Danh sách này được trích từ Sổ tay về Bạo lực Gia đình dành cho Cảnh sát và Công tố viên vùng Alberta Tư pháp Alberta 2008.

Một phần của tài liệu Công tác phòng chống bạo lực gia đình (Trang 32 - 35)

Rào cản làm nạn nhân khó tiếp cận sự giúp đỡ

Nạn nhân của BLGĐ thường gặp một số rào cản trong việc thoát khỏi người gây bạo lực và tìm kiếm sự giúp đỡ, kể cả hỗ trợ của hệ thống pháp luật.

Nạn nhân có thể không trình báo việc bị bạo lực mà chịu đựng trong im lặng.

• Bạo lực xảy ra khi hai người vẫn đang trong quan hệ hôn nhân/tình cảm và nạn nhân có thể không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ của công an hoặc các cơ quan chức năng khác vì thấy xấu hổ, tủi nhục, vì phụ thuộc kinh tế vào người gây bạo lực hoặc sợ bị trả thù.

Nếu nạn nhân có tìm kiếm sự giúp đỡ của công an hoặc chính quyền địa phương thì thông thường việc trình báo của họ cũng không được xem xét một cách nghiêm túc.

• Khi đó, công an hoặc chính quyền địa phương đã thể hiện những giá trị truyền thống và họ không muốn can thiệp do những quan điểm truyền thống (phổ biến trên thế giới) rằng BLGĐ là vấn đề nội bộ của gia đình.

• Thường thì công an không xem xét đầy đủ bản chất và động cơ của BLGĐ.

• Từng hành động bạo lực được xem xét một cách đơn lẻ, thay vì được xem xét trong bối cảnh những áp đặt quyền lực và kiểm soát của một quan hệ hôn nhân đầy bạo lực.

• Công an và chính quyền địa phương có thể có những quan niệm sai lầm về BLGĐ và điều này ảnh hưởng đến cách công an lấy lời khai, giải quyết vụ việc và trao đổi với nạn nhân.

Nếu nạn nhân có tìm kiếm sự giúp đỡ và vụ việc được điều tra thì người phụ nữ cũng có thể rút đơn kiện.

• Do bản chất và động cơ của BLGĐ nên nhiều nạn nhân đã rút đơn ngay sau khi gửi đơn. Khi bạo lực xảy ra, nạn nhân có thể trình báo để mong bạo lực chấm dứt. Trong giai đoạn ngọt ngào, nạn nhân có thể rút đơn do người gây bạo lực thể hiện sự ăn năn hối hận, do áp lực, lo lắng về tình hình tài chính của mình hoặc sức ép của các thành viên trong gia đình.

Để xác định và phản ứng thích đáng với các vụ BLGĐ đòi hỏi phải hiểu và xem xét đầy đủ những động lực đặc biệt của bạo lực và sự tổn thương đặc biệt của nạn nhân. Khi nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ, cần có một đáp ứng có hiệu quả từ phía pháp luật trong đó ưu tiên bảo vệ nạn nhân và đảm bảo rằng nạn nhân được đối xử theo cách thức nhạy cảm. Nếu người gây bạo lực không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, ý thức thống trị và quyền lực của anh ta sẽ được củng cố và nạn nhân sẽ chịu nguy cơ bị bạo lực gia tăng trong tương lai.

Mục 7: Tóm tắt ý chính

1. BLGĐ là một hành vi chủ ý và là hành vi có thể học.

2. BLGĐ là một dạng bạo lực trên cơ sở giới, bắt nguồn từ thái độ và quan điểm có từ lâu coi phụ nữ là thấp kém hơn nam giới.

3. Phụ nữ là nạn nhân của tới 95% các vụ BLGĐ.

4. BLGĐ thường bao gồm những hành vi lặp đi lặp lại; bao gồm những dạng bạo lực khác nhau. 5. Có 4 dạng bạo lực: thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế.

6. Người gây bạo lực sử dụng những hành vi khác nhau để nắm quyền lực và sự kiểm soát đối với nạn nhân.

7. Chính bản thân thủ phạm là người gây ra bạo lực – không phải việc nghiện rượu, không phải nạn nhân hay mối quan hệ giữa hai người.

8. Hành vi của nạn nhân thường là chỉ là cách để đảm bảo an toàn tính mạng. 9. BLGĐ ít được trình báo do một số các nguyên nhân phức tạp.

10. Hiểu được các động cơ của BLGĐ và rào cản khiến nạn nhân khó tiếp cận giúp đỡ sẽ giúp cán bộ các cơ quan hành pháp và tư pháp xử lý các vụ BLGĐ hiệu quả hơn.

Một phần của tài liệu Công tác phòng chống bạo lực gia đình (Trang 32 - 35)