1.5. Hình thức xử phạt
Pháp lệnh 2002 quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính khác nhau như sau: a) Các hình thức xử phạt chính:
Cảnh cáo;
Phạt tiền (mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ là từ 100.000 đồng đến 30.000.000 đồng ).
b) Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
c) Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, người vi phạm còn có thể bị buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
d) Người nước ngoài vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ trên lãnh thổ Việt Nam còn có thể bị xử phạt trục xuất. Trục xuất được áp dụng là hình thức xử phạt chính hoặc xử phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.
Nghị định quy định rằng các cơ sở hỗ trợ và tư vấn cho nạn nhân nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ, ví dụ lợi dụng hoạt động phòng chống BLGĐ để trục lợi có thể bị xử phạt với mức tối đa của khung tiền phạt là 30 triệu đồng.
Nghị định số 110/2009/NĐ-CP quy định mức phạt tương đối thấp đối với vi phạm lần đầu (đến 1,5 triệu đồng). Quy định này đã tính đến quan hệ đặc biệt giữa người vi phạm và nạn nhân. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền cần lưu ý rằng nếu đã có quá trình BLGĐ xảy ra trước đó thì cần cân nhắc áp dụng hình thức xử phạt cho phù hợp.
1.6. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là do pháp luật quy định, trao cho những cán bộ nhà nước liên quan. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định trong Chương IV của Pháp lệnh và quy định chi tiết trong Chương III của Nghị định số 110. Có 4 cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Đó là:
1. Chủ tịch UBND thực hiện quản lý nhà nước chung tại địa bàn địa phương; 2. Công an;
3. Bộ đội biên phòng;
4. Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chủ tịch UBND xã/phường, trưởng công an phường và chiến sĩ Công an nhân dân có vai trò quan trọng nhất trong việc lập hồ sơ vụ việc và quyết định mức phạt ở cơ sở.
Bộ đội biên phòng và Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể xử lý những dạng vi phạm như truyền bá thông tin, hình ảnh nhằm kích động hành vi BLGĐ hoặc xử lý hành vi BLGĐ tại khu vực biên giới.
Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Khi xảy ra hành vi vi phạm, theo quy định của Nghị định 110, Chủ tịch UBND xã/phường, trưởng công an phường và chiến sĩ Công an nhân dân có tráchh nhiệm xác định hành vi vi phạm cụ thể và xác định theo mức phạt thì mình có thẩm quyền xử phạt hay phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền cao hơn.
Quy định tại khoản 17 Điều 1 của Pháp lệnh 2008 và Nghị định số 128/2008 quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND xã/phường, trưởng công an phường và chiến sĩ Công an nhân dân. Ví dụ:
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương do mình quản lý, có thể quyết định áp dụng xử phạt vi phạm về phòng chống BLGĐ cụ thể như sau
1. Phạt cảnh cáo;
2. Phạt tiền đến 2.000.000 đồng;
3. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng; Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt cấp xã được xác định theo nguyên tắc sau đây:
Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã/phường, trưởng công an phường và chiến sĩ Công an nhân dân, thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;
Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt, thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;
Nếu các hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì quyền xử phạt thuộc Chủ tịch UBND cấp xã ở nơi xảy ra vi phạm.
Mục 2: Xử phạt hành chính trong các vụ việc BLGĐ
2.1. Tiếp nhận và xử lý vụ việc
Phát hiện hành vi BLGĐ
Vụ việc BLGĐ được các cơ quan chức năng phát hiện thông qua một số nguồn thông tin như đã được đề cập trong mô-đun 5. Sau khi phát hiện, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét có xử lý hành chính và việc xử lý có thuộc thẩm quyền của họ hay không.
Điều 18 Luật phòng, chống BLGĐ quy định người phát hiện BLGĐ phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực. Trường hợp ngoại lệ là nhân viên y tế và nhân viên tư vấn khi thực hiện nhiệm vụ của mình có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về nạn nhân (theo khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật)
Điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật phòng, chống BLGĐ quy định rằng nạn nhân BLGĐ có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Quy định này giúp Chủ tịch UBND cấp xã và những người liên quan khác có thẩm quyền để xác định có vi phạm hành chính xảy ra hay không.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND cấp xã có thể cân nhắc bất kỳ yêu cầu nào khác của nạn nhân (như tại khoản 1 Điều 5) trong khi quyết định có áp dụng xử phạt hành chính hay không. Như đã trình bày ở mô-đun 5, sự nhạy cảm trong cách xử lý của cơ quan có thẩm quyền với nạn nhân là quan trọng đối với tất cả các vụ việc do tính chất phức tạp của BLGĐ. Cách chính quyền xử lý với nạn nhân có tác động quan trọng đến việc nạn nhân có hợp tác và có đưa ra các “yêu cầu” hay không. Mặc dù ý kiến của nạn nhân là quan trọng nhưng chính quyền cần nhớ rằng họ đang xử lý vi phạm đối với pháp luật nhà nước và không thể coi là vấn đề riêng tư của gia đình.
