Quan điểm kế thừa, phát triển

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và vận dụng trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay pot (Trang 70 - 73)

Như trên đã phân tích, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ được hình thành từ rất sớm, và tùy từng giai đoạn cụ thể trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Người dần được hoàn thiện, mà lúc đầu là tư tưởng về hình thành, tạo nguồn cán bộ, sau đó tiến tới việc xây dựng hệ thống thể chế pháp luật về cán bộ, công chức phù hợp với từng điều kiện lịch sử cụ thể. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh, nhiều vấn đề trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ đã được hình thành rõ nét, nhưng chưa có đủ điều kiện thực thi, nhất là việc thể chế hóa thành pháp luật, hoặc có những lúc, có vấn đề đã được chuyển tải thành quy định của pháp luật, nhưng do điều kiện chiến tranh và nhiều nguyên nhân khác, những quy định đó chưa hoặc ít được thực thi trên thực tế. Mặc dù vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ vẫn luôn mang tính thời sự, được xác định là kim chỉ nam, nền tảng tư tưởng cho việc hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay.

Thực tế cách mạng Việt Nam hơn 70 năm qua luôn là sự thể nghiệm và kiểm chứng cho tính đúng đắn, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ. Cho dù có thời gian dài, kể cả tới hiện nay, vấn đề cán bộ, công chức chưa được xây dựng thành một hệ thống pháp luật hoàn thiện, thì tinh thần tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn luôn được thể hiện rõ nét trong tất cả các vấn đề về cán bộ, công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị nước ta. Chính điều đó đã góp phần quan trọng vào mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì vậy mà ngày nay, khi vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở nước ta tất yếu phải kế thừa những ưu điểm của chế độ cán bộ, công chức truyền thống, đồng thời có tham khảo, chọn lọc những thành tựu của khoa học quản lý nhân sự các nước trên thế giới, nhằm phát triển những giá trị đó cho thích ứng, phù hợp với điều kiện hiện tại của nước ta, cũng là nâng tư tưởng Hồ Chí

Minh về cán bộ lên tầm cao thời đại mới, được thể hiện ở việc hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật cán bộ, công chức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay.

Thể chế pháp luật cán bộ, công chức là bộ phận cấu thành quan trọng của nền hành chính và thể chế bộ máy nhà nước. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước phải dựa trên cơ sở pháp lý là quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Nhưng không phải tự nhiên là có ngay được một hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức đầy đủ, hoàn thiện. Điều này đòi hỏi phải có cả một quá trình; trong quá trình ấy lại luôn cần có sự kế thừa những thành tựu của giai đoạn trước gắn với sự phát triển cho phù hợp với hiện tại.

Với Việt Nam, thể chế pháp luật cán bộ, công chức đã được Hồ Chí Minh đặt nền móng, tiền đề từ rất sớm. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền nhà nước, tư tưởng ấy đã hình thành, thể hiện ở việc Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức hoặc chỉ đạo thực hiện việc tuyển chọn, huấn luyện đội ngũ cán bộ ban đầu cho cách mạng; để ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, dưới sự chỉ đạo của Người, đội ngũ cán bộ được Người chuẩn bị từ trước đã nhanh chóng trở thành lực lượng nòng cốt trong bộ máy nhà nước non trẻ. Ngày 09/5/1948, Hồ Chí Minh với tư cách Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 188/SL về thiết lập chế độ công chức mới, và ngày 22/5/1950, Người lại ký Sắc lệnh số 76/SL ban hành Bản Quy chế công chức nhà nước Việt Nam. Có thể coi đó là những nền móng pháp lý đầu tiên cho việc hình thành thể chế pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam. Đặc biệt Bản Quy chế công chức Việt Nam kèm theo Sắc lệnh số 76/SL có rất nhiều ưu điểm, mang tính khoa học, dân chủ cùng nội dung hoàn chỉnh, phù hợp với nền công vụ, công chức hiện đại. Nội dung của Bản quy chế điều chỉnh toàn bộ các vấn đề về nghĩa vụ, quyền lợi, tổ chức quản lý, sử dụng, tuyển dụng, khen thưởng, hưu trí, kỷ luật đối với công chức, nhất là việc xác định rõ tính chất chuyên nghiệp trong công việc của công chức theo chế độ chức nghiệp, nhưng phải có nghĩa vụ phục vụ nhiệm vụ chính trị, trung thành với Chính phủ, đúng như Hồ Chí Minh đã xác định cán bộ, công chức là "công bộc của dân", "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến

các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật" [42, tr.56].

