Quan điểm khách quan, khoa học

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và vận dụng trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay pot (Trang 64 - 67)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ là sự tiếp thu, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo tư tưởng, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về cán bộ vào hoàn cảnh cụ thể nước ta; nó luôn bám sát thực tiễn, được thực tiễn kiểm nghiệm. Những tư tưởng đó không chỉ có ý nghĩa chỉ đạo giải quyết các vấn đề cán bộ và công tác cán bộ cụ thể đương thời khi Hồ Chí Minh còn sống, mà nó còn vượt thời gian, thích ứng với hiện tại và tương lai; đó là do Hồ Chí Minh nắm bắt được bản chất và quy luật của vấn đề. Vì thế, chính thực tiễn cách mạng Việt Nam, mà trực tiếp nhất là yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh trong một thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đòi hỏi phải vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh; và tư tưởng ấy đang từng bước dẫn đường cho thực tiễn phát triển.

Tuy nhiên, tính dự báo, tính thời sự trong tư tưởng Hồ Chí Minh không có nghĩa là đưa nó ra sao chép y nguyên trong vận dụng ở hiện tại một cách cứng nhắc, giáo điều; mà ở chỗ đó là kim chỉ nam, là nền tảng tư tưởng cho công tác cán bộ trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay. Điều đó đòi hỏi việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức phải có quan điểm khách quan, khoa học.

Ngay từ rất sớm, khi còn chưa có chính quyền nhà nước, Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ và công tác cán bộ, coi đó là "cái gốc của mọi công việc", là cơ sở và tiền đề để mở ra sự thành công hay thất bại của cách mạng. Nhưng khi chưa giành được chính quyền thì vấn đề cán bộ trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là hệ thống thể chế pháp luật về cán bộ, mà chủ yếu là ở việc lựa chọn, tạo dựng và đào tạo nguồn cán bộ, từ đó tìm cách gây dựng nguồn vốn cán bộ ban đầu cho sự nghiệp cách mạng, để từ nguồn vốn ấy tạo cơ sở cho việc làm ra nguồn lãi lớn hơn sau này. Khi cách mạng thành công, giành được chính quyền nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ được thể hiện trong một điều kiện mới, vấn đề cán bộ

và công tác cán bộ được đặt ra xem xét trên một bình diện rộng hơn, toàn diện hơn. Lúc đó, người cán bộ đã là đại diện cho nhân dân nắm chính quyền nhà nước, vì vậy vấn đề cán bộ và công tác cán bộ được mở rộng ra. Đặc biệt trong điều kiện gắn với tư tưởng về nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Nhà nước lấy pháp luật làm công cụ chủ yếu để điều hành, quản lý đất nước đã được hình thành từ rất sớm, đến khi có cơ hội được thể nghiệm, thực thi trong thực tế, thì vấn đề cán bộ trong tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi cũng phải được chuyển hướng, không đơn thuần là tạo nguồn và sử dụng cán bộ nữa, mà phải được đặt ở yêu cầu cao hơn, đó là một hệ thống thể chế pháp luật về cán bộ, công chức, coi đó như điều tất yếu cần thiết phải làm. Vì vậy, sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, dù phải đương đầu đối phó với tình hình hết sức phức tạp, gay go của cuộc kháng chiến trường kỳ, cũng như tính phức tạp, chưa có hệ thống phân loại hay tiêu chí cụ thể về đội ngũ cán bộ cách mạng; nhưng ý thức được tầm quan trọng của thể chế pháp luật cán bộ, công chức, Hồ Chí Minh trên cương vị Chủ tịch nước đã trực tiếp ký một số sắc lệnh về cán bộ, công chức đầu tiên của Nhà nước ta: Sắc lệnh số 188-SL ngày 09/5/1948 ban hành thang lương công chức nhà nước, Sắc lệnh số 76-SL ngày 20/5/1950 ban hành Quy chế công chức Việt Nam, Sắc lệnh số 77-SL ngày 22/5/1950 về chế độ công nhân giúp việc Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến.

Những điều trên chứng tỏ lý luận về cán bộ trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là sự bất biến cứng nhắc, mà trên cơ sở tư tưởng, quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh luôn có sự vận dụng linh hoạt thích ứng với đòi hỏi khách quan của từng thời kỳ lịch sử cụ thể một cách khoa học.

