời điểm đó, Hồ Chí Minh cũng trở thành một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và là người Cộng sản Việt Nam đầu tiên, thời điểm được coi là "Đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng, bước nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức, tư tưởng Hồ Chí Minh và lập trường chính trị của Người, trong đó có nhận thức về cán bộ và công tác cán bộ" [52, tr.40]. Một trong
những vấn đề bức xúc mà Hồ Chí Minh nhận thấy lúc ấy đối với cách mạng Việt Nam là cần phải có một bộ phận ưu tú những con người là đầu tầu, nòng cốt thúc đẩy và nắm lấy thời cơ cho cách mạng Việt Nam. Đội ngũ ấy sẽ có trách nhiệm thức tỉnh, tổ chức đoàn kết quần chúng, huấn luyện và đưa họ ra đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho chính mình. Vì thế, công việc đầu tiên là phải lựa chọn và huấn luyện cán bộ. Khi còn chưa có điều kiện tạo nguồn và đào tạo cán bộ trong nước, Hồ Chí Minh đã tổ chức ra các Hội ở nước ngoài để tạo cơ sở ban đầu. Người đã tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa Pháp năm 1921, tiến hành đào tạo một số cán bộ nòng cốt cho phong trào cách mạng các nước thuộc địa, bước đầu truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Hồ Chí Minh đề nghị Đảng Cộng sản Pháp cần bổ sung người bản xứ vào các phân bộ thuộc địa và tổ chức các nghiệp đoàn ở các nước thuộc địa. Khi dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Người đề xuất tăng cường lựa chọn, đào tạo cán bộ đối với các nước thuộc địa, và chỉ ra: "Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo" [39, tr.289].
Công việc đầu tiên của Hồ Chí Minh khi tới Trung Quốc cuối năm 1924 là tìm cách bắt mối liên lạc với tổ chức yêu nước của Phan Bội Châu mang tên Tâm Tâm xã và bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch mở lớp cán bộ đầu tiên cho cách mạng trong nước tại Quảng Châu. Nhờ nỗ lực của Người, trường Huấn luyện chính trị đã được tổ chức, để từ đây đội ngũ cán bộ nòng cốt đầu tiên cho cách mạng Việt Nam đã được hình thành. Sau một thời gian học tập, các học viên trưởng thành nhanh chóng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, được đưa về nước để xây dựng cơ sở, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo cách mạng. Tới giữa năm 1927, Hồ Chí Minh lựa chọn một số cán bộ gửi đi học tại Đại học Phương Đông ở Mát-xcơ-va và trường Quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu. Đồng thời trên cơ sở Tâm Tâm xã, Hồ Chí Minh sáng lập tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội vào tháng 6/1925- tổ chức tiền thân của Đảng sau này. Qua đó, những trí thức cách mạng vừa có điều kiện rèn luyện, phấn đấu, vừa góp phần tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Hồ Chí Minh không những chú trọng đào tạo cán bộ từ đội ngũ thanh niên, mà còn quan tâm đào tạo nguồn cán bộ từ những em thiếu niên nhằm chuẩn bị cho các em trở
thành những chiến sĩ cách mạng tương lai. Bằng những công việc cụ thể đó, Hồ Chí Minh đã có điều kiện thể nghiệm trên thực tế những nhận thức của mình, kiểm nghiệm lý luận đã tiếp thu trong thực tiễn, qua đó làm hoàn bị hơn lý luận của mình, đồng thời đào tạo cho cách mạng Việt Nam một lớp cán bộ nòng cốt rất quan trọng đầu tiên. Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ đã từng bước được hình thành, góp phần rất lớn vào công tác đào tạo cán bộ sau này.
Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập năm 1930, Hồ Chí Minh càng giành sự quan tâm nhiều hơn tới vấn đề cán bộ, đặc biệt là công tác đào tạo cán bộ. Người khẩn thiết đề nghị với Quốc tế Cộng sản cần tăng cường đào tạo cán bộ cho Việt Nam và các nước thuộc địa. Người cũng đề xuất biện pháp xuất bản những cuốn sách nhỏ để cán bộ nghiên cứu, học tập. Người chỉ đạo trong nước: "Đảng phải đấu tranh không nhân nhượng chống tư tưởng bè phái, và tổ chức học tập có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lênin để nâng cao trình độ văn hóa và lý luận cho các đảng viên. Phải giúp đỡ cán bộ không đảng phái nâng cao trình độ…" [41, tr.139].
Đặc biệt, đầu năm 1941, Hồ Chí Minh đã trực tiếp tổ chức lớp học và huấn luyện cho hơn 40 cán bộ cách mạng Việt Nam, chương trình và tài liệu huấn luyện do chính Người tổ chức biên soạn.
Tháng 5/1941, Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 của Đảng, đề ra nhiệm vụ bức thiết cho cách mạng Đông Dương là giải phóng dân tộc, đề xuất thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội, là mặt trận thống nhất đoàn kết rộng rãi toàn dân tộc. Ngay sau đó, Người mở lớp huấn luyện chính trị- quân sự ngắn hạn cho cán bộ tại Cao Bằng và chỉ đạo tổ chức nhiều lớp huấn luyện cán bộ khác, đồng thời trực tiếp giảng dạy hoặc nói chuyện thời sự cho các học viên tại các lớp này.
Cuối năm 1944, Hồ Chí Minh trao đổi với Võ Nguyên Giáp về chuẩn bị chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, mà một trong những nhiệm vụ của đội là tập trung huấn luyện cán bộ với phương pháp là chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến. Khi về tới Tân Trào vào tháng 5/1945, Người chỉ thị khẩn trương thành lập trường đào tạo cán bộ mang tên Trường Quân
chính kháng Nhật, và căn dặn: "Lúc nào cũng phải chú ý xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và các phần tử trung kiên" [35, tr.256].
Toàn bộ những hoạt động tích cực kể trên của Hồ Chí Minh trước Cách mạng tháng Tám 1945 đã góp phần hết sức quan trọng vào việc xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ ban đầu cho cách mạng Việt Nam. Chính lực lượng ấy đã trở thành một trong những nhân tố nòng cốt quyết định thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945. Cũng chính từ quá trình đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam đã được hình thành ngày càng rõ nét. Đây cũng được coi là giai đoạn tìm tòi, khảo sát và thể nghiệm thành công bước đầu của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ nói riêng, tạo tiền đề lý luận và thực tiễn quan trọng cho việc hoàn thiện tư tưởng của Người sau này.