Có thể có trường hợp vụ việc BLGĐ được xử lý bằng pháp luật hình sự nhưng bị đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án khi đã truy tố. Nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì phải lập hồ sơ vụ vi phạm và đề nghị xử phạt hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 63 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
Thu thập và củng cố chứng cứ
Theo quy định tại Điều 55 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, khi phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền phải kịp thời lập biên bản. Trong biên bản về vi phạm hành chính phải ghi rõ các chi tiết của vi phạm, họ tên của người vi phạm, nạn nhân và người chứng kiến. Biên bản này không chỉ quan trọng trong việc xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính mà còn là căn cứ quan trọng nhất để xác định là vi phạm hành chính đã xảy ra và phải áp dụng hình thức xử phạt nào.
Tuy nhiên, để đảm bảo có một quyết định có căn cứ đầy đủ và chính xác, cơ quan có thẩm quyền thường phải thu thập thêm các văn bản và chứng cứ khác. Chứng cứ có thể bao gồm hồ sơ tài liệu về thương tích của nạn nhân, tổn hại về tâm lý cũng như tác động tiêu cực của những hành vi bạo lực này đối với gia đình và xã hội 3.
Chứng cứ có thể là báo cáo giám định thương tích, biên bản, lời khai, vật chứng, hung khí hoặc những vật dùng để thực hiện hành vi bạo lực. Chứng cứ có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như thành viên trong gia đình, hàng xóm, cơ sở y tế.
Chứng cứ phải được thu thập nhanh chóng và bảo quản cẩn thận. Mô-đun 5 đã đề cập chi tiết đến cách bảo vệ chứng cứ tại hiện trường xảy ra hành vi bạo lực. Nếu không kịp thời thu thập chứng cứ thì rất có thể người phạm tội không phải chịu trách nhiệm về hành vi bạo lực của mình. Nếu chứng cứ bị phá hủy, bị mất hoặc hư hại thì rất có thể không chứng minh được hành vi bạo lực. Chứng cứ vật chất và chứng cứ chứng thực là rất quan trọng trong các vụ án về BLGĐ vì trong nhiều trường hợp nạn nhân không muốn hợp tác với chính quyền. Mô-đun 5 đã giới thiệu chi tiết về tâm lý hành vi của nạn nhân. Ngoài ra liên quan đến chứng cứ, pháp luật Việt Nam cũng quy định rằng cơ quan chức năng không thể chỉ dựa vào lời khai của nạn nhân để xác định rằng hành vi BLGĐ đã xảy ra, do vậy cần phải đảm bảo thu thập được đầy đủ các chứng cứ khác nữa.
Chứng cứ liên quan đến hành vi BLGĐ phải được phân loại và đánh giá một cách khoa học. Sau khi có đánh giá ban đầu về chứng cứ có thể phải lên kế hoạch thu thập thêm chứng cứ khác.
BLGĐ là một vấn đề nhạy cảm. Vì nhiều lý do khác nhau mà nạn nhân, người thân hoặc hàng xóm không muốn tố cáo hành vi BLGĐ. Họ có thể cảm thấy xấu hổ hoặc có thể sợ thủ phạm. Do vậy trong khi nói chuyện với nạn nhân, cán bộ chính quyền cần hiểu rõ nguyên nhân của BLGĐ và cần phải kiên nhẫn, nhạy cảm. Ngoài ra, các chứng cứ vật chất như hồ sơ tài liệu chứng minh thương tích của nạn nhân là rất quan trọng. Khi phát hiện hành vi BLGĐ, cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng xác định và thu lại các chứng cứ vật chất.
