Các kỹ năng làm báo

Một phần của tài liệu Tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông về sự kiện nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm trên báo in (Khảo sát báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 6 đến tháng 12-2005) (Trang 81 - 86)

2. NHỮNG ĐỀ XUẤT VỀ KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG CƠ BẢN ĐỂ TỔ CHỨC THỰC HIỆN MỘT CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG TRÊN

2.2.10.Các kỹ năng làm báo

Vì chiến dịch truyền thông do một cơ quan báo in tổ chức, nên những người thực hiện cần phải có kỹ năng làm báo cơ bản tốt để có những sản phẩm báo chí chất lượng thì mới đảm bảo được thành công của chiến dịch. Ngoài những kỹ năng như phỏng vấn, thu thập tư liệu, xử lý tư liệu, thể hiện tác phẩm thành văn bản..., từ kinh nghiệm của Tuổi trẻ, xin đề xuất một số kỹ năng như sau:

Kỹ năng xử lý thông tin

Khi thu thập được một thông tin, những người làm báo cần phân tích và xử lý một cách phù hợp nhất để không bỏ sót những thông tin đắt giá. Việc một hoạ sỹ thiết kế của báo Tuổi trẻ viết bài về nhật ký Đặng Thuỳ Trâm chứng tỏ sự nhạy bén thông tin của anh ta. Toà soạn quyết định gác bài đó lại để tìm bằng được cả cuốn nhật ký lại thể hiện tầm nhìn của ban biên tập. PV Thu Hà cũng rất nhạy khi đề xuất

với toà soạn cho trích đăng Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm từ khi sắp xuất bản. Chính nhờ xử lý thông tin hợp lý mà Tuổi trẻ đã không bỏ lỡ cơ hội mở một chiến dịch truyền thông về hai cuốn nhật ký này.

Kỹ năng thiết lập và duy trì quan hệ với nguồn tin

Đối với báo chí, nguồn tin vô cùng quan trọng bởi mọi thông tin có được đều từ nguồn tin. Để luôn đưa tới cho độc giả những tin “nóng” nhất và “độc quyền”, các toà soạn phải tạo mối quan hệ rất thân thiết và gần gũi với nguồn tin. Mối quan hệ này trước hết phải dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau bởi vì để tạo được nguồn tin đã khó, duy trì nó còn khó hơn. NB luôn phải đưa tin trung thực và giữ đúng “cam kết” với nguồn tin. NB nên giữ liên lạc thường xuyên với nguồn tin, tạo quan hệ thân thiết, tránh để cho nguồn tin có cảm giác khi cần, NB mới tìm đến họ.

Sở dĩ PV Thu Hà có được bản thảo Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm là do chị thường xuyên gặp gỡ, trao đổi chuyện văn chương với người thực hiện cuốn nhật ký đó. Vì thế, người đó đã tin tưởng và giao cho chị đọc thử, nhận xét, góp ý. BTV Thuý Nga sở dĩ có thể “đặt hàng” được các nhà văn, nhà phê bình viết bài cũng bởi chị am hiểu về sách và có quan hệ tốt với giới văn nghệ.

PV Uyên Ly đã tạo lập và duy trì quan hệ với nguồn tin như thế nào?

Quá trình từ làm quen đến làm thân với gia đình chị Thuỳ Trâm diễn ra rất tự nhiên. PV Uyên Ly chia sẻ kinh nghiệm: “Để tạo được niềm tin với gia đình, mình phải cư xử khéo léo và chân thành, không được chỉ vì mục tiêu tác nghiệp của mình mà làm đảo lộn cuộc sống của họ, làm cho họ cảm thấy bị theo dõi, bị làm phiền. Tôi vui với niềm vui của gia đình, xúc động với nỗi xúc động của gia đình, hạnh phúc với niềm hạnh phúc của gia đình. Và điều quan trọng nhất là không được đưa tin sai sự thật.”

Chính vì đã trở nên thân thiết nên khi anh em Fred lần đầu tiên đến Hà Nội, các anh chỉ muốn được đón tiếp trong “một không khí gia đình ấm áp và bình lặng” không có sự tham gia của báo chí nhưng gia đình chị Trâm vẫn đồng ý cho PV Uyên Ly ra sân bay đón anh em Fred và còn giới thiệu chị là “cô cháu

gái” trong nhà. Chuyến đi về Đức Phổ, Quảng Ngãi càng thắt chặt mối quan hệ giữa PV Uyên Ly và gia đình chị Trâm. Đặc biệt là hành trình sang Mỹ, khiến họ càng gắn bó. PV Uyên Ly vừa tác nghiệp, vừa làm phiên dịch cho gia đình chị Trâm. Trước khi sang Mỹ, chị cũng trò chuyện với Fred rất nhiều và hiểu rõ về mẹ của Fred nên khi hai gia đình gặp nhau, chị cảm thấy mọi người đều rất gần gũi.

