3 Nghị định số 110/2009/CP ngày 10 tháng 12 năm 2009 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ
4.2 Tầm quan trọng của việc phối hợp và lồng ghép
Như đã đề cập ở trên, BLGĐ là vấn đề xã hội cần được giải quyết bằng phương pháp tổng thể và lồng ghép. Nhiều nghiên cứu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận phối hợp và toàn diện cho vấn đề này, trong đó đòi hỏi sự tham gia của tất cả các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan.
Mặc dù tài liệu tập huấn này tập trung vào cơ quan hành pháp và tư pháp nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng các cơ quan này là một phần của hệ thống lớn hơn để giải quyết vấn đề BLGĐ. Việc phối hợp có thể diễn ra ở nhiều cấp độ. Các cơ quan hành pháp và tư pháp cần phối hợp với ngành y tế, giáo dục và công tác xã hội cũng như chính quyền địa phương, người đứng đầu cộng đồng dân cư, các tổ chức đoàn thể và xã hội dân sự.
Ví dụ, công an và cơ quan điều ra cần phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế, những người làm giám định y khoa xác nhận tỷ lệ thương tật. Thông tư liên tịch số 12/1995 đưa ra một bảng dài và phức tạp về tỷ lệ thương tật cho mỗi loại chấn thương và hậu quả lâu dài khác nhau. Việc đánh giá này đòi hỏi trình độ chuyên môn y khoa. Tuy nhiên công an và cán bộ UBND với vai trò là những người xử lý ban đầu các vụ BLGĐ cần có kiến thức về đánh giá ban đầu đối với thương tích để chuyển nạn nhân tới cơ quan giám định khi cần.
Cơ quan hành pháp và tư pháp cũng cần phối hợp chặt chẽ với nhau để đáp ứng nhu cầu của nạn nhân, người gây bạo lực và cộng đồng. Ở Việt Nam, cơ quan hành pháp và tư pháp không chỉ bao gồm công an, cơ quan điều tra hình sự, kiểm sát viên và thẩm phán mà còn bao gồm cán bộ UBND và cán bộ tư pháp là người tư vấn về vấn đề gia đình ở cơ sở nhằm góp phần phòng chống BLGĐ. Họ có thể giúp nhau tăng hiệu quả hoạt động thông qua chia sẻ thông tin và điều phối nguồn lực. Ví dụ UBND cần phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc để hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân và tiến hành tư vấn cũng như tiến hành các biện pháp khác như phê bình trong cộng đồng và hòa giải. Công an cần phối hợp với UBND và người đứng đầu cộng đồng dân cư để quản lý và lưu giữ hồ sơ về BLGĐ để đảm bảo rằng những hành vi kéo dài và lặp lại được xử lý đúng đắn.
Thách thức trong hợp tác liên ngành là mỗi ngành có một mối quan tâm, quan điểm và mong đợi riêng. Tuy nhiên đây cũng là một điểm tích cực vì mỗi ngành có thể đóng góp một thế mạnh riêng vào quá trình thảo luận.
Việc điều phối và hợp tác cần thực hiện ở mọi cấp độ, trong tất cả các ngành liên quan: • Những cán bộ thực thi trực tiếp.
• Cán bộ quản lý cấp trung.
• Cán bộ quản lý cấp cao, xây dựng chính sách và ra quyết định.
Chiến lược điều phối và lồng ghép có thể có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Một trong những cách đó là đảm bảo mỗi cơ quan có “một người tiên phong” trong việc thúc đẩy bảo vệ phụ nữ và hợp tác liên ngành, và người tiên phong đó lại được ủng hộ của lãnh đạo cấp cao hơn - một người tiên phong ở cấp độ chính sách công. Một cách tiếp cận khác là thiết lập một trung tâm quốc gia hoặc khu vực để thu thập, phân tích, cung cấp các dữ liệu và nghiên cứu liên quan. Một cách nữa mà nhiều nước đã thực hiện là lập nên các đường dây khu vực dành cho nạn nhân, công an và các cơ quan cung cấp dịch vụ khác, qua đó phổ biến thông tin về chính sách, các thủ tục và cách tiếp cận những dịch vụ địa phương nhằm trợ giúp nạn nhân và cán bộ liên quan.
Thực tiễn tốt
Các nước đã xây dựng các bộ hướng dẫn, thủ tục và cơ chế chuyển gửi đặc biệt mang tính liên ngành để xử lý các vụ BLGĐ, trong đó liên quan đến cán bộ y tế, tư vấn, hòa giải viên, cảnh sát, kiểm sát viên và thẩm phán.
PHỤ LỤC