II. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình kiến trúc cổ trong phát triển du lịch bền vững
a. Thống nhất và xây dựng biểu tượng cho du lịch Hà Nộ
Việc thống nhất được biểu tượng cho du lịch Hà Nội là việc làm cần thiết và quan trọng. Các quốc gia thu hút du lịch nhiều trên thế giới đều có một biểu tượng cụ thể mang nét đặc trưng riêng cho cả đất nước, ví dụ như tháp Effeil ở Paris là biểu tượng của nước Pháp, biểu tượng du lịch của Úc là nhà hát Opera, Mỹ có tượng nữ thần tự do, Trung quốc nổi tiếng với Vạn lý trường thành… Biểu tượng du lịch phù hợp không chỉ có tác dụng dễ nhận biết mà còn đóng vai trò đáng kể trong việc thu
-69-
hút du lịch. Nhiều du khách đến với một thành phố hay một quốc gia để tận mắt chứng kiến những biểu tượng du lịch này. Theo ước tính, Vạn lý trường thành của Trung Quốc hàng năm thu hút khoảng 10 triệu lượt khách đến tham quan. Quốc gia láng giềng Campuchia, với sự quảng bá mạnh mẽ hình ảnh ngôi đền Ăng Co Vat, cũng đạt sự tăng trưởng mạnh mẽ về du lịch quốc tế. Theo đưa tin từ báo Nhân Dân số ra ngày 25/11/2008, một số năm gần đây Campuchia đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, đạt tăng trưởng mạnh mẽ và dự đoán sẽ đạt tầm 3 triệu khách vào năm 2010. Khoảng 2/3 số du khách quốc tế đến Campuchia là đổ về tỉnh Xiêm Riệp để chiêm ngưỡng hệ thống đền đài Ăng Co trong đó có đền Ăng Co Vat. Đối với những quốc gia phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ...thì việc xây dựng thành công những biểu tượng du lịch còn đem lại lợi nhuận lớn hơn nhiều.
Trên thực tế, Việt Nam chưa từng có một biểu tượng du lịch phù hợp và tồn tại trong thời gian dài. Năm 2000, hình ảnh cô gái với nón lá và nụ cười tươi được đưa thành logo của du lịch Việt Nam. Đến 2004, hình ảnh đó được thay thế bằng hình ảnh cô gái với tà áo dài cách điệu cùng dòng chữ “Welcome to Viet Nam”. Đến năm 2005, du lịch Việt Nam lại phải thay đổi biểu tượng và chuyển sang hình ảnh bông sen vàng với dòng chữ “Viet Nam- the hidden charm” (tạm dịch là Việt Nam- sức lôi cuốn tiềm ẩn). Việt Nam chưa có một công trình kiến trúc nào đặc sắc tiêu biểu để lấy làm biểu tượng du lịch cho cả quốc gia như nhiều nước khác. Tuy nhiên, Hà Nội với bề dày nghìn năm văn hiến có không ít những công trình kiến trúc đẹp. Để quảng bá cho du lịch Hà Nội ở khía cạnh du lịch văn hoá thì biểu tượng phù hợp nhất nên là một công trình kiến trúc cổ tiêu biểu. Biểu tượng du lịch Hà Nội cần có ba đặc điểm cơ bản sau:
- Mang tính văn hoá sâu sắc: Nếu tìm một công trình kiến trúc cổ đặc sắc làm biểu tượng du lịch thì công trình đó phải mang tính văn hoá truyền thống cao. Những công trình kiến trúc Pháp thuộc đẹp nhưng không mang nét văn hoá Á Đông nhi ều nên không xét để làm biểu tượng du lịch.
