Xử lý ban đầu đối với các vụ bạo lực gia đình Mục đích:
4.1 Tiến hành điều tra tại hiện trường: Tổng quan
Khung pháp lý Việt Nam quy định một số cách xử lý vụ việc tùy thuộc vào tình huống cụ thể của từng vụ việc. Để quyết định được biện pháp xử lý nào là phù hợp, do tính phức tạp của các tình huống BLGĐ, cán bộ xử lý ban đầu cần điều tra đầy đủ trước khi quyết định. Mọi sự việc đều phải được ghi chép lại. Điều này đảm bảo cho hồ sơ được đầy đủ và chính xác cho từng sự việc, dù chính quyền địa phương xử lý theo hướng nào. Lưu trữ hồ sơ vụ việc có hai mục đích: thứ nhất là để khẳng định rằng tất cả các vụ bạo lực đều được chính quyền địa phương xử lý nghiêm túc; thứ hai, đảm bảo ghi chép đầy đủ thông tin về quá trình bạo lực.
Điều tra tại hiện trường và bảng kiểm
Cán bộ xử lý ban đầu cần tiến hành các hoạt động điều tra tại hiện trường như sau: • Thu thập và bảo quản chứng cứ theo quy trình điều tra của Cơ quan điều tra. • Ghi chép tỉ mỉ, bao gồm các hành động và lời khai của các bên liên quan. • Tiến hành lấy lời khai chi tiết của nạn nhân và người làm chứng.
• Lấy lời khai người bị tình nghi.
• Hoàn thiện báo cáo chi tiết vụ việc đối với tất cả các vụ BLGĐ xảy ra, bất kể có khởi tố vụ án hay không, và đảm bảo các thông tin được lưu giữ trong hệ thống thông tin của cơ quan công an và UBND để sử dụng tham khảo sau này.
Điều tra ban đầu là một hoạt động bài bản nhằm làm rõ hành vi vi phạm pháp luật bằng cách xem xét sự kiện và tình huống của vụ việc và xác định các phương án xử lý phù hợp với sự kiện và tình huống đó.
Mọi tin báo về BLGĐ đều phải được xử lý bằng một cuộc điều tra nghiêm túc về vụ việc. Điều này sẽ chứng tỏ cho thủ phạm và cộng đồng thấy chính quyền nhìn nhận các vụ việc BLGĐ một cách nghiêm khắc. Ngoài ra việc điều tra cũng giúp Công an và UBND hiểu rõ hoàn cảnh vụ việc trước khi quyết định áp dụng một chế tài xử lý phù hợp.
Cán bộ xử lý ban đầu cần tìm kiếm các đồ vật có thể là vật chứng và xác định giá trị của các chứng cứ tìm thấy. Chứng cứ có thể là vật chất như vũ khí, tài liệu, hình ảnh, hoặc có thể là phi vật chất như lời khai nhân chứng, người bị hại, đối tượng gây bạo lực… Các chứng cứ khác nhau thu thập được có thể củng cố chứng cứ của nạn nhân và có thể được cán bộ xử lý ban đầu sử dụng để đánh giá ban đầu xem chế tài và biện pháp bảo vệ nào cần thiết áp dụng.