Xuất phát từ yêu cầu đổi mới kinh tế, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và vận dụng trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay pot (Trang 60 - 64)

quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Chúng ta chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Điều đó đặt ra yêu cầu khách quan là phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực thích ứng với nó. Muốn vậy, phải quan tâm hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ.

2.1.3.1.Hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh để đáp ứng yêu cầu của đổi mới kinh tế

Hồ Chí Minh coi cán bộ là công bộc của nhân dân, là người đầy tớ của nhân dân, theo đó đòi hỏi người cán bộ phải biết lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ, phải tâm niệm trong mình lý tưởng suốt đời phấn đấu vì lợi ích nhân dân. Muốn làm được như vậy, người cán bộ không chỉ đơn thuần có cái tâm và phẩm chất đạo đức chính trị là đủ, mà đòi hỏi phải có cả trí tuệ, năng lực thực hành, biết xắn tay xốc vác mọi công việc một cách có hiệu quả, như thế mới có thể đem lại được hạnh phúc cho nhân dân; trong đó kết quả đầu tiên, trước hết có thể thấy được một cách rõ ràng nhất, là cơ sở tiền đề cho những cái khác, đó là hiệu quả kinh tế của công việc, mà ở tầm vĩ mô một cách tổng quát là một nền kinh tế ở trình độ phát triển cao.

Nước ta đã trải qua một thời kỳ dài sử dụng cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp và hành chính mệnh lệnh trong quản lý kinh tế. Tình trạng ấy kéo dài đã dẫn đến những tác động tiêu cực cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước; ở một khía cạnh khác, nó tạo ra một bộ máy quản lý cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian,

kém hiệu lực và hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức quá đông đảo về số lượng, nhưng trình độ, năng lực còn nhiều hạn chế; chúng ta còn rất thiếu những cán bộ, công chức thực sự có năng lực, trình độ ở tầm chuyên gia, giỏi về quản lý, nhất là quản lý kinh tế; đó là chưa kể một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức sa sút, biến chất về phẩm chất đạo đức chính trị. Điều đó cũng làm cho đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, mà điểm nhìn thấy rõ nhất, trước tiên là sự nghèo nàn, lạc hậu về kinh tế; trái với mong muốn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh" [49, tr.512].

Khi nước ta bước vào thời kỳ mở cửa, đổi mới (1986), rồi tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế phát triển hiện đại, làm tiền đề, cơ sở cho những đổi mới tiếp theo; vai trò của Nhà nước có sự thay đổi căn bản trong điều kiện chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN gắn với quản lý của Nhà nước. Nhiệm vụ nặng nề, khó khăn và phức tạp đó đòi hỏi trước hết phải có sự quyết tâm cao của Nhà nước, nên cần phải xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ, công chức ngang tầm, làm đầu tầu, tiên phong cho tiến trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thích ứng với đòi hỏi đó, phải có một hệ thống cơ chế, chính sách và pháp luật kinh tế cho phù hợp, đồng thời phải có được một đội ngũ cán bộ, công chức ngang tầm, được đào tạo, bồi dưỡng toàn diện với đầy đủ các phẩm chất đạo đức chính trị cũng như năng lực chuyên môn, có kiến thức quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội, am hiểu pháp luật. Như vậy, cán bộ, công chức mới trở thành nhân tố quyết định cho sự thành công của công cuộc đổi mới. Từ những bài học chủ yếu trong đổi mới, mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996) đã chỉ ra, trong đó có bài học "Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị" [10, tr.71]; và Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 3 khóa VIII (1997) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: "Đòi hỏi Đảng ta phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ ngang tầm" [16, tr.66].

Những phân tích trên đây chính là những cơ sở tư tưởng, lý luận, yêu cầu kinh tế và định hướng chính trị cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngang tầm, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới kinh tế đất nước. Và để hình thành, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, làm đầu tầu cho tiến trình đổi mới thì trước hết phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật về cán bộ, công chức, cũng là tạo hành lang pháp lý cho mọi hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời đó còn là công cụ khách quan cần thiết cho việc tuyển chọn, sử dụng, quản lý và kiểm soát đối với cán bộ, công chức.

2.1.3.2.Hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh để đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Tư duy đổi mới của Đảng đưa ra yêu cầu lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, nhưng cũng phải đồng thời từng bước đổi mới hệ thống chính trị, với mục tiêu mà Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa VII (1995) đề ra là: "Xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước vững mạnh, trong sạch, có hiệu lực và hiệu quả, bài trừ quan liêu, tham nhũng…" [14, tr.23]. Trong cải cách bộ máy nhà nước, Đảng xác định trọng tâm là cải cách nền hành chính. Tiến trình cải cách ấy phải được gắn với chiến lược cán bộ, công chức, coi đây là lực lượng nòng cốt đi tiên phong; vì vậy mà đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những nội dung của chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 theo Quyết định 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình thực hiện cải cách bộ máy nhà nước nói chung và cải cách hành chính nói riêng, cần phải chú trọng cuộc đấu tranh chống quan liêu tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực ngay trong chính đội ngũ cán bộ, công chức; phải xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, tạo tiền đề quan trọng về con người cho cải cách thắng lợi. Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức là điều hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay. Đó là những quy định về kiện toàn bộ máy nhà nước; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, vị trí và vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức; trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động công vụ cùng

các quy định về chế độ, chính sách, các bảo đảm điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức cũng như những quy định về kiểm soát, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm làm trong sạch bộ máy nhà nước, tăng cường kỷ cương pháp luật, xây dựng thể chế bộ máy nhà nước chính quy, hiện đại cùng với đội ngũ cán bộ, công chức năng động, trong sạch, tận tụy phục vụ nhân dân.

Có được hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức hoàn chỉnh là điều kiện quan trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; để nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức lên ngang tầm nhiệm vụ, nó trực tiếp tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của cán bộ, công chức, cũng như thiết lập kỷ cương pháp chế, giúp cho việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; đồng thời nó còn có vai trò đắc lực trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm tính dân chủ, bình đẳng trong quan hệ giữa Nhà nước và công dân; làm cho tổ chức và hoạt động của Nhà nước thực sự nhằm tới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Vì vậy, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức không chỉ là điều kiện xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất năng lực cần thiết, là tiền đề xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ổn định, hoạt động có hiệu quả, góp phần to lớn vào cải cách bộ máy nhà nước nói chung, mà còn là yếu tố quan trọng để hướng tới một Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, với đội ngũ cán bộ, công chức "là công bộc của dân".

Mặt khác, trong nhiều nghị quyết của Đảng cũng như văn bản pháp luật của Nhà nước ta đã khẳng định quyết tâm chính trị xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Với nhà nước pháp quyền đòi hỏi trước hết là phải có một hệ thống pháp luật thống nhất và đầy đủ, ở đó Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật là chủ yếu, và bản thân Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước phải tự đặt mình trong khuôn khổ pháp luật trước tiên. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ, công chức cần phải được hoàn thiện thông qua hệ thống pháp luật, lấy pháp luật làm cơ sở tiến hành các hoạt động nhiệm vụ, công vụ của mình.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và vận dụng trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay pot (Trang 60 - 64)