- Có nét độc đáo dễ nhận biết và khác với các công trình kiến trúc khác cùng thể loại
-70-
Có 3 công trình kiến trúc của Hà Nội mang nét đặc trưng riêng về mặt kiến trúc: Khuê Văn Các trong Văn Miếu - Quốc Từ Giám, Chùa Một Cột, Tháp Rùa ở Hồ Gươm. Hình ảnh Khuê Văn Các của Văn Miếu - Quốc Từ Giám cách điệu xuất hiện trên logo của Sở du lịch Hà Nội, Báo điện Tử Hà Nội mới, biểu tượng của đài truyền hình Hà Nội và nhiều quyển sách khác viết về 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Tháp Rùa ở Hồ Gươm xuất hiện làm hình nền của biểu ngữ chính trên nhiều website như website của Sở du lịch Hà Nội, website hanoitravel.com.vn... Trên Website của Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, hai hình ảnh Khuê Văn Các và Hồ Gươm với cầu Thê Húc và Tháp Rùa xuất hiện song song với nhau. Chùa Một Cột được coi là ngôi chùa mang phong cách kiến trúc độc đáo nhất với một cột đá to đỡ toàn bộ gian chùa. Chùa Một Cột được coi là Quốc Tự với lịch sử gần 1000 năm. Đối với nhiều người, hình ảnh Chùa Một Cột được coi là biểu tượng của Thăng Long ngàn năm văn vật.
Tuy nhiên, để nâng thành biểu tượng cho du lịch Hà Nội thì Khuê Văn Các trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám là phù hợp nhất. Về lịch sử hình thành, Khuê Văn Các được xây dựng vào năm 1805 dưới triều Nguyễn. Khuê Văn Các không chỉ có ý nghĩa độc đáo về mặt kiến trúc mà còn có ý nghĩa về mặt nghệ thuật. Cấu trúc của Khuê Văn Các là một lầu vuông hai tầng. Tầng một có 4 trụ làm bằng gạch chạm hình các đám mây. Tầng hai làm bằng gỗ được trụ bằng 4 cột và có 4 cửa sổ với các tia như tia nắng mặt trời tỏa ra 4 hướng. Tầng này tượng trưng cho chòm sao Khuê- sao chủ đề văn học- đang tỏa sáng lấp lánh. Khuê Văn Các được đặt trong khuôn viên của Văn Miếu - Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi được coi là chốn linh thiêng, biểu tượng của truyền thống hiếu học của nhiều thế hệ. Khuê Văn Các là công trình tuy không đồ sộ, nhưng mang giá trị kiến trúc, nghệ thuật sâu sắc, lại nằm trong khuôn viên một di tích kiến trúc cổ rất có ý nghĩa lưu giữ nhiều bia tiến sĩ thu hút sự quan tâm của nhiều thế hệ nghiên cứu và du khách đến tham quan. Với thực tế đã từng được sử dụng làm logo của nhiều website, Khuê Văn Các hoàn toàn xứng đáng trở thành biểu tượng đặc trưng nhất của Hà Nội văn hiến.
Tháp Rùa ở Hồ Gươm và Chùa Một Cột cũng là những công trình kiến trúc đẹp nhưng không phù hợp để trở thành biểu tượng cho du lịch Hà Nội bằng Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Chùa Một Cột là ngôi chùa có thâm niên lâu đời, kiến trúc
-71-
đặc sắc. Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 11/9/1954, trước khi rút quân khỏi Hà Nội, thực dân Pháp đã đặt mìn phá huỷ ngôi chùa. Sau khi tiếp quản thủ đô, chùa được chính quyền xây dựng lại và hoàn thành vào tháng 4 năm 1955. Cụm kiến trúc hiện nay thực tế chỉ là mô hình tái hiện và nhắc lại di tích Chùa Một Cột một thời. Ngoài ra, xét về mặt tôn giáo, chùa chiền là điển hình của Phật giáo. Hà Nội là một thành phố có nhiều chùa chiền nhưng lại không phải thành phố đặc trưng có tôn giáo chính là Phật giáo. Vậy nên, Chùa Một Cột chỉ là một trong những di tích kiến trúc cổ đặc sắc của thủ đô chứ chưa thể trở thành biểu tượng cho du lịch Hà Nội. Tháp Rùa ở Hồ Gươm cũng là một kiểu kiến trúc rất đặc biệt, đặc biệt nhất là ở chỗ tháp được Bá hộ Kim xây dựng trên Gò Rùa năm 1883 với ý định lén đặt hài cốt cha vào đó. Ý định đó không thành nhưng Tháp Rùa vẫn được hoàn thành. Bá hộ Kim đương thời bị coi là một tay sai của thực dân Pháp. Do đó, Tháp Rùa tuy được xây dựng trong quần thể di tích cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn và Hồ Gươm là một hồ gắn liền với lịch sử dựng nước giữ nước, nhưng không thể trở thành biểu tượng đặc trưng nhất để quảng bá du lịch Hà Nội.