XÂY DỰNG CƠ CHẾ ĐIỀU HÀNH TỶ GIÁ CỦA VIỆT NAM
PHỤ LỤC 10: CÁC ĐIỀU KIỆN TIỀN ĐỀ CHO KHẢ NĂNG CHUYỂN ĐỔI CỦA ĐỒNG TIỀN (+Quản lý ngoại hối 239-243)
CỦA ĐỒNG TIỀN (+Quản lý ngoại hối 239-243)
* Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định
Đây là điều kiện hết sức quan trọng để có thể gỡ bỏ những hạn chế về chuyển đổi đồng tiền.
Theo kinh nghiệm của các nước, chương trình chuyển đổi đem lại kết quả cao hơn khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định, tỷ lệ lạm phát thấp, lãi suất thực dương và ổn định. Nếu tương lai của nền kinh tế ảm đạm thì nhu cầu đầu cơ tích trữ vốn dưới dạng ngoại tệ cũng như việc chuyển vốn ra nước ngoài sẽ gia tăng. Do đó, thực hiện chuyển đổi trong hoàn cảnh này sẽ gây tác hại thêm cho nền kinh tế.
* Tỷ giá hối đoái hợp lý
Một chế độ tỷ giá hối đoái hợp lý phải tạo được sự cân bằng ở tài khoản vãng lai và cán cân tổng thể, không tạo thêm gánh nặng lên các khoản nợ quốc gia, đồng thời góp phần tăng dự trữ ngoại tệ để Ngân hàng Trung ương có thể can thiệp ổn định thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ...
Rõ ràng là không có một chế độ tỷ giá duy nhất phù hợp với mọi giai đoạn. Nhất là ở các nước đang phát triển, chế độ tỷ giá hợp lý thay đổi thường xuyên cùng với khả năng cạnh tranh của khu vực sản xuất trong nước, với mức độ chuyển đổi của đồng bản tệ, mức độ tự do hóa thương mại và vai trò của ngân hàng trung ương trên thị trường ngoại hối.
Việc lựa chọn chế độ tỷ giá phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trên lý thuyết, một nước đang phải chịu một mức lạm phát cao, đồng thời muốn khuyến khích thương mại và đầu tư quốc tế có thể lựa chọn một chế độ tỷ giá ổn định. Việc lựa chọn chính sách tỷ giá linh hoạt dựa vào nguyên lý chung là nó sẽ cung cấp tấm chắn chống lại các biến động bên ngoài và giúp đạt được “sự tự do” trong điều hành chính sách tiền tệ. Một số lý do chủ yếu để áp dụng tỷ giá linh hoạt: (1) thiếu dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá cố định hoặc tỷ giá bò trườn; (2) thiếu thông tin để xác định tỷ giá cân bằng hợp lý dưới cơ chế cố định hoặc bò trườn; và (3) nhằm tránh đưa các hoạt động kinh tế vào thị trường chợ đen... Nhìn chung, chuyển đổi tài khoản vãng lai có thể gây mất cân đối ngoại thương trong chế độ tỷ giá cố định, dẫn đến đòi hỏi phải điều chỉnh tỷ giá. Nhiều nước đang phát triển đã thực hiện êm đẹp chuyển đổi tài khoản vãng lai bằng sự điều chỉnh nhẹ nhàng, liên tục tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, đôi khi chuyển đổi tài khoản vãng lai sẽ tạo một sức ép lớn lên tỷ giá mỗi lần có sự thay đổi về quan điểm chính sách kinh tế và chính trị. Kinh nghiệm cho thấy, đôi khi không thể thành công cùn lúc một chế độ tỷ giá ổn định, chuyển đổi tài khoản vãng lai và sự độc lập về tiền tệ.
* Đảm bảo mức dự trữ quốc tế hợp lý
Dự trữ quốc tế có được từ các khoản thu ngoại tệ chính thức, từ các khả năng tiếp cận với các nguồn tài chính quốc tế và một lượng ngoại tệ rất lớn dưới dạng tài sản bằng ngoại tệ trong tầng lớp dân cư.
