8 Hành trình sang Mỹ cùng gia đình chị Thùy Trâm
2.2.2. Tổ chức diễn đàn Tuổi 20 của chúng ta
Ngay từ khi phác thảo chiến dịch truyền thông về hai cuốn nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thuỳ Trâm, ban biên tập báo Tuổi trẻ đã xác định sẽ mở một diễn đàn dành cho bạn đọc trao đổi, bày tỏ suy nghĩ ngay sau khi khởi đăng trích đoạn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được một vài kỳ. Cùng lúc ấy, bài phỏng vấn TS Vũ Minh Khương được đăng tải trên chuyên mục Trò chuyện đầu tuần (số ngày 19-7-2005) có thể coi đã gây “xôn xao dư luận” vì những luận điểm về “Thánh Gióng” thời hiện đại và “cơ hội của Thánh Gióng” trong thời đổi mới. ”Thánh Gióng thời nay là hoài bão và khát vọng lớn của toàn dân tộc... Cần khơi dậy, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng đưa đất nước vươn lên hùng cường, giàu mạnh ở mỗi công dân. Hiện thực lịch sử và lý thuyết đều chứng minh chỉ có sức mạnh tinh thần mới làm nên kỳ tích.” [1, 19-7-2005, tr.3]. Sự gặp nhau giữa lý tưởng cống hiến của thế hệ anh Thạc, chị Trâm với những suy nghĩ về hoài bão và khát khao của tuổi 20 hôm nay của TS Vũ Minh Khương đã tạo nên tác động cộng hưởng, gây xúc động mạnh mẽ cho độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ.
Sáng ngày 19-7-2005, ban biên tập quyết định mở diễn đàn Tuổi 20 của chúng ta thì buổi chiều cùng ngày toà soạn nhận được thư của đông đảo độc giả “đề nghị Tuổi trẻ mở một diễn đàn rộng rãi cho thế hệ trẻ chúng tôi trao đổi” [1, 20-7- 2005, tr.8]. Mở diễn đàn lúc này, Tuổi trẻ muốn kết nối những giá trị truyền thống với hiện đại, bắc cầu từ lý tưởng của thanh niên thời chiến sang khát vọng của thế hệ trẻ thời bình.
Sau 52 số báo liên tục đăng tải các ý kiến trên diễn đàn Tuổi 20 của chúng ta, Tuổi trẻ đã tổng kết như sau:
- Diễn đàn đã đăng tải: gần 90 ý kiến; 11 tin, 4/14 ca khúc, 5/45 bài thơ, 2 ghi chép giao lưu trực tuyến. (trên Tuổi trẻ Online); 4 ghi nhận sinh hoạt của giới trẻ quanh diễn đàn; 5 ý kiến phát biểu (của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, bí thư Trung ương Đoàn Lê Mạnh Hùng, bí thư Trung ương Đoàn Đoàn Văn Thái, Phó chủ tịch UBND.TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Trần Trọng Tuấn).
- Tính đến hết ngày 9-9-2005, Diễn đàn nhận được hơn 1100 thư, email (hơn 600 email và hơn 500 thư viết tay) tham gia.
- Trong hơn 1100 thư, email tham gia, về tuổi, phân rất đều từ 15 đến hơn 70 tuổi (nhỏ nhất là một HS lớp 3 và lớn tuổi nhất là trên 80 tuổi).
- Về công việc, nghề nghiệp, thành phần: SVHS (trong nước và du HS) khoảng 34%; trí thức, người có công ăn việc làm ổn định: 30%; bạn trẻ nông thôn, thanh niên bình thường: 10%; bậc PH, GV: 10%; nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xó hội: 5%; bạn trẻ nhập cư không phải là SVHS: 3-4%; : bạn trẻ VN ở nước ngoài: 3%; y, bác sĩ: 1%; bạn trẻ lỡ lầm: 1%; bộ đội, công an, hài quan, chiến sĩ Mùa hè xanh… 3-5%.
Theo những người tổ chức diễn đàn thì tiêu chí lựa chọn các ý kiến đăng tải trên diễn đàn là những ý kiến đó thực sự muốn xây dựng đất nước trong tự hào truyền thống và khát khao vươn lên tụt hậu, đói nghèo của đất nước hôm nay, không
phân biệt lứa tuổi, thành phần, trình độ, chính kiến, trong hay ngoài nước... Tất cả đều có một điểm chung là vì con người Việt Nam và nhân văn Việt Nam.
Trên thực tế thì gần 90 ý kiến được chọn đăng cũng thể hiện rất rõ quan điểm này. Diễn đàn trên mỗi số lại được tổ chức theo cụm chủ đề, thành phần tham gia. Tổ chức diễn đàn như vậy rất hợp lý bởi nó đảm bảo tính logic, khiến cho độc giả dễ theo dõi, dễ tiếp cận hơn.
Các ý kiến trên những diễn đàn số ngày 20-7-2005, 23-7-2005, 27-7-2005, 25-8-2005... đều tập trung bày tỏ sự xúc động mãnh liệt của những bạn trẻ tuổi 20 hôm nay khi đọc những dòng nhật ký của các anh, các chị tuổi 20 ngày ấy. Trong nhiều số báo khác như số ngày 25-7-2005, 5-8-2005, 23-8-2005..., các bạn trẻ đã nhìn lại tuổi 20 của chính mình, soi vào tấm gương anh Thạc, chị Trâm để vươn tới những ước mơ, hoài bão đẹp của tuổi trẻ hôm nay. Diễn đàn số ngày 27-5-2005 gồm 5 ý kiến thể hiện sự bức xúc trước thực trạng một số bạn trẻ hiện nay rơi vào lối sống hưởng thụ, tệ nạn, không có ý chí vươn lên làm giàu cho bản thân và đất nước.
Nhiều bạn trẻ còn bày tỏ sự bức xúc vì cái nhìn không đúng của người lớn tuổi về giới trẻ, về sự kìm kẹp “Thánh Gióng không được giỏi hơn trưởng phòng”... Đồng thời, rất nhiều du học sinh lên tiếng đòi hỏi có cơ chế rõ ràng, hợp lý để các sinh viên du học về Việt Nam yên tâm học xong quay về góp tay xây dựng đất nước trên số 28-7-2005, 3-8-2005... Một số y bác sỹ bày tỏ lòng cảm phục trước tài năng và y đức cao cả của bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm và tự thấy phải phấn đấu để trở thành một thầy thuốc tận tâm như chị (số ngày 24-8-2005). Các bậc phụ huynh cũng chia sẻ những suy nghĩ của thế hệ đi trước, đồng thời coi anh Thạc, chị Trâm như những hình mẫu để giáo dục con cái trên số 6-8-2005.
Xen giữa các ý kiến đóng góp cho diễn đàn là những bài thơ, bài hát về anh Thạc, chị Trâm, về khát vọng tuổi 20 của thế hệ trẻ. Những tác phẩm này đã làm “mềm hoá” diễn đàn và tạo ra những khoảng lặng cần thiết