2. QUY TRÌNH TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG
2.1.3. Phân tích thực trạng
Phân tích thực trạng thực chất là vạch ra những yếu tố ngoại lực và nội lực tác động đến chiến dịch truyền thông, thông qua việc phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của cơ quan truyền thông đối với môi trường xung quanh. Trước khi tiến hành chiến dịch truyền thông về nhật ký Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thuỳ Trâm, báo Tuổi trẻ cũng đã phân tích các yếu tố nội lực và nội lực để đảm bảo sự thành công cho chiến dịch.
Về nội lực, trước hết ban biên tập xác định toà soạn có những phóng viên, biên tập viên tâm huyết, có năng lực chuyên môn và có thể đáp ứng được yêu cầu của những chiến dịch như thế này, thậm chí lớn hơn. Tuổi trẻ có đủ khả năng tài
chính và sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng để thực hiện chiến dịch này. Bởi vì đối với Tuổi trẻ, điều quan trọng là phải “thổi được cái hồn vào tờ báo, để độc giả không chỉ đọc những gì trên mặt báo mà còn cảm nhận được tinh thần của tờ báo.”. Tuổi trẻ còn khẳng định có đủ nhân lực, vật lực tổ chức cả những chiến dịch
truyền thông về các sự kiện diễn ra ở nước ngoài. Vì thế, việc cử PV Uyên Ly sang Mỹ tìm ông Nguyễn Trung Hiếu không quá khó khăn.
Một yếu tố nội lực nữa, trong các chiến dịch truyền thông thường được gọi là chất lượng “sản phẩm truyền thông” thì với chiến dịch này của Tuổi trẻ, đó chính là hai cuốn nhật ký. “Sản phẩm” có chất lượng mới mong thu hút được công chúng. NB Bùi Thanh đã đọc rất kỹ nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc và kết luận ngắn gọn: Rất được! Văn phòng Hà Nội cũng tìm hiểu và được biết nhật ký này đang được dư luận chú ý, ngay cả các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm, chứng tỏ nó phải có sức hấp dẫn rất lớn.
Còn nhật ký Đặng Thùy Trâm thì hấp dẫn ngay từ chính số phận kỳ lạ của nó. Nó từ tay một bác sỹ Việt Cộng, qua tay một thượng sỹ quân đội Sài Gòn, đến tay một sỹ quan quân báo Mỹ rồi lại trở về trong vòng tay của gia đình người bác sỹ kia. Bay đúng nửa vòng trái đất về Việt Nam, bản thân “câu chuyện cổ tích” ấy đã rất xúc động. Đến khi PV Thu Hà đọc bản thảo, chị đã bị thu hút bởi nội dung của nó và khẳng định ngay: “Chắc chắn sẽ là một cuốn sách bán chạy và được bạn đọc yêu mến.”
Chính vì dự báo được sức hấp dẫn của hai cuốn nhật ký này nên toà soạn
Tuổi trẻ quyết định chọn làm trung tâm cho chiến dịch truyền thông.
Về các yếu tố ngoại lực, trước hết là nhận thức, hành vi, thái độ của độc giả trẻ – nhóm công chúng mục tiêu của chiến dịch này. Như đã phân tích ở trên, ban biên tập cho rằng nhiều bạn trẻ ngày nay sống quá ích kỷ, chỉ biết sống với những lo toan của riêng mình mà không biết nghĩ đến những điều lớn lao hơn. Tuy nhiên, trong họ đều âm ỉ một khát khao được cống hiến, chỉ chờ có mồi lửa là bùng lên thành ngọn đuốc. Vì thế, Tuổi trẻ hoàn toàn có cơ sở để tin vào tác động của chiến dịch này đối với thế hệ trẻ.
Sau khi đăng những trích đoạn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, toà soạn đã nhận được nhiều thư phản hồi của độc giả bày tỏ sự xúc động mạnh mẽ. Những người làm báo Tuổi trẻ đã cảm nhận được một làn sóng yêu thích nhật ký chiến tranh trong công chúng, đặc biệt là độc giả trẻ. Đó chính là
môi trường truyền thông thuận lợi khi tiến hành chiến dịch truyền thông này. Một yếu tố ngoại lực khác đó là truyền thống văn hoá nước ta. NB Bùi Thanh tin rằng: từ trước đến nay chúng ta đều quan tâm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, khích lệ những người trẻ tuổi cống hiến tài năng cho đất nước. Vì thế, chắc chắn chiến dịch truyền thông này sẽ tạo được sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình của toàn xã hội.
Sau khi phân tích thực trạng như vậy, Tuổi trẻ hoàn toàn tự tin bước vào tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông về sự kiện nhật ký Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thuỳ Trâm. Cũng có những ý kiến cho rằng, Tuổi trẻ đã bỏ lỡ cơ hội khi không mở chiến dịch ngay sau khi trích đăng nhật ký của Nguyễn Văn Thạc. Tuy nhiên, cũng có các ý kiến khác khẳng định, thời điểm đó chưa “chín muồi”. BTV Cù Mai Công, người phụ trách diễn đàn Tuổi 20 của chúng ta chia sẻ: “Ở nhật ký Nguyễn Văn Thạc, dù đoán trước sẽ có phản hồi nhưng không ngờ lại nhiều đến thế, Tuổi trẻ đã ít nhiều để lỡ cơ hội khi chưa mở diễn đàn kịp. Tuy nhiên, thời điểm ấy, tình hình cũng chưa chín muồi khi chưa có bài viết gắn với hiện tại. Nếu mở diễn đàn vào lúc này, có khả năng sẽ bị sa vào tự hào quá khứ. Niềm tự hào chỉ có giá trị thiết thực khi nó tạo ra động lực trong hiện tại và tương lai. Đồng thời, tập nhật ký của anh Thạc rất hay nhưng do là nhật ký của một tân binh...nên chưa có cái khốc liệt từng ngày, từng giờ của cuộc chiến tranh và độ giằng xé nội tâm cụ thể chưa mạnh mẽ như ở nhật ký của chị Trâm.”