Về cơ chế quản lý ngoại hối của NHNN.

Một phần của tài liệu 267 Giải pháp hoàn thiện và phát triển thanh toán Quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ tại các chi nhánh của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trên địa bàn TP.HCM (Trang 64 - 67)

PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN TÍN DỤNG CHỨNG TỪ

2.3.4.1. Về cơ chế quản lý ngoại hối của NHNN.

* Về dự trữ bắt buộc:

Hiện nay, thực hiện theo quyết định số 1411/QĐ-NHNN ngày 28/5/2007 của Thống đốc NHNN về việc dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng, đối với tiền gửi ngoại tệ tỷ lệ dự trữ bắt buộc như sau:

+ Tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng là 10%/tổng số dư tiền gửi. + Tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng đến 24 tháng là 4%/tổng số dư.

Mức dự trữ hiện nay như vậy là khá cao, vì thực tế cho thấy nguồn vốn bằng ngoại tệ của các NHTM khá thấp, đặc biệt là đối với các NHTM Nhà nước, tỷ lệ nguồn vốn ngoại tệ/ tổng nguồn vốn huy động chỉ ở mức bình quân là 15%. Trong khi lãi suất đầu ra tính theo mức lãi suất trên thị trường thế giới ( Sibor hoặc libor). Chính vì vậy điều này làm mức chênh lệch lãi suất giữa đầu ra và đầu vào của ngoại tệ thấp, do đó không kích thích các ngân hàng huy động vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp NK.

* Về tỷ giá:

Hiện nay, do đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam mới từng bước chuyển sang nền kinh tế hàng hoá vận động theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, cho nên thời gian qua các biện pháp can thiệp của Nhà nước còn mang đậm tính hành chính.Việc sử dụng biên độ mua bán ngoại tệ và tỷ giá liên ngân hàng được công bố làm cho các ngân hàng và doanh nghiệp cảm nhận sự mất tự do

trong kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là phía doanh nghiệp không được hưởng hết các lợi nhuận từ ngoại tệ mà họ mang về.

Quá trình điều hành tỷ giá của NHNN chưa thực sự bám sát thị trường qua việc nắm bắt nhu cầu thực tế cung và cầu trên thị trường, đôi khi đưa ra giá ở điểm cung và cầu không thể gặp được nhau. Điều này dẫn đến việc các ngân hàng không thể mua ngoại tệ và tình trạnh mất cân đối trong thanh toán xảy ra, ngân hàng không có ngoại tệ cung ứng cho nhà NK.

Để từng bước giảm bớt sự can thiệp quá chặt về tỷ giá, mới đây nhất vào ngày 31/12/2006 NHNN Việt Nam đã ra Quyết định số 2554/QĐ-NHNN do Thống đốc NHNH Việt Nam thay thế văn bản 679/2002/QĐ-NHNN ngày 1/7/2002 đã quy định đối với đô la Mỹ (USD) giao dịch không được vượt quá biên độ +/- 0,5% so với bình quân tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng áp dụng cho ngày giao dịch đó và ngoại tệ khác do các TCTD tự xác định.

Việc nới lỏng biên động giao dịch là việc phù hợp với nền kinh tế của đất nước khi gia nhập WTO, tuy nhiên căn cứ vào cơ sở nào để xác định tỷ giá giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là vấn đề hoàn toàn do tính chủ quan của NHNN, cũng như của Chính phủ mà các doanh nghiệp và ngân hàng hoàn toàn bị động.

* Thị trường hối đoái chưa hoàn chỉnh, đa dạng:

Hiện nay các loại hình giao dịch về ngoại tệ tại các ngân hàng ở Việt Nam còn rất hạn chế, chỉ mới dừng lại ở những dịch vụ đơn điệu, một chiều và chưa đa dạng. Như mua bán ngoại tệ mới chỉ có giao ngay (spot), kỳ hạn (forward) và hoán đổi (swap), (riêng quyền chọn mua và bán mới chỉ có ở ACB, Eximbank), các phương thức thanh toán tập trung chủ yếu như L/C, nhờ thu, chuyển tiền, còn dịch vụ bao thanh toán (cũng mới chỉ có ở ACB, Vietcombank, Sacombank, Techcombank).. Do đó hạn chế rất nhiều đến gia tăng nguồn vốn và giao dịch của dân chúng bằng ngoại tệ tại ngân hàng.

Nguyên nhân chủ yếu ở đây là do NHNN chưa có định hướng và xây dựng lộ trình phát triển về các sản phẩm kinh doanh ngoại hối cho các ngân hàng, chưa có những điều kiện ràng buộc về thực hiện các sản phẩm giao dịch ngoại hối tương ứng với mở rộng mạng lưới ngân hàng…

* Về cơ chế quản lý và giám sát nghiệp vụ TTQT:

Hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động TTQT nói riêng còn thiếu và có nhiều bất cập. Hiện nay chưa có một văn bản nào điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia vào TTQT như đối với hoạt động tín dụng của ngân hàng.

Trong phương thức thanh toán TDCT, hiện tại các bên tham gia vẫn vận dụng UCP 500 làm căn cứ quy định trách nhiệm và quyền hạn, nhưng đây chỉ là thông lệ quốc tế, trong đó không quy định rõ mức xử lý như thế nào khi có vi phạm. Trong khi đó, các nước trên thế giới đều có luật hoặc những văn bản dưới luật quy định về giao dịch TDCT trên cơ sở thông lệ quốc tế, có tính đến đặc thù quốc gia.

Vì vậy có thể nói, hiện nay khung pháp lý về TTQT của Việt Nam vẫn chưa được hình thành là một trở ngại lớn cho các ngân hàng trong hoạt động TTQT. Ta mới chỉ có luật về thương phiếu mà chưa có các luật điều chỉnh một cách toàn diện các phương thức thanh toán. Các quy định mới chỉ dừng lại ở các văn bản dưới luật hướng dẫn hoặc quy định một số nội dung cụ thể như: Quyết định 711/2001/QĐ-NHNN ngày 25/5/2001 về quy chế mở thư tín dụng trả chậm, Quyết định 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/6/2005 về việc ban hành quy chế trong nghiệp vụ bảo lãnh của các TCTD …

Xuất phát từ đó, nên các biện pháp giám sát hoạt động TTQT của NHNN đối với các NHTM cũng hầu như không có, nếu có kiểm tra chỉ chủ yếu về mặt kinh doanh ngoại tệ, tỷ giá. Trong thực tế, các ngân hàng tự xây dựng quy trình riêng và tự kiểm tra trong nội bộ. Điều này dẫn đến mỗi ngân hàng đưa ra một cách thức xử lý khác nhau, những yêu cầu khác nhau cho một dịch vụ.

Một phần của tài liệu 267 Giải pháp hoàn thiện và phát triển thanh toán Quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ tại các chi nhánh của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trên địa bàn TP.HCM (Trang 64 - 67)