Vài nét về hai cuốn nhật ký

Một phần của tài liệu Tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông về sự kiện nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm trên báo in (Khảo sát báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 6 đến tháng 12-2005) (Trang 29 - 31)

1. TUỔI TRẺ VỚI CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG VỀ SỰ KIỆN

1.2.Vài nét về hai cuốn nhật ký

Nhật ký Nguyễn Văn Thạc, tên xuất bản là Mãi mãi tuổi hai mươi là “chuyện đời” của một chàng trai hy sinh khi chưa đầy 10 tháng tuổi quân và 20 tuổi đời. Nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc ghi lại những kỷ niệm buồn vui, những xúc cảm tự nhiên trong suốt quãng thời gian huấn luyện tân binh. “Không phải là cuốn sách bình thường nữa mà là một cuộc đời, một số phận. Bạn sẽ đọc vào trang sách và bạn sẽ thấy mình đang đọc một trái tim, một tâm hồn của một con người.”

[1, 21-5-2005, tr.1]

Với một trái tim nhạy cảm, một đôi mắt xanh tươi, anh lính binh nhì ấy nhìn những cánh đồng, những làng xóm trên đường đi với vẻ đẹp nên thơ bằng những rung động tinh tế nhất. Những cảm xúc buồn vui xen lẫn trong từng trang nhật ký nhưng tất cả đều toát lên một khát vọng sống, một lý tưởng sống vì độc lập tự do của dân tộc. “Ai ra đi cũng với lòng say lý tưởng, và nhẹ nhẹ bên trong là chút ước mơ... Sung sướng và hãnh diện biết bao, ơi xóm làng yêu quý, ngủ yên, ngủ yên, có anh bộ đội thức canh trời.” [ 21, tr.33].

Xuyên suốt cả cuốn nhật ký là tình yêu cháy bỏng và trong sáng anh dành cho Như Anh, cô bạn gái học cùng phổ thông. Tình yêu đó như ngọn gió thổi mát tâm hồn anh mỗi lúc tổn thương, như dòng sông tưới mát trái tim anh mỗi khi mệt mỏi. Và anh có một dự cảm kỳ lạ, lời hẹn đúng 30-4-1975 hai người sẽ gặp nhau để “Thạc sẽ trả lời cho Như Anh câu hạnh phúc là gì” [1,11-6-2005, tr.8]

Khác với Mãi mãi tuổi hai mươi, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm bắt đầu từ khi bác sỹ Thuỳ Trâm làm việc tại bệnh xá trong rừng ở Đức Phổ, Quảng Ngãi. Cuốn nhật ký ấy có một số phận thật kỳ lạ, đi đúng nửa vòng trái đất rồi quay về Việt Nam trong sự bất ngạc nhiên xen lẫn hạnh phúc. Frederic Whitehurst (thường gọi là Fred)- người sỹ quan quân báo Mỹ trong thời kỳ tham chiến tại Đức Phổ, Quảng Ngãi đã thu được cuốn nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm. Khi ông đang đốt các tài liệu được coi là không có giá trị quân sự thì thượng sỹ Nguyễn Trung Hiếu- người phiên

dịch của Fred cầm cuốn nhật ký của chị Trâm lên và nói: “Fred, đừng đốt cuốn sổ này. Bản thân trong nó đã có lửa rồi.” [1, 18-7-2005, tr.9]. Mấy tháng sau, như một định mệnh, Fred tiếp tục nhận được cuốn nhật ký thứ hai của chị Trâm do Nguyễn Trung Hiếu mang về. Khi Fred rời khỏi Việt Nam năm 1972, hai cuốn nhật ký của bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã theo anh về Mỹ. Trong nhiều năm, Fred và anh trai là Robert Whitehurst (thường gọi là Rob) đã miệt mài tìm kiếm gia đình Đặng Thuỳ Trâm. Và cuối cùng, thông qua một nhà báo khá am hiểu về Việt Nam, chiếc đĩa CD chứa bản sao cuốn nhật ký đã đến tay những người ruột thịt của chị Trâm ở Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 30 thống nhất đất nước.

Những trang viết của Thuỳ Trâm khiến cho người đọc phải rơi lệ và quặn đau theo từng nỗi đau của chị. Nhưng cũng thật kỳ lạ, trong mỗi nỗi buồn của Thuỳ Trâm đều ánh lên tia hy vọng, chính những lúc chị thất vọng, chán chường, người ta lại thấy sức sống và khát vọng của chị mạnh mẽ. Đặng Thuỳ Trâm-cô gái Hà Nội bé nhỏ nhưng rất can trường, đầy nghị lực và trách nhiệm không chỉ là người thầy thuốc tận tình cứu chữa, mà còn là chỗ dựa tinh thần cho bệnh nhân. Những trang nhật ký viết dở dừng lại ở cái ngày mà bệnh xá bị lộ, chị cùng hai người đồng đội quyết tâm ở lại chăm sóc bệnh nhân và sẵn sàng chiến đấu nếu kẻ thù xuất hiện.

Nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thuỳ Trâm đã phá vỡ các kỷ lục về xuất bản sách ở nước ta. Tính đến đầu năm 2006, mỗi cuốn đã in hơn 400.000 bản. Hai cuốn nhật ký này cũng được trao giải đặc biệt tại Lễ trao giải thưởng sách Việt Nam lần thứ nhất diễn ra ngày 28-5-2006.

Đã có rất nhiều cuộc giao lưu, trò chuyện về hai cuốn nhật ký được tổ chức khắp nơi. Gia đình liệt sỹ Đặng Thùy Trâm đã nhận được gần 100 bài thơ và 10 bài hát do độc giả gửi tặng. Gia đình chị Trâm cũng đã nhận được lời đề nghị đàm phán về việc dịch và xuất bản Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm sang tiếng Anh, Trung Quốc, Romania, Ý và Thái Lan. Một tập đoàn xuất bản lớn ở Châu Âu đã xin phép gia đình độc quyền xuất bản Nhật ký Đặng Thùy Trâm trên toàn Châu Âu. Sắp tới, Đặng Thuỳ Trâm sẽ còn xuất hiện sống động trên màn ảnh qua một bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc cũng đã nhận được

lời đề nghị làm phim giáo dục từ điện ảnh Quân đội. Chị Trâm, anh Thạc cũng là nguyên mẫu cho kịch bản phim mà nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm vừa hoàn thành.

Một phần của tài liệu Tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông về sự kiện nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm trên báo in (Khảo sát báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 6 đến tháng 12-2005) (Trang 29 - 31)