2. QUY TRÌNH TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG
2.1.6. Thiết kế thông điệp
Với một chiến dịch truyền thông lớn với nhiều hoạt động và được tổ chức trong khoảng thời gian vài tháng như chiến dịch truyền thông về sự kiện nhật ký Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thuỳ Trâm, việc xác định thông điệp chính xuyên suốt là điều không thể thiếu. Thông điệp mà Tuổi trẻ muốn gửi tới các độc giả thông qua chiến dịch truyền thông này là: Tuổi trẻ phải luôn biết hướng tới những điều cao cả, luôn luôn mơ ước những điều thánh thiện và sẵn sàng hiến dâng vì những ước mơ ấy, vì đất nước, vì nhân dân. Đó không phải là chuyện của ngày hôm qua, của thế hệ anh Thạc, chị Trâm mà còn kéo dài mãi đến hôm nay và mai sau. Tự hào truyền thống hào hùng của thế hệ cha anh, lịch sử dân tộc trên tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc chứ không kích động hằn thù.
Thông điệp này được NB Bùi Thanh-người tổng phụ trách chiến dịch đưa ra và được các PV, BTV trực tiếp thực hiện cụ thể hoá thành các thông điệp cụ thể tuỳ theo từng hoạt động.
Mỗi hoạt động cụ thể trong chiến dịch đều chuyển tải những thông điệp cụ thể nhưng tất cả đều bám sát nội dung của thông điệp chính. Thông qua các trích đoạn của hai cuốn nhật ký, những người biên tập muốn gửi tới độc giả hai tấm gương của thế hệ trẻ thời chiến, lãng mạn nhưng đầy lý tưởng sống, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc. Bài phỏng vấn TS. Vũ Minh Khương và diễn đàn Tuổi 20 của chúng ta chính là sự kết nối giữa truyền thống với hiện tại để thấy rằng sự hy sinh và cống hiến cho Tổ quốc “không phải là chuyện của ngày hôm qua, của thế hệ anh Thạc, chị Trâm mà còn kéo dài mãi đến hôm nay và mai sau”. Đêm hội Ngọn lửa Tuổi trẻ cũng là dịp để các bạn trẻ thể hiện ước mơ, hoài bão của mình. Hành trình đi tìm người phiên dịch Nguyễn Trung Hiếu đã thể hiện tinh thần hoà giải, hoà hợp dân tộc. Kể cả cách dùng từ của PV cũng cho thấy điều này. Trên trang báo không hề xuất hiện chữ “lính Nguỵ” mà được thay thế bằng cụm từ
“người lính ở bên kia chiến tuyến”. Một chi tiết nhỏ đó cũng thể hiện tinh thần nhân văn, rất thích hợp với thông điệp mà toà soạn muốn chuyển tải tới độc giả.
Chính sự thống nhất và xuyên suốt của thông điệp chính trên toàn bộ các hoạt động của chiến dịch đã góp phần tạo nên hiệu ứng xã hội mạnh mẽ bởi độc giả hiểu thông điệp một cách nhất quán và đa số độc giả hiểu giống nhau, tạo nên hiệu ứng dây chuyền cho chiến dịch.