Chú trọng và đánh giá rất cao vai trò của đạo đức đối với người cán bộ, Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi người cán bộ phải thường xuyên nâng cao trình độ, năng lực tổ chức thực hành để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ chỉ có đạo đức trong sáng cùng lòng nhiệt tình hăng hái sẵn sàng hy sinh thôi thì chưa đủ, mà còn phải có năng lực, trí tuệ, biết nhận thức và vận dụng đúng đắn những quy luật của tự nhiên và xã hội vào hoạt động thực tiễn của mình.
Năng lực đầu tiên mà Hồ Chí Minh đòi hỏi ở người cán bộ cách mạng là năng lực lãnh đạo, quản lý, là khả năng tổ chức động viên quần chúng thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì cán bộ chính là cầu nối, là người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ đến với nhân dân, nên đòi hỏi cán bộ phải có năng lực này, nếu không thì không xứng đáng là cán bộ cách mạng. Và để tuyên truyền thực hiện tốt được đường lối của Đảng và Nhà nước trong quần chúng, đòi hỏi cán bộ phải có năng lực thực hành dân chủ, nghĩa là phải có mối liên hệ mật thiết với quần chúng, tin ở quần chúng và học hỏi ở chính quần chúng, "Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân"[44, tr.88]; và phải cần có sự giúp
đỡ của dân, vì "Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên"[43, tr.293].
Theo Hồ Chí Minh, năng lực tổ chức thực hành của người cán bộ thể hiện ở những điểm là: quyết định vấn đề một cách cho đúng, tổ chức thi hành cho đúng và tổ chức kiểm soát cho đúng. Để quyết định vấn đề một cách cho đúng cần phải có năng lực, trí tuệ, nắm được thông tin và xử lý thông tin, đưa ra phương án để lựa chọn, quyết định.
Hồ Chí Minh cho rằng, năng lực tổ chức thực hành còn thể hiện ở chỗ phải biết: "Một là liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng. Hai là liên hợp người lãnh đạo với quần chúng" [43, tr.288].
* Mối quan hệ giữa đức và tài của người cán bộ trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Nhấn mạnh tiêu chuẩn đạo đức, coi đó là gốc của người cán bộ cách mạng, đồng thời Hồ Chí Minh cũng luôn đề cao tiêu chuẩn tài năng đối với người cán bộ, đòi hỏi cán bộ phải là những người “có gan phụ trách, có gan làm việc.” Phải có trí tuệ, có tài thì cán bộ mới lĩnh hội được đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, mới có trình độ và năng lực cần thiết để đảm nhiệm được những trọng trách được giao phó, mới đủ khả năng tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt phần việc do mình phụ trách. Như vậy, Hồ Chí Minh đòi hỏi người cán bộ phải đồng thời có cả đức và tài và kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố đó; vì người cán bộ có tài mà không có đức thì không làm được việc gì, mà lại còn có thể góp hại cho đất nước; còn nếu chỉ có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, giống như "ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người"[47, tr.172]. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, người cán bộ phải có cả đức và tài không tách biệt nhau, mà chi phối, quy định lẫn nhau: Đạo đức là cơ sở của tài năng, nó định hướng lý tưởng, hành động để vươn tới cái cao đẹp của tài năng; nhưng phải có tài mới phát huy được đạo đức, mới làm cho lý tưởng đạo đức nở hoa: "Đức và tài theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là những thành phần nòng cốt trong cấu trúc nhân cách của người cán bộ. Mỗi người cán bộ, theo Người phải là người có đức, có tài, phải " vừa hồng, vừa chuyên"[53, tr.278].
Quan hệ giữa đức và tài của người cán bộ trong tư tưởng Hồ Chí Minh không đơn thuần là quan hệ giữ chính trị và chuyên môn, vì Hồ Chí Minh không chính trị hóa đạo đức, cũng không trông vào chuyên môn là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá tài năng; mà thước đo để đánh giá đức và tài là ở động cơ và hiệu quả công việc, ở thái độ tận tụy, đấu tranh bảo vệ lẽ phải, chân lý, ở nói đi đôi với làm. Đức và tài luôn gắn với những điều kiện, tình hình cụ thể, và đòi hỏi mỗi người cán bộ phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, tự rèn luyện bản thân mình cả về phong cách, lề lối làm việc, cũng như phong cách, lối sống hàng ngày.