Yêu cầu đặt ra là lượng dự trữ ngoại tệ phải đủ lớn sao cho đảm bảo rằng nền kinh tế có thể thích ứng với các chính sách kinh tế vĩ mô. Đồng thời nó phải đảm bảo khả năng chống đỡ những thay đổi đột ngột trong tài khoản vãng lai, chống đỡ những cú sốc có thể đe dọa đến tính chuyển đổi của đồng tiền; củng cố niềm tin của dân chúng đối với chế độ tỷ giá và tiến trình thực hiện chuyển đổi lâu dài. Bên cạnh đó, dự trữ quốc tế còn phải tính đến chuyện chi trả các khoản nợ nước ngoài đáo hạn, bù đắp những lỗ hỏng trong cán cân thanh toán do thâm hụt tài khoản vãng lai...
Tuy nhiên, lượng dự trữ này phụ thuộc nhiều vào mức độ tự do hóa tỷ giá hối đoái. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, các nước có tỷ giá thả nổi tiến hành tự do hóa thương mại và ổn định tỷ giá với mức dự trữ thấp hơn. Còn đối với các quốc gia mà tài khoản vãng lai chỉ đạt mức cân bằng, không có thặng dư thì mức độ dự trữ phải cao gấp đôi mức nợ ngắn hạn, còn nếu tài khoản vãng lai bị thâm hụt thì đòi hỏi mức dự trữ phải cao hơn nữa.
* Chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh
Điều này có nghĩa là các chính sách kinh tế vĩ mô phải có hiệu quả trong việc duy trì sự cân bằng đối ngoại và cân bằng đối nội. Và đây cũng chính là mục tiêu của các chương trình cải cách và nếu đạt được sẽ mở đường cho khả năng chuyển đổi đồng tiền. Chính sách kinh tế vĩ mô phải mạnh tới mức nào thì rất khó xác định. Tuy nhiên, chúng ta phải tuân theo các nguyên tắc đảm bảo kích thích tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định.
Chính sách tài khóa mạnh nói chung phải xác định rõ qui mô NSNN hợp lý. Chính phủ phải có uy tín trong việc kiểm soát thâm hụt ngân sách. Trong điều kiện không có sự chủ động trong điều hành hai công cụ như thuế, chi tiêu ngân sách thì chỉ còn cách phải tăng tính linh hoạt trong chính sách tiền tệ. Đến lượt nó, việc thực thi chính sách tiền tệ lại liên quan đến cơ chế tỷ giá. Giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi sẽ đặc biệt gây ra lạm phát tai hại hậu quả của việc thả nổi giá cả trong điều kiện tiền lưu thông quá nhiều. Như vậy đòi hỏi chính sách tiền tệ phải chặt chẽ và sự hổ trợ của chính sách tài khóa, ngoài ra còn có các công cụ thị trường mở, lãi suất... Tất cả còn phụ thuộc vào năng lực quản lý của NHTW. Theo đó, cần có sự phân biệt rạch ròi giữa vai trò trung gian với chức năng can thiệp thị trường.
* Cơ chế thị trường phát triển đồng bộ
Điều kiện thứ năm đòi hỏi là sự thay đổi giá cả phải tuân theo qui luật thị trường, cả trong khu vực sản xuất lẫn khu vực tiền tệ. Điều kiện này nhằm đảm bảo rằng các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã quen với môi trường cạnh tranh khốc liệt trước khi áp dụng chuyển đổi tài khoản vãng lai, từ đó tránh được những cú xốc do hàng ngoại xâm nhập. Trong khu vực tiền tệ, các qui luật thị trường cũng phải hoạt động hữu hiệu, nghĩa là lãi suất phải được xác định theo đúng cung cầu; các chủ thể tham gia trên thị trường có thể kỳ vọng hợp lý dựa trên cơ sở những thông tin về các chỉ số cơ bản của nền kinh tế được công bố công khai. Đồng thời, thị trường hối đoái nên sớm được hoàn thiện để giúp gia tăng vị thế đồng bản tệ trên thị trường nội địa và quốc tế.
Ngoài ra, nó còn tùy thuộc vào tính chất ổn định của hệ thống tiền tệ thế giới, khả năng đối phó với các thế lực đầu cơ ngoại hối trên thị trường quốc tế....
Các điều kiện này một mặt tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, một mặt giữ cho nền kinh tế tránh được những cú sốc, hạn chế được những tiêu cực và có khả năng phát triển bền vững.