Vì vậy, ngày nay tiến hành hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh không có nghĩa là một sự vận dụng dập khuôn, giáo điều, máy móc và cứng nhắc, mà phải là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, gắn lý luận về cán bộ trong tư tưởng Hồ Chí Minh với đòi hỏi thực tiễn hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức phù hợp với điều kiện hiện nay. Có như vậy mới giải quyết được những vấn đề cấp bách đang đặt ra hiện nay trong hoàn thiện thể chế pháp luật cán bộ, công chức là nhằm sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức một cách có hiệu quả cao nhất, để đội ngũ

cán bộ, công chức thực sự vừa có đức, vừa có tài, vừa hồng, vừa chuyên, là công bộc của nhân dân.

Để có đội ngũ cán bộ, công chức thực sự trong sạch, vững mạnh, có đủ phẩm chất, năng lực, thì phải tiến hành hoàn thiện hệ thống pháp luật cán bộ, công chức, "Phải xây dựng và ban hành văn bản pháp quy về chế độ công vụ, công chức" [10, tr.132] và "Xây dựng và hoàn thiện về tổ chức, cán bộ và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của cải cách hành chính nhà nước"; "Ban hành luật về công chức, công vụ; xác định rõ cơ quan, công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Xây dựng đạo đức tiêu chuẩn nghề nghiệp cho từng loại cán bộ, công chức và hệ thống tiêu chuẩn đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức" như trong Nghị quyết số 48NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 của Bộ Chính trị khóa IX đã đề ra. Việc hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải xuất phát từ mục đích, yêu cầu của công cuộc cải cách nền hành chính, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; phải xác định rõ các tiêu chuẩn về trình độ, năng lực với cơ chế tuyển dụng rõ ràng, công bằng, dân chủ và khoa học nhằm tuyển chọn được đúng những người có khả năng hoàn thành tốt những nhiệm vụ, công vụ, đồng thời khuyến khích được sự phát huy tài năng, sáng tạo cũng như đề cao tinh thần kỷ luật, đạo đức chức nghiệp, tận tụy phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.

Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức trong điều kiện hiện nay phải bảo đảm các yêu cầu sau:

+ Bảo đảm Nhà nước ta phải thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân;

+ Bảo đảm hệ thống thể chế hướng tới xây dựng Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, nhà nước pháp quyền XHCN không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động;

+ Giữ vững và tăng cường hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Sự phù hợp của tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ với thực tiễn hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, xây dựng thể chế về tiêu chuẩn cán bộ, công chức trong tình hình mới. Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về tiêu chuẩn cán bộ, xây dựng thể chế về tiêu chuẩn cán bộ, công chức trong thời kỳ mới. Những tiêu chuẩn đó không chỉ dừng lại ở một cái "khung" nhất định, mà đòi hỏi phải được kiểm nghiệm qua thực tiễn trong thời kỳ đổi mới.

Pháp luật cán bộ, công chức phải bảo đảm xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn cụ thể của từng loại cán bộ, công chức cán bộ, công chức phải có cả đức và tài, trong đó đức là gốc, nhưng cũng phải hết sức coi trọng tài. Đây là vấn đề khó; nhưng điều quan trọng nhất là mọi tiêu chuẩn phải hướng tới tính hiệu quả trong công việc của cán bộ, công chức, phải dựa trên cơ sở lấy hiệu quả công tác làm thước đo chủ yếu.

Thứ hai, phải xây dựng hệ thống thể chế về chính sách cán bộ. Gắn kết tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ với đòi hỏi thực tiễn hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức thể hiện ở tất cả các khâu, qua đó thấy được tính thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, nhưng phải gắn với sự linh hoạt, sáng tạo và tinh thần đổi mới. Đó chính là sự nâng lên tầm cao tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ trong tình hình mới, mà trước hết là sự dân chủ hóa công tác cán bộ, theo tinh thần mà Hồ Chí Minh đã vạch ra là: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân" [43, tr.299]. Tiếp đó là thể hiện trong các quy định về quản lý, đánh giá, luân chuyển, sử dụng cán bộ, công chức, chính sách đối với cán bộ, công chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức… làm sao bảo đảm cán bộ, công chức thực sự là công bộc của nhân dân.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và vận dụng trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay pot (Trang 64 - 67)