II nguồn “nguyên liệu” nào cho nhà máy thuỷ điện?
Phần III: Dòng chảy dân cư và
Dòng chảy dân cư và tài nguyên
Di cư là một hiện tượng xã hội gắn liền với quá trình phát triển của mỗi cộng đồng, quốc gia. Đây cũng là một quy luật khách quan, phản ánh tính chủ động và nhu cầu của con người tìm đến cuộc sống tốt đẹp, an toàn và thịnh vượng hơn. Tục ngữ Việt Nam tổng kết: “đất lành chim đậu”. Những nơi có nguồn tài nguyên thường là điểm đến của các nhóm người di cư. Ở một số nhóm dân tộc ở Việt Nam, du canh du cư từng là truyền thống sinh sống lâu đời. Cuộc sống của họ gắn liền với những cuộc chinh phục miền đất mới dồi dào tài nguyên hơn nơi ở cũ.
Với một đất nước có diện tích không lớn nhưng dân số khá đông như Việt Nam, vấn đề ổn định dân cư và di dân có tổ chức đã được thực hiện khá sớm. Các chương trình di dân có kế hoạch theo chủ trương của nhà nước nhằm phân bố lại dân cư, xây dựng các vùng kinh tế mới, ổn định đời sống nhân dân đã được triển khai từ những năm 1960. Nhà nước đã đầu tư rất lớn và có trọng điểm vào các chương trình định canh, định cư giúp các cộng đồng dân tộc miền núi xóa bỏ tập quán du canh, du cư. Về cơ bản, phân bố dân cư trên toàn quốc đã đi vào ổn định.
Tây Nguyên là một trong những khu vực hấp dẫn di cư do nguồn tài nguyên dồi dào, mật độ dân cư thưa hơn các vùng khác. Với nguồn tài nguyên đất bazan màu mỡ phù hợp với việc trồng các loại cây kinh tế như cà phê, hồ tiêu, điều, … Tây Nguyên trở thành lựa chọn hàng đầu cho hàng ngàn người dân từ những vùng quê nghèo đến sinh sống, lập nghiệp mang theo giấc mơ làm giàu. Trong giai đoạn 1995 – 1999, khi giá cà phê tăng cao, số lượng dân di cư đến Tây Nguyên tăng vọt. Phần lớn dân di cư là người nghèo, với khoảng 30% là người dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc.5 Di cư ồ ạt đã thay đổi hoàn toàn thành phần dân cư ở khu vực Tây Nguyên. Theo niên giám thống kê năm 2002, người dân bản địa chỉ chiếm 26,1% dân số. Phần lớn dân cư còn lại là người di cư từ các tỉnh miền Bắc.