Kỹ năng dẫn dắt độc giả

Một phần của tài liệu Tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông về sự kiện nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm trên báo in (Khảo sát báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 6 đến tháng 12-2005) (Trang 74 - 76)

2. NHỮNG ĐỀ XUẤT VỀ KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG CƠ BẢN ĐỂ TỔ CHỨC THỰC HIỆN MỘT CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG TRÊN

2.2.6. Kỹ năng dẫn dắt độc giả

Báo chí chú trọng thông tin thời sự, cập nhật thường xuyên các sự kiện. Vì thế, nếu muốn lôi kéo” độc giả báo in theo dõi một chiến dịch truyền thông trong thời gian dài thì toà soạn cần có kỹ năng dẫn dắt bạn đọc thật khéo léo và thuyết phục. Bên cạnh đó, các nhà tổ chức cũng phải có kỹ năng dẫn dắt đối tượng tiếp nhận thông điệp qua các gia đoạn: Tiếp nhận thông tin bằng trực giác; Nhận biết nội dung sự kiện; Chấp nhận thông tin; Tin tưởng thông điệp và Hành động theo sự kêu gọi của thông điệp.

Đặc biệt quan trọng là việc tạo mở đầu ấn tượng, bao gồm cả việc lựa chọn thời điểm khởi đầu và cách khởi đầu để cho độc giả phải lập tức bị thu hút bởi sự kiện trung tâm của chiến dịch. Trong các trường hợp công chúng chưa có thói quen tiếp nhận với sự kiện thì cần phải có những bài viết phá tan tâm thế hờ hững của họ. Khi bắt đầu chiến dịch truyền thông về sự kiện nhật ký Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thuỳ Trâm, những người làm báo Tuổi trẻ cũng rất lo vì trước kia, nhật ký chiến tranh không phải là thể loại được độc giả quan tâm chú ý. Vì vậy, Tuổi trẻ đã đặt hàng các cây bút viết bài về hai cuốn nhật ký.

Trước khi khởi đăng trích đoạn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi, BTV Thuý Nga đặt tác giả Phạm Xuân Nguyên viết một bài điểm sách giới thiệu cuốn nhật ký này và đăng ở mục Thời sự và Suy nghĩ trên trang 1: “Trên tay bạn bây giờ không phải là cuốn sách bình thường nữa, mà là một cuộc đời, một số phận. Bạn sẽ đọc vào trang sách và bạn sẽ thấy mình đang đọc một trái tim, đọc một tâm hồn của một con người... Bạn trẻ thân mến, bạn có cuốn sách này chưa? Và bạn đã dọn

mình để bước vào khoảng “trống trải và bí ẩn” của một con người mãi mãi tuổi hai mươi chưa?” [1, 21-5-2005, tr.1]. Với những lời giới thiệu gợi mở, xúc động và cuốn hút như vậy, bài viết đã tạo dư luận tích cực trong bạn đọc, khiến độc giả tò mò muốn được đọc cuốn nhật ký này.

Sang đến Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, mở đầu là bài viết của chị Đặng Kim Trâm giới thiệu về cuốn nhật ký của chị gái mình. Sau khi kể câu chuyện “cổ tích thời hiện đại” về số phận kỳ lạ của cuốn nhật ký này, chị Kim Trâm viết: “Bạn sẽ đọc, để hiểu vì sao những ghi chép riêng tư của một người con gái lại có thể tạo nên nỗi xúc động lớn lao đến thế nơi những người lính ở chiến tuyến bên kia...” [1, 18-7-2005, tr.9]

Sau đó, toà soạn còn xin phép gia đình chị Trâm cho đăng tải các bức thư của anh em Frederic và Robert Whitehurst gửi gia đình. Những bức thư ấy thể hiện tình cảm, sự ngưỡng mộ của hai cựu binh Mỹ với chị Trâm và những dòng nhật ký của chị. Nó cũng là một yếu tố khiến độc giả phải quan tâm, chú ý bởi một cuốn nhật ký được cả những người lính ở bên kia chiến tuyến trân trọng và gìn giữ, chắc chắn nhật ký ấy phải có sức hút rất mạnh mẽ.

Được biết nhà văn Nguyên Ngọc trong cuốn viết về đường mòn Hồ Chí Minh trên biển có một trang viết về một người bác sỹ tên Thuỳ (tức chị Thuỳ Trâm) đã sống và hy sinh tại bệnh xá giữa rừng ở Đức Phổ. Vì thế, BTV Thuý Nga đặt nhà văn viết thêm một bài về chị để cho độc giả thấy được chị Trâm là một bác sỹ được bạn bè và đồng đội yêu mến, kính trọng. Toà soạn cũng cử PV Hàng Chức Nguyên về Đức Phổ tìm lại những nhân chứng lịch sử để tìm hiểu thêm về tính cách, con người chị Trâm và những điều không ghi trong nhật ký, đặc biệt là ngày cuối cùng của chị.

Hầu hết những bài báo này không phải do PV Tuổi trẻ viết mà do ”đặt hàng” các nhân vật tương đối có uy tín hoặc là người trong cuộc nên tạo độ tin cậy cho độc giả. Với loạt bài viết ấn tượng như vậy, Tuổi trẻ đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của độc giả tới hai cuốn nhật ký này ngay từ đầu. Nhất là sau bài phỏng vấn

TS Vũ Minh Khương và sự ra đời của diễn đàn Tuổi 20 của chúng ta, càng tạo nên dư luận mạnh mẽ.

Sau khi đã thu hút được độc giả bằng khởi đầu ấn tượng, toà soạn tiếp tục phải dẫn dắt họ theo từng bước của chiến dịch, để độc giả đi từ nhận biết sự kiện đến chấp nhận và tin tưởng thông điệp, thay đổi hành vi cho phù hợp với mục tiêu của nhà tổ chức. Trong chiến dịch truyền thông về nhật ký Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thuỳ Trâm, Tuổi trẻ biết cách dẫn dắt độc giả qua các giai đoạn tiếp nhận. Đầu tiên là đăng tải trích đoạn và một số bài viết về hai cuốn nhật ký để độc giả “làm quen” với nhật ký chiến tranh, chấp nhận và yêu thích thể loại này trên báo đồng thời giúp họ nhận biết được nội dung của sự kiện. Sau đó bài phỏng vấn TS Vũ Minh Khương và diễn đàn Tuổi 20 của chúng ta tác động vào thái độ và hành vi của độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ-nhóm công chúng mục tiêu. Bạn đọc trẻ bắt đầu có suy nghĩ về lý tưởng, niềm tin, khát vọng cống hiến của tuổi trẻ và chia sẻ những suy nghĩ ấy thông qua diễn đàn. Tiếp tục, toà soạn mở cuộc vận động đóng góp xây dựng bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm là nhằm tác động vào hành vi của công chúng, để họ chung tay xây dựng một công trình có ý nghĩa. Loạt bài viết của PV Uyên Ly về cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ Việt-Mỹ và hành trình đi tìm lại người sỹ quan quân đội Sài Gòn Nguyễn Trung Hiếu tác động ở một mức độ cao hơn vào nhận thức của độc giả. Ở đây, bạn đọc không chỉ nhận thức được truyền thống lịch sử dân tộc mà còn nhận thức trên cơ sở tinh thần nhân văn, hoà bình, hoà hợp, hoà giải dân tộc.

Một phần của tài liệu Tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông về sự kiện nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm trên báo in (Khảo sát báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 6 đến tháng 12-2005) (Trang 74 - 76)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(89 trang)
w