Còn trong hành trình đi tìm người phiên dịch Nguyễn Trung Hiếu, PV Uyên Ly đã “khởi hành” trước khi sang Mỹ một tháng bằng những cuộc điện thoại lúc 12h đêm hàng ngày. PV Uyên Ly tâm sự: “Quan trọng là tôi đến với ông Hiếu bằng tấm lòng chân thành của một người bạn, chứ không phải đơn thuần chỉ để “moi” thông tin. Vì thế nên dần dần, một cách rất tự nhiên, ông kể cho tôi nghe khá nhiều điều về cuộc sống và gia đình ông.” Nhờ mối quan hệ thân thiết qua điện thoại và thư tay được xác lập từ trước mà khi sang Mỹ, tìm đến nhà ông Hiếu, PV Uyên Ly được ông đón tiếp như một người bạn thân từ lâu.

KẾT LUẬN

Tổ chức thực hiện thành công các chiến dịch truyền thông không chỉ tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của công chúng mà còn giúp nâng cao chất lượng và uy tín của các cơ quan truyền thông. Vì vậy, ngày càng nhiều các cơ quan báo chí huy động nhân lực, vật lực tổ chức các chiến dịch truyền thông, từ nhỏ đến lớn, định kỳ hoặc không định kỳ nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng, đồng thời cũng là để nâng cao uy tín và tầm ảnh hưởng.

Trong xã hội hiện đại, có nhiều loại hình báo chí với những ưu thế riêng biệt để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của con người. Phát thanh, truyền hình, báo internet lần lượt ra đời trở thành những “đối thủ đáng gờm” của báo in trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng của công chúng. Chính vì vậy, nhiều cơ quan báo

in cũng đang cố gắng tổ chức thực hiện những chiến dịch truyền thông hiệu quả để thu hút sự quan tâm của độc giả, đồng thời nâng cao uy tín cho tờ báo.

Những năm vừa qua, Tuổi trẻ là một trong những tờ báo khá thành công trong việc tổ chức thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông. Năm 2005, chiến dịch truyền thông về sự kiện nhật ký Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thuỳ Trâm của Tuổi trẻ đã tạo được hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, không những giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho bạn đọc trẻ mà còn khơi gợi, động viên ước mơ, khát vọng cống hiến xây dựng đất nước của thế hệ trẻ hôm nay. Không chỉ có độc giả trẻ, đối tượng chính mà chiến dịch truyền thông này nhằm vào, mà cả những nhóm công chúng khác của Tuổi trẻ cũng bị thu hút bởi chiến dịch truyền thông này. Và đông đảo bạn đọc đã bị cuốn hút vào một phong trào hành động vì xã hội, đó là xây dựng bệnh xá mang tên người bác sỹ anh hùng Đặng Thuỳ Trâm. Bệnh xá không chỉ là công trình có ý nghĩa tưởng niệm mà còn mở ra cơ hội được chữa bệnh trong điều kiện tốt cho nhiều người dân nghèo ở Đức Phổ, Quảng Ngãi.

Nghiên cứu quá trình tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông về sự kiện nhật ký Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thuỳ Trâm của báo Tuổi trẻ, có thể nhận thấy những người làm báo Tuổi trẻ đã có những bước đi thích hợp để mang lại hiệu quả cao cho chiến dịch. Lựa chọn hai cuốn nhật ký chiến tranh hấp dẫn và có giàu nhân văn làm trung tâm chiến dịch, Tuổi trẻ đã lập một kế hoạch truyền thông cụ thể với đầy đủ các bước từ phân tích thực trạng, xác định đối tượng, mục tiêu và các hoạt động để thực hiện mục tiêu. Bắt tay vào thực hiện, ban biên tập đã phân công cụ thể cho từng PV, BTV tuỳ theo khả năng và thế mạnh của từng người. Các hoạt động trong chiến dịch được triển khai hợp lý và có sự liên kết với nhau. Những phản hồi của độc giả được nghiên cứu kỹ và cũng chính là gợi ý cho toà soạn trong việc triển khai một số hoạt động mới không có trong kế hoạch. Trong quá trình tổ chức thực hiện chiến dịch, toà soạn có sự giám sát, đánh giá và động viên rất kịp thời.

Tuy được tổ chức tương đối chặt chẽ và hợp lý nhưng chiến dịch truyền thông này vẫn có những hạn chế nhất định như tác động không đồng đều tới mọi

đối tượng thanh niên, chưa sử dụng tối đa khả năng phối hợp với nhiều cơ quan truyền thông khác, tổ chức diễn đàn hơi dài với nhiều ý kiến trùng lặp nhau.

Từ những kinh nghiệm thực tế của báo Tuổi trẻ trong việc tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông về sự kiện nhật ký Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thuỳ Trâm, người viết đã cố gắng đề xuất một số giải pháp giúp các cơ quan báo in tổ chức thực hiện một chiến dịch truyền thông hiệu quả. Tuy nhiên, do những hạn chế về điều kiện khách quan và nhận thức chủ quan của người viết nên đóng góp chủ yếu của khoá luận này mới chỉ là gợi ra vấn đề và có những bước nghiên cứu cơ bản, ban đầu. Tôi rất mong rằng trong lương lai sẽ có cơ hội tiếp tục nghiên cứu sâu hơn vấn đề này. Tuy nhiên, với khoá luận này, chúng tôi tin tưởng rằng mình đã góp một phần nhỏ vào xây dựng lý thuyết và cung cấp một số kinh nghiệm thực tế về tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông cho các cơ quan báo in.

Một phần của tài liệu Tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông về sự kiện nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm trên báo in (Khảo sát báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 6 đến tháng 12-2005) (Trang 81 - 86)