KẾT LUẬN CHUNG

Một phần của tài liệu Báo cáo KH: "KIẾN TRÚC CỔ HÀ NỘI VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG" (Trang 80 - 82)

II. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình kiến trúc cổ trong phát triển du lịch bền vững

KẾT LUẬN CHUNG

Hiện nay, vị thế của Việt Nam đang dần được nâng cao trên bản đồ du lịch thế giới. Hà Nội là thủ đô của Việt Nam và cũng là một trong số ít những thủ đô 1000 năm tuổi nên trong những năm gần đây, việc đầu tư phát triển du lịch Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như người dân cả nước. Đặc biệt, khi mà dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến gần, việc bảo tồn, gìn giữ các di tích kiến trúc cổ Hà Nội nhằm phát triển du lịch bền vững đang là vấn đề cấp thiết được đặt ra hiện nay.

Các công trình kiến trúc cổ của Hà Nội có niên đại lâu năm và đa dạng, là kho tàng lịch sử quý báu của dân tộc với những giá trị to lớn về mặt văn hoá, khảo cổ… Tuy nhiên, những dấu tích nguyên vẹn có niên đại lâu đời còn lại khá ít ỏi, nhiều công trình đã phải tu sửa nhiều lần hoặc làm mới hoàn toàn. Việc di tích cổ bị thoái hoá và xuống cấp nhiều một phần do thời gian lâu không giữ được nhưng nguyên nhân chính xuất phát từ thực trạng bảo tồn còn nhiều bất cập và thực trạng sử dụng chưa đảm bảo. Những tồn tại trong công tác bảo tồn và sử dụng các di tích kiến trúc cổ đã được đề cập chi tiết trong chương II của công trình nghiên cứu và là những vấn đề mang tính thời sự cao, đòi hỏi thời gian, tiền của, quyết tâm cao độ cùng sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cấp chính quyền và người dân.

Những giải pháp nhằm phát huy vai trò của kiến trúc cổ trong phát triển du lịch bền vững đã được cụ thể hoá trong chương III của công trình nghiên cứu trên cơ sở những bất cập còn tồn tại và việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới về công tác bảo tồn, quy hoạch các di tích kiến trúc cổ. Nhóm giải pháp được chia thành nhóm giải pháp bảo tồn và nhóm giải pháp phát huy vai trò kiến trúc cổ trong phát triển du lịch bền vững, đi từ tổng quan đến cụ thể, gắn liền với thực tiễn và có tính khả thi cao. Vấn đề cấp thiết hiện nay là tập hợp được những ý kiến có giá trị, chọn lọc để lập thành dự án hoàn chỉnh với những bước cụ thể để thực hiện đến cùng. Việc làm này đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ban ngành có liên quan cũng như sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng.

Việc quy hoạch bảo tồn những di tích có giá trị của Hà Nội đã và đang là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của nhà nước và người dân, để Hà Nội

-77-

không chỉ phát huy giá trị trong đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà còn có được vị thế vững chắc trong con mắt bạn bè quốc tế. Chúng tôi hi vọng rằng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều công trình nghiên cứu khác nữa về đề tài này nhằm bổ sung, hoàn thiện những nghiên cứu đã được đưa ra trong phạm vi đề tài, từ đó đáp những yêu cầu cấp bách mà thực tiễn đặt ra.

Một phần của tài liệu Báo cáo KH: "KIẾN TRÚC CỔ HÀ NỘI VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG" (Trang 80 - 82)