Cộng hoà Liên bang Đức:

Một phần của tài liệu Luận văn phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch (Trang 53 - 55)

Đầu tư cho giáo dục ở Cộng hoà Liên bang Đức rất lớn, chiếm khoảng 5-6% thu nhập quốc dân, do đó các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và giáo viên cho hệ thống giáo dục-đào tạo Cộng hoà Liên bang Đức rất tốt so với các nước khác. Việc đóng góp để đầu tư cho giáo dục, chủ yếu là từ ngân sách của chính quyền địa phương (các bang).

Cộng hoà Liên bang Đức xác định mục tiêu của giáo dục đại học và đào tạo nghề nghiệp nhằm cung cấp nhân lực theo hướng thiên về khoa học, công nghệ và nghề nghiệp cụ thể để đáp ứng nhu cầu phát triển của lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong nền kinh tế phát triển và cạnh tranh gay gắt.

Thông thường, người theo hướng học nghề bắt đầu được đào tạo từ sau năm học lớp 9 hoặc lớp 10 hệ phổ thông. Thời gian học nghề thường là 3 năm. ở tuổi này, có tới 75% số người chọn con đường học nghề, trong đó 3/4 là đi theo hệ thống đào tạo nghề theo phương thức đào tạo tại xí nghiệp và trường học (gọi là hệ thống song hành- Dual System), 1/4 còn lại học tại các trường dạy nghề thuần tuý. Về nguyên tắc, người học nghề theo hệ song hành không bắt buộc phải có một trình độ văn hoá nào, nó được chấp nhận cho mọi người trên 15 tuổi; do đó, chỉ có khoảng 15% số người học nghề theo hệ thống này đã có bằng tú tài (học hết lớp 12 hoặc 13). Các trường dạy nghề

thường được tổ chức và phân theo những ngành chính như: sản xuất, thương mại, thủ công, nông nghiệp... Các trường dạy nghề du lịch điển hình trong việc áp dụng hệ thống song hành trong đào tạo nghề như Trường Hotelberufschule Bavaria.

Phần lớn chi phí cho việc dạy nghề theo hệ thống song hành là do các xí nghiệp đài thọ (87%), chi phí này lớn gấp 2,8 lần ngân sách do Chính phủ chi cho các trường dạy nghề. Lợi thế của hình thức đào tạo này là do quá trình đào tạo có chất lượng cao cùng với những tiêu chuẩn đào tạo linh hoạt và thích ứng với nhu cầu của nền kinh tế; khuyến khích đề cao tính độc lậo của người thợ trong việc lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát công việc sau này.

Bên cạnh đào tạo nghề, việc bồi dưỡng, bổ túc tay nghề cũng được tổ chức rộng rãi bởi một hệ thống trường lớp đa dạng, hoạt động trên nguyên tắc thị trường. Các xí nghiệp, hiệp hội cũng như các cơ sở tư nhân và nhà nước cùng cạnh tranh bình đẳng trong việc đáp ứng nhu cầu dạy nghề trong xã hội. Năm 1991, khoảng 21% số lao động tham gia vào đào tạo bổ túc. Số tiền các xí nghiệp bỏ vào việc đào tạo bổ tục cho nhân viên của họ lên đến 36,5 tỉ DM, gấp 1,5 lần số tiền dùng cho đào tạo cơ bản.

Ngoài hệ thống đào tạo nghề, Cộng hoà Liên bang Đức rất chú trọng loại hình đào tạo kỹ sư thực hành. Đối với đào tạo du lịch, tồn tại loại hình đào tạo này thông qua hệ thống trường cao đẳng chuyên nghiệp (Hotelberufschule hay Fachhochschule); đào tạo hướng vào thực hành, triển khai vận dụng, có trình độ thấp hơn kỹ sư đại học. Thời gian đào tạo của các ngành khoa học kỹ thuật công nghiệp của các trường Hotelberufschue là 4 năm, các ngành khác của trường loại này có thời gian đào tạo ngắn hơn. Các trường kỹ sư chuyên nghiệp Hotelberufschule ở Cộng hoà Liên bang Đức hiện nay có trình độ đào tạo tương đối cao; với thời gian đào tạo 4 năm thì những người tốt nghiệp trường Hotelberufschule ở Đức hiện nay có trình độ thực hành chuyên môn mạnh hơn so với các nước khác.

Cộng hoà Liên bang Đức có nền giáo dục kỹ nghệ tốt nhất. Nền giáo dục này đã tạo ra khả năng đáp ứng, thích ứng rất linh hoạt và có chất lượng cao với nền kinh tế phát triển. Hoa Kỳ, các nước châu Âu chịu ảnh hưởng của loại hình giáo dục cao đẳng, đại học ngắn hạn ở các ngành kỹ thuật này của Đức từ cuối thế kỷ trước. Gần đây các nước Trung Đông và châu Phi, châu Mỹ La-tinh và một số nước Đông Nam Á cũng mở loại hình đào tạo này.

Một phần của tài liệu Luận văn phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch (Trang 53 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w