Từ sau năm 1954 cho tới tận thời điểm bắt đầu đổi mới (1986), do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức đã được ban hành khá nhiều, nhưng việc xác định phạm vi không được rõ ràng, được gom vào khái niệm chung chung là "cán bộ, công nhân viên nhà nước" với thành phần và nguồn gốc hình thành rất đa dạng, phong phú. Nhưng nhìn chung, còn mang tính chắp vá, tùy tiện, với trình độ chuyên môn nghiệp vụ không đồng đều, đội ngũ thiếu tính ổn định, tính chuyên nghiệp chưa cao. Mặc dù vậy, thể chế pháp luật cán bộ, công chức trong giai đoạn này cũng đã góp phần quan trọng vào việc hình thành đội ngũ cán bộ, công chức về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ mang tính lịch sử của giai đoạn đó, nhất là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dù chưa có sự phân loại một cách rõ ràng, khoa học về các đối tượng cán bộ, công chức, nhưng nhìn chung, chúng ta đã huy động được một lực lượng cán bộ, công chức đông đảo của nhiều ngành, nhiều cấp, của cả hệ thống chính trị, góp một nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cán bộ, công chức sau này, chúng ta phải tính đến điều kiện lịch sử đặc thù của nước ta, trong đó có tính đặc thù của đội ngũ cán bộ, công chức đông đảo trong cả hệ thống chính trị đã góp phần quan trọng vào những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nói chung, để xây dựng thể chế pháp luật cán bộ, công chức mới vừa bảo đảm yêu cầu của sự nghiệp đổi mới vừa phải tính đến những yếu tố lịch sử cụ thể.

Sau thời điểm bắt đầu đổi mới (1986), với chủ trương tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đất nước, trong đó có cải cách bộ máy nhà nước theo tinh thần kiên quyết sắp xếp lại tổ chức và tinh giản biên chế, làm cho bộ máy gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả; từ đó hệ thống pháp luật cán bộ, công chức cũng được chú ý, để đến ngày 25/5/1991, Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định 169/ HĐBT về công chức nhà nước; tiếp đó, dự án

Pháp lệnh Cán bộ, công chức được soạn thảo, và ngày 26/02/ 1998 chính thức được ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành hệ thống thể chế pháp luật cán bộ, công chức thống nhất. Pháp lệnh đã lần lượt được sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 2000 và năm 2003; cùng với đó là hệ thống các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành tiếp theo.

Điểm đáng lưu ý trong lịch sử thể chế pháp luật cán bộ, công chức nước ta là thừa nhận phạm vi đối tượng được coi là cán bộ, công chức rất rộng rãi, không chỉ gồm những người làm việc trong phạm vi các cơ quan, đơn vị của Nhà nước, mà trong toàn bộ hệ thống chính trị nói chung. Đó cũng là một tính đặc thù, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta trong từng thời kỳ.

Như vậy, lịch sử thể chế pháp luật cán bộ, công chức nước ta đã phát triển qua nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau, thích ứng với từng điều kiện cụ thể của mỗi thời kỳ, giai đoạn đó, tạo thành mạch phát triển liên tục cho tới ngày nay. Điều đó nói lên rằng hướng hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở nước ta luôn phải có sự kế thừa và phát triển từ những cái đã có, trong đó có cả việc tính đến những yếu tố, điều kiện của lịch sử cụ thể để hướng tới sự phát triển liên tục và toàn diện.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và vận dụng trong hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay pot (Trang 70 - 73)