Khi thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền cần lưu ý đến sự an toàn của nạn nhân và tìm ra căn cứ pháp lý để buộc người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Trong nhiều trường hợp, BLGĐ đã xảy ra một thời gian dài rồi mới bị phát hiện. Tình trạng bạo lực thường gia tăng cùng với thời gian. Mặc dù không thể đoán chắc lúc nào thì bạo lực có thể gia tăng tới mức gây chết người nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn phải đánh giá về nguy cơ đó như mô tả ở mục 7.2 của mô-đun 5. Để tiến hành đánh giá đó đòi hỏi phải thu thập được đầy đủ mọi chứng cứ. Do vậy các cơ quan có thẩm quyền cần thu thập chứng cứ và lập biên bản mọi vụ việc mà họ biết để phản ánh chân thực quá trình BLGĐ xảy ra để có thể áp dụng các biện pháp phù hợp để phòng ngừa bạo lực trong tương lai một cách hiệu quả.
Khi cơ quan có thẩm quyền nhận được hồ sơ vụ vi phạm như quy định trong Điều 63 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, họ sẽ xem xét chứng cứ và tài liệu để xác định có dấu hiệu vi phạm hành chính hay không. Cơ quan có thẩm quyền có thể cân nhắc xem có cần thu thập thêm chứng cứ trước khi xử phạt vi phạm hành chính.
Xác định người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Sau khi phát hiện, lập biên bản hành vi vi phạm và thu thập các chứng cứ ban đầu để xác định có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ, cán bộ tiếp nhận và thụ lý hồ sơ cần xác định hình thức xử phạt nào cần áp dụng đối với tình huống đó để biết mình có đủ thẩm quyền xử phạt hay không.
Nếu thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra và truy tố theo quy định của Điều 62, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
2.2. Biện pháp đình chỉ và ngăn chặn vi phạm hành chính trong tương lai
Sau khi xác định rằng vụ việc BLGĐ là hành vi vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền cần áp dụng biện pháp để đình chỉ và ngăn chặn bạo lực tái diễn. Các biện pháp này được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Luật phòng, chống BLGĐ. Các biện pháp này là nhằm kịp thời bảo vệ nạn nhân, chấm dứt bạo lực và/hoặc giảm thiệt hại do bạo lực gây ra.
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định một số biện pháp ngăn chặn hành chính như sau: Tạm giữ người vi phạm theo thủ tục hành chính
Khám người theo thủ tục hành chính;
Khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính; Khám nơi cất giấu tang vật theo thủ tục hành chính.
Luật phòng, chống BLGĐ quy định những biện pháp sau đây để đình chỉ và ngăn chặn vi phạm hành chính tái diễn:
Biện pháp cấm tiếp xúc, tức là cấm người có hành vi BLGĐ đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân.
Đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Luật phòng, chống BLGĐ cũng quy định những thủ tục cần thực hiện khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc. ). Để thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân BLGĐ phải có yêu cầu và biện pháp này được áp dụng trong trường hợp hành vi BLGĐ gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe doạ tính mạng của nạn nhân”. Nạn nhân có thể yêu cầu áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc theo 2 cách:
1. Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình có thể quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 3 ngày;
2. Toà án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự có thể quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng.
Điều 9 của Nghị định 08 quy định rằng công an là một trong những cơ quan có thẩm quyền để gửi đơn yêu cầu UBND ra quyết định cấm tiếp xúc. Công an có thể có đơn yêu cầu khi có một trong các căn cứ sau đây:
• Có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và điều trị thương tích do hành vi BLGĐ gây ra;
• Có dấu vết thương tích trên cơ thể nạn nhân có thể nhận thấy rõ bằng mắt thường hoặc có dấu hiệu rõ ràng về hoảng loạn tinh thần của nạn nhân BLGĐ;
• Có chứng cứ chứng minh có sự đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của nạn nhân BLGĐ.
Các biện pháp trên không nằm trong quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Các quy trình thủ tục của hệ thống tư pháp hình sự được mô tả trong mô-đun 7.
Giám sát thực hiện quyết định cấm tiếp xúc của toà án
Chủ tịch UBND xã/phường, trưởng công an phường và cán bộ Công an có một vai trò quan trọng trong việc giám sát hoặc tổ chức giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc (khoản 2 Điều 21 của Luật phòng, chống BLGĐ. Ngoài ra, những cán bộ này có thể áp dụng biện pháp xử lý nếu thủ phạm vi phạm biện pháp cấm tiếp xúc. Vi phạm quyết định cấm tiếp xúc của UBND là vi phạm hành chính và có thể bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo quy định của Nghị định 08.
Tạm giữ người gây BLGĐ
Chủ tịch UBND xã/thị trấn và trưởng công an phường có quyền quyết định tạm giữ người có hành vi BLGĐ theo thủ tục hành chính. Nghị định